Quyết tâm trình Quốc hội thông qua Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ

Mặc dù là hai luật 'khó', có tính chất chuyên ngành cao, song Bộ Công Thương cùng các thành viên Ban soạn thảo đã khẩn trương thực hiện các bước soạn thảo và nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội để chỉnh lý với quyết tâm trình Quốc hội thông qua trong một kỳ họp.

Đó là khẳng định của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh trong phiên thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ chiều 31/5.

Tiếp tục chỉnh lý hoàn thiện Luật Kinh doanh bảo hiểm

Nhất trí với tính cần thiết bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, đặc biệt đánh giá cao công tác soạn thảo, tiếp thu và giải trình ý kiến của Bộ Công Thương, song các đại biểu cho rằng, Ban soạn thảo cần tiếp tục chỉnh lý để luật hoàn thiện hơn.

Đại biểu Lã Thanh Tân (đoàn Hải Phòng) đi thẳng vào nội dung quy định về cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm. Theo đó, đại biểu cho rằng cần quy định rõ cơ chế, chính sách để thị trường bảo hiểm phát triển toàn diện, có năng lực quản lý tiên tiến, hiện đại và gắn với xây dựng Chính phủ điện tử thông qua công tác tăng cường hậu kiểm. Theo đại biểu, luật cần quy định theo hướng nâng cao hơn nữa về điều kiện trình độ chuyên môn đối với tổ chức, cá nhân hoạt động tư vấn bảo hiểm ngay trong luật bởi việc giám sát đối với cá nhân khó khăn hơn với tổ chức, do đó ngoài luật cũng cần cụ thể hóa trong các văn bản dưới luật các quy định về giám sát và hậu kiểm. “Đồng thời, cần quy định chi tiết các điều kiện về trình độ, năng lực của người tham gia dịch vụ và các điều kiện về pháp nhân, vốn… đối với tổ chức tham gia dịch vụ phụ trợ bảo hiểm nhằm tránh những rủi ro cho các bên, nhất là người tham gia bảo hiểm” - đại biểu Tân chỉ ra.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ

Liên quan đến các quy định về điều kiện cung cấp dịch vụ tư vấn bảo hiểm, đại biểu Trần Văn Minh (đoàn Quảng Ninh) nêu rõ, nếu quy định “Có văn bằng từ đại học trở lên chuyên ngành bảo hiểm; bằng đại học trở lên các ngành khác và các chứng chỉ theo quy định” là chung chung, chưa rõ cần phải có văn bằng, chứng chỉ gì? Ngoài ra, với các loại hình dịch vụ khác, cũng cần bổ sung quy định về điều kiện văn bằng, chứng chỉ của người tham gia các dịch vụ này theo hướng: Văn bằng từ đại học trở lên chuyên ngành bảo hiểm hoặc văn bằng đại học trở lên chuyên ngành kinh tế.

Nêu băn khoăn về quy định hợp đồng dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) đánh giá, quy định trong dự thảo là thiếu tính pháp lý và đề nghị sửa đổi theo hướng quy định rõ ngay trong luật về nội dung, hình thức, thể thức hợp đồng dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, đồng thời, nghiên cứu, đối chiếu với các bộ luật, luật hiện hành, nhất là Bộ Luật dân sự, Luật Thương mại… Đại biểu cũng cho rằng, cần quy định chi tiết các điều kiện về trình độ, năng lực của người tham gia dịch vụ và các điều kiện về pháp nhân, vốn… đối với tổ chức tham gia dịch vụ phụ trợ bảo hiểm nhằm tranh những rủi ro cho các bên, nhất là người tham gia bảo hiểm.

Trong khi đó, trên phương diện luật pháp quốc tế, đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (đoàn Cần Thơ) đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, rà soát, đối chiếu với các quy định trong hệ thống luật pháp quốc tế liên quan cũng như các quy định trong các cam kết quốc tế, các hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà Việt Nam đã tham gia ký kết để tránh việc phải tiếp tục sửa đổi luật nhiều lần sau này.

Quy định rõ hơn về quyền sở hữu công nghiệp

Về Luật Sở hữu trí tuệ, các đại biểu đánh giá, dự thảo luật cơ bản hoàn thiện, phù hợp với pháp luật Việt Nam hiện hành và các quy định của pháp luật quốc tế, đặc biệt là có tính tương thích cao với Hiệp định CPTPP.

Đi thẳng vào nội dung quy định về hình thức chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ trong dự thảo luật, đại biểu Bùi Thanh Tùng (đoàn Hải Phòng) dẫn chiếu Luật Chuyển giao công nghệ hiện hành để phân tích, nếu quy định như trong dự thảo luật về việc phải đăng ký khi chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ với cơ quan quản lý thì chưa phù hợp bởi các đối tượng có thể “lách luật” bằng cách không thực hiện chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ mà áp dụng hình thức quy định trong Luật Chuyển giao công nghệ thì rất khó quản lý, có thể dẫn đến hệ lụy trong quản lý và những rủi ro, tranh chấp. Cũng theo đại biểu, quy định về mức bồi thường thiệt hại không quá 500 triệu đồng khi tổ chức, cá nhân sử dụng quyền sở hữu công nghiệp làm tổn hại đến các tổ chức, cá nhân khác là chưa phù hợp vì trong nhiều trường hợp, mức thiệt hại có thể lớn hơn hoặc không xác định được. Do đó, cần quy định trung gian (tòa án, trọng tài…) là cơ quan đưa ra phán quyết cuối cùng.

Trong khi đó, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (đoàn Khánh Hòa) lý giải, cần làm rõ hơn nội dung quy định về đơn đăng ký trước nhãn hiệu để đảm bảo tính nhất quán. Cụ thể, với hàng hóa có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có thể tạm dừng thủ tục hải quan là không phù hợp với quy định của CPTPP. “Do đó, Việt Nam không cần phải nội luật hóa quy định, đưa ra nội dung bổ sung có thể gây khó hiểu với chủ thể quyền và cơ quan hải quan nên cần loại bỏ nội dung này” - đại biểu Thịnh đề xuất.

Được chủ tọa phiên họp mời phát biểu ý kiến, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, vì đây là những nội dung có thể nói là nằm trong luật sửa đổi của luật nhưng có những nội dung liên quan tới phạm vi và đối tượng điều chỉnh của 2 bộ luật rất quan trọng trong các hoạt động kinh tế và xã hội và có tính chuyên môn sâu.

Sau khi có báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, dự thảo luật đã được trình lên Quốc hội và đặc biệt trong phiên thảo luận tổ của Quốc hội thực hiện vào ngày 20/5/2019 đã có rất nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội đóng góp và bổ sung cho dự thảo sửa đổi của 2 Bộ luật này.

"Trong các nội dung của các đại biểu Quốc hội nêu, tôi thấy có nội dung Bộ Công Thương và cá nhân tôi cũng xin báo cáo với đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (đoàn Cần Thơ) liên quan tới việc yêu cầu Ban soạn thảo tiếp tục rà soát đánh giá các điều luật trong 2 luật này, cũng như liên quan tới các khuôn khổ hội nhập khác mà chúng ta đã tham gia. Ban soạn thảo đã làm việc rất kỹ và cũng đã rà soát rất cẩn trọng các bộ luật cũng như nội dung của các bộ luật có liên quan đến lĩnh vực này, không chỉ đối chiếu với Hiệp định CPTTP mà còn đối chiếu với những hiệp định chúng ta đã tham gia và sắp tới đây là Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam với Liên minh châu Âu. Về cơ bản, những nội dung trong sở hữu trí tuệ liên quan đến Luật Sở hữu trí tuệ cũng như Luật Kinh doanh bảo hiểm đã được cập nhật và được chuẩn bị để bộ xây dựng tương thích, có sự phù hợp với các bộ với nhau, đặc biệt là thế hệ cao các hiệp định thương mại tự do mà chúng ta sắp tới sẽ ký kết” - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thông tin.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, đối với yêu cầu về việc rà soát các quy định của luật liên quan đến hai bộ luật này, đối chiếu so sánh với các khuôn khổ hội nhập mà Việt Nam tham gia, cơ bản những nội dung đã được cập nhật, đảm bảo có sự tương thích và phù hợp. Sau phiên thảo luận này, Ban soạn thảo cũng sẽ rà soát tiếp, đảm bảo tính khả thi khi luật thông qua.

Lan Anh- Hoàng Châu

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/quyet-tam-trinh-quoc-hoi-thong-qua-luat-kinh-doanh-bao-hiem-va-luat-so-huu-tri-tue-120462.html