Quyết tâm xây dựng, chỉnh đốn Đảng

Trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, Đảng ta đã chú trọng thực hiện công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng một cách toàn diện, đồng bộ với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt và đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.

Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng khen thưởng các tổ chức Đảng và đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 5 năm 2015-2019, thuộc Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh. Ảnh: P.Hằng

Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng khen thưởng các tổ chức Đảng và đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 5 năm 2015-2019, thuộc Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh. Ảnh: P.Hằng

Theo đó, trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và Ban Bí thư đã ban hành hàng trăm nghị quyết, quy định, văn bản về công tác xây dựng Đảng, qua đó tạo nhiều chuyển biến tích cực về công tác xây dựng Đảng.

* Kiên quyết xử lý các sai phạm

Nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Đức Hà cho biết, công tác xây dựng Đảng trong nhiệm kỳ Đại hội XII được tập trung vào việc thực hiện các nghị quyết, quy định của Ban chấp hành Trung ương khóa XII về xây dựng Đảng. Trong đó, nhằm cụ thể hóa thực hiện nhiệm vụ trọng tâm thứ nhất của nhiệm kỳ XII, Hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương đã thảo luận và thống nhất rất cao việc ban hành Nghị quyết về Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII vừa tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, vừa cụ thể hóa thực hiện 10 nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng Đảng và nhiệm vụ trọng tâm thứ nhất trong nhiệm kỳ mà Đại hội XII của Đảng đề ra. Đồng thời, bổ sung nội dung mới là đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, gắn với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW, ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

PGS-TS Nguyễn Viết Thông, Tổng thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương cho biết, trong nhiệm kỳ Đại hội XII, nhiều vấn đề khó, phức tạp đã đặt ra và thực hiện từ nhiều năm trước nhưng ít có hiệu quả thì nhiệm kỳ này đã đạt được kết quả quan trọng, nổi bật, như tiến hành mạnh mẽ đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng; đẩy mạnh và có bước đột phá trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Xử lý nghiêm những tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên vi phạm; kể cả cán bộ đã nghỉ hưu. Quyết liệt trong kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế; đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ, bảo đảm dân chủ, khách quan, chặt chẽ hơn, bước đầu ngăn chặn tình trạng chạy chức, chạy quyền.

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến tháng 4-2020, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 1.100 tổ chức Đảng và 72.838 đảng viên. Riêng Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xử lý kỷ luật bằng các hình thức gần 100 cán bộ diện Trung ương quản lý (cả đương chức và nguyên chức); trong đó, có 23 ủy viên Trung ương Đảng và nguyên ủy viên Trung ương Đảng (có 3 nguyên ủy viên Bộ Chính trị, 2 nguyên phó thủ tướng Chính phủ), 20 sĩ quan cấp tướng ngành Quân đội, Công an. Trong số cán bộ bị xử lý kỷ luật về mặt Đảng, có một số cán bộ còn bị xử lý bằng pháp luật.

Trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã chỉ đạo quyết liệt, không có vùng cấm, không có ngoại lệ; nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm đã được xử lý triệt để, nghiêm minh, đúng pháp luật, có tác dụng cảnh báo, răn đe mạnh mẽ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy nhà nước, khẳng định quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

* Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ

Tại Hội nghị lần thứ 7, Ban chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết 26-NQ/TW về Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Nghị quyết xác định 5 quan điểm chỉ đạo, trong đó nhấn mạnh: cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng; công tác cán bộ là khâu “then chốt” của công tác xây dựng Đảng và xây dựng hệ thống chính trị.

Thực hiện nghiêm, nhất quán Đảng thống nhất lãnh đạo trực tiếp, toàn diện công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Tôn trọng và hành động theo quy luật khách quan, thường xuyên đổi mới công tác cán bộ phù hợp với tình hình thực tiễn. Xây dựng đội ngũ cán bộ là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị; trực tiếp là cấp ủy, tổ chức Đảng mà trước hết là người đứng đầu và cơ quan tham mưu của Đảng về tổ chức, cán bộ. Sức mạnh của Đảng là ở sự gắn bó máu thịt, mật thiết với nhân dân; phải thực sự dựa vào dân để xây dựng đội ngũ cán bộ.

Qua 3 năm thực hiện các nghị quyết của Hội nghị Trung ương lần thứ 6 và 4 năm thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đã đạt những kết quả bước đầu quan trọng. Tính đến cuối năm 2019, cả nước giảm được 4 đầu mối trực thuộc Trung ương; 6 tổng cục, 74 cục, vụ và tương đương; giảm 117 sở, ngành và tương đương ở cấp tỉnh; giảm 5.475 phòng và tương đương; giảm 5.053 đơn vị sự nghiệp công lập... Đồng thời, đã hợp nhất một số đơn vị cấp tỉnh; nhất thể hóa chức danh lãnh đạo ở một số ngành, lĩnh vực. Qua đó, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị bớt cồng kềnh, giảm cấp trung gian, giảm lãnh đạo, giảm thủ tục hành chính, giảm biên chế, giảm chi thường xuyên, tăng chi đầu tư phát triển.

Để công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đạt kết quả tích cực, Đảng ta còn rất chú trọng việc nêu gương của cán bộ, đảng viên. Hội nghị lần thứ 8, Ban chấp hành Trung ương khóa XII đã ban hành Quy định 08-QĐi/TW về Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư, ủy viên Ban chấp hành Trung ương.

Theo ông Nguyễn Đức Hà, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn quan tâm giáo dục, rèn luyện, nêu cao tính tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Cương lĩnh, Điều lệ Đảng xác định, sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên là một trong những phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và toàn xã hội. Do đó, Quy định 08-QĐi/TW đã nêu 8 nội dung mà từng ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban chấp hành Trung ương phải nghiêm khắc với mình và kiên quyết chống. Đó là chủ nghĩa cá nhân, cục bộ, bản vị; nói không đi đôi với làm. Độc đoán, chuyên quyền, quan liêu, xa dân, vô cảm trước những khó khăn, bức xúc của nhân dân, định kiến với người góp ý, phê bình. Chủ trì tham mưu, ban hành cơ chế, chính sách trái với chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, ảnh hưởng tới uy tín của Đảng hoặc gây thiệt hại đến lợi ích cho đất nước, tập thể, công dân. Chạy hoặc tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền, chạy phiếu bầu tín nhiệm. Đề bạt, bố trí, bổ nhiệm cán bộ không đúng tiêu chuẩn, điều kiện, nhất là người nhà, người thân. Tham nhũng, hối lộ dưới mọi hình thức. Lãng phí công quỹ, tài sản, phương tiện, nhân lực, thời gian làm việc. Lợi dụng doanh nghiệp hoặc để doanh nghiệp lợi dụng nhằm vụ lợi. Để người thân lợi dụng chức vụ, quyền hạn, uy tín của mình để vụ lợi.

Ngoài những nghị quyết, quy định nói trên, từ sau Đại hội XII của Đảng đến nay, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nghiên cứu, ban hành nhiều quy định, quy chế... nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả về công tác xây dựng Đảng.

PGS.TS Nguyễn Viết Thông, Tổng thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương cho biết, trong nhiệm kỳ Đại hội XII, Ban chấp hành Trung ương đã ban hành và lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện 4 nghị quyết và 1 quy định về công tác xây dựng Đảng. Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành 124 văn bản về công tác xây dựng Đảng.

Như vậy, nhìn tổng thể trong nhiệm kỳ Đại hội XII, công tác xây dựng Đảng được Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các cấp ủy, tổ chức Đảng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt và đạt nhiều kết quả tích cực. Kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa xây dựng Đảng với chỉnh đốn Đảng; trong đó xây dựng Đảng được tập trung đẩy mạnh; chỉnh đốn Đảng được chú trọng, tăng cường. Đề cao trách nhiệm của cấp ủy, sự gương mẫu của cấp trên và người đứng đầu các cấp; tăng cường đoàn kết thống nhất trong Đảng; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị.

Phương Hằng

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/chinhtri/202011/tien-toi-dai-hoi-dai-bieu-toan-quoc-lan-thu-xiii-cua-dang-quyet-tam-xay-dung-chinh-don-dang-3032603/