Quyết tâm và trách nhiệm

Chủ động ngăn chặn dịch cúm bùng phát trên gia cầm và nguy cơ lây sang người, trong bối cảnh dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona (Covid-19) tiếp tục diễn biến phức tạp là công việc có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Mỗi cấp, ngành và từng người chăn nuôi cần thể hiện trách nhiệm với quyết tâm cao nhất, bởi lẽ, nếu để xảy ra dịch chồng dịch thì thiệt hại không thể đo đếm và không chỉ tác động xấu đến phát triển kinh tế.

Vì thế, việc phát hiện các ổ cúm gia cầm tại tỉnh Bắc Ninh, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An và thành phố Hà Nội đang đòi hỏi những hành động cấp bách của cả cộng đồng. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ NN&PTNT, với tinh thần không để dịch chồng dịch, Hà Nội đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, từ tổ chức giám sát, phát hiện sớm, xử lý kịp thời dịch bệnh đến hướng dẫn chủ chăn nuôi áp dụng các biện pháp an toàn sinh học, chủ động phòng dịch cho đàn gia cầm… Đặc biệt, Hà Nội đã quyết liệt trong việc tiêu hủy gia cầm nhiễm bệnh, khoanh vùng kiểm soát ổ dịch tại thôn Phú Vinh, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ…

Tuy nhiên, với hàng loạt vấn đề đặt ra từ nội tại, như chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm tỷ lệ lớn, chăn nuôi trong khu dân cư; ý thức về chăn nuôi an toàn của người dân chưa cao, chưa kể không ít người thiếu trách nhiệm, thiếu sự hợp tác với các cơ quan chuyên trách trong việc phòng, chống dịch bệnh. Rồi lượng gia cầm vận chuyển từ các tỉnh về Hà Nội quá lớn gây khó khăn cho việc kiểm soát… càng yêu cầu các cấp, các ngành của thành phố phải có quyết tâm cao cũng như những giải pháp quyết liệt hơn để vượt qua thách thức.

Trong bối cảnh hiện tại, phòng, chống cúm gia cầm đã được xác định là nhiệm vụ cấp bách và cũng là trách nhiệm của chính quyền các cấp. Do vậy, các ngành, các địa phương vừa phải tập trung đối phó với dịch bệnh do Covid-19, nhưng cũng không được lơ là với cúm gia cầm. Trước mắt, cần chủ động tập trung mọi nguồn lực, bổ sung vật tư, thiết bị sẵn sàng cho công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.

Khi phát hiện các ổ dịch, chính quyền các cấp, đặc biệt là người đứng đầu phải thể hiện rõ trách nhiệm trong việc tổ chức khoanh vùng dập dịch: Kiên quyết tiêu hủy toàn bộ số gia cầm nhiễm bệnh, triển khai chốt chặn không để phát tán sản phẩm gia cầm trong vùng có dịch, không để các ổ dịch lây lan… Đồng thời, ngành Nông nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển, giết mổ gia cầm, xử lý nghiêm những trường hợp sai phạm. Đặc biệt là việc kiểm soát dịch bệnh tại các chợ gia cầm đầu mối…

Mặt khác, tái đàn là nhu cầu của người chăn nuôi, cũng nhằm bảo đảm nguồn cung cho thị trường. Tuy nhiên, nếu không có những tính toán kỹ lưỡng, rất có thể việc tái đàn sẽ không mang lại hiệu quả kinh tế như mong muốn, mà còn dẫn đến nguy cơ tái đàn - tái dịch. Quy định về việc tái đàn đã đầy đủ, vấn đề lúc này là các cơ quan chức năng địa phương cần giám sát chặt chẽ, hướng dẫn kịp thời, đặc biệt với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.

Và một vấn đề không thể không nhắc đến là mỗi người, trên từng vị trí công việc cần thể hiện rõ trách nhiệm với cộng đồng. Người chăn nuôi ý thức được trách nhiệm của mình, chủ động tiêm phòng cho đàn gia cầm, vệ sinh tiêu độc chuồng trại, triệt để tiêu hủy gia cầm khi nhiễm bệnh. Lực lượng liên ngành của thành phố và các địa phương phát huy trách nhiệm, nâng cao ý thức công vụ trong kiểm tra, kiểm soát, xử lý các sai phạm trong vận chuyển, kinh doanh, giết mổ gia cầm. Các cơ quan quản lý nhà nước địa phương biến quyết tâm phòng, chống dịch bệnh thành những hành động cụ thể, những giải pháp hiệu quả…

Làm được như vậy chắc chắn chúng ta sẽ khống chế và đẩy lùi được nguy cơ bùng phát cúm gia cầm, ngăn chặn được mối lo tình trạng dịch chồng dịch.

Thế Văn

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/luan-ban-hanh-dong/958583/quyet-tam-va-trach-nhiem