Quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 2020

Năm 2019 vừa khép lại với niềm vui trọn vẹn của đất nước: tăng trưởng GDP đạt 7,02%, thuộc nhóm quốc gia có tăng trưởng kinh tế cao trên thế giới; các lĩnh vực văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ; quốc phòng, an ninh được tăng cường, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững, hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh.

Cảng Ðình Vũ (TP Hải Phòng). Ảnh: LÂM THANH

Cảng Ðình Vũ (TP Hải Phòng). Ảnh: LÂM THANH

Bứt phá thành công

Có thể nói, năm 2019 là năm bứt phá thành công của nền kinh tế Việt Nam khi hoàn thành toàn diện 12 chỉ tiêu Quốc hội giao (7 chỉ tiêu vượt và 5 chỉ tiêu đạt kế hoạch). Bức tranh kinh tế có nhiều điểm sáng, nổi bật nhất là 3 chỉ tiêu vĩ mô quan trọng: Tăng trưởng GDP vượt mục tiêu Quốc hội đề ra và là năm thứ hai liên tiếp trong giai đoạn chiến lược 10 năm, nền kinh tế đạt mức tăng trưởng hơn 7%, quy mô được mở rộng với chất lượng ngày càng cải thiện. Lạm phát được kiềm chế ở mức thấp, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân cả năm chỉ tăng 2,79%, là mức thấp nhất trong ba năm gần đây. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa lần đầu vượt mốc 500 tỷ USD (đạt 514 tỷ USD), cán cân thương mại tiếp tục duy trì xuất siêu năm thứ tư liên tiếp với kim ngạch xuất siêu đạt gần 10 tỷ USD.

Nói về bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2019, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm đặc biệt nhấn mạnh sự cải thiện của năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Cụ thể, tăng trưởng kinh tế dần dịch chuyển theo chiều sâu, giảm dần sự phụ thuộc vào khai thác khoáng sản và tăng trưởng tín dụng, từng bước chuyển sang dựa vào khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Năm 2019, đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GDP đạt 46,11%, bình quân giai đoạn 2016-2019 đạt 44,46%, cao hơn nhiều so với mức bình quân 33,58% của giai đoạn 2011-2015. Năng suất lao động của toàn nền kinh tế ước tính đạt 110,4 triệu đồng/lao động (tương đương 4.791 USD/lao động, tăng 272 USD so với năm 2018); theo giá so sánh, năng suất lao động tăng 6,2%, là mức tăng cao nhất từ năm 2016 do lực lượng lao động được bổ sung và số lao động có việc làm tăng cao. Quy mô nền kinh tế mở rộng, ước đạt hơn 6 triệu tỷ đồng. Hiệu quả đầu tư được cải thiện với nhiều năng lực sản xuất mới bổ sung cho nền kinh tế. Chỉ số hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (hệ số ICOR) giảm từ mức 6,42 năm 2016 xuống 6,07 năm 2019. Bình quân giai đoạn 2016-2019, hệ số ICOR đạt 6,14, thấp hơn so với hệ số 6,25 của giai đoạn 2011-2015. Ðộ mở của nền kinh tế ngày càng lớn, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ so với GDP đạt hơn 210%, cho thấy Việt Nam khai thác được thế mạnh của kinh tế trong nước, đồng thời tranh thủ được thị trường thế giới. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm tỷ trọng đóng góp vào GDP trong khi tỷ trọng đóng góp của khu vực công nghiệp, xây dựng và khu vực dịch vụ tăng dần. Bên cạnh đó, dấu hiệu tích cực của nền kinh tế còn thể hiện ở chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Việt Nam trong 11 tháng của năm 2019 luôn duy trì ở mức hơn 50 điểm, đứng ở nhóm quốc gia có chỉ số PMI cao của thế giới (theo đánh giá của Nikkei). Kết quả điều tra của Tổng cục Thống kê trong quý IV về xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp (DN) ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cũng cho thấy phần lớn DN đánh giá tình hình sản xuất, kinh doanh ổn định và tốt hơn quý trước. "Ðây là kết quả rất có ý nghĩa, nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục tăng trưởng chậm lại, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc và vấn đề địa chính trị đang làm gia tăng đáng kể tính bất ổn của hệ thống thương mại toàn cầu, ảnh hưởng không nhỏ tới niềm tin kinh doanh, quyết định đầu tư và thương mại cũng như thị trường chính, tiền tệ quốc tế. Kết quả tăng trưởng này đã khẳng định tính kịp thời và hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội để đạt và vượt mục tiêu tăng trưởng năm 2019", ông Nguyễn Bích Lâm cho biết.

Theo Bộ trưởng Kế hoạch và Ðầu tư Nguyễn Chí Dũng, một trong những thành tựu quan trọng của năm 2019 là tăng trưởng diễn ra toàn diện trên cả ba khu vực kinh tế lớn: công nghiệp và xây dựng; dịch vụ; nông, lâm nghiệp và thủy sản. Trong đó, khu vực công nghiệp và xây dựng duy trì đà tăng trưởng tích cực với mức tăng 8,9% so với năm 2018, đóng góp 50,4% vào mức tăng trưởng chung. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo giữ vững vị trí là động lực chính của tăng trưởng kinh tế với tốc độ tăng cao 11,29%. Ngành công nghiệp khai khoáng tăng 1,29% sau ba năm giảm liên tục nhờ khai thác than tăng cao, bù đắp cho sự sụt giảm của khai thác dầu thô. Ngành xây dựng duy trì đà tăng trưởng tích cực với tốc độ 9,1%. Khu vực dịch vụ tăng trưởng khá, cả năm tăng 7,3%, đóng góp 45% vào mức tăng chung của toàn nền kinh tế. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2019 vượt qua nhiều khó khăn do hạn hán, biến đổi khí hậu ảnh hưởng tới năng suất và sản lượng cây trồng, ngành chăn nuôi chịu thiệt hại nặng nề bởi dịch tả lợn châu Phi, nông sản gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ và giá xuất khẩu, tăng trưởng đạt 2,01%, đóng góp 4,6% vào mức tăng trưởng chung.

Biến áp lực thành động lực tăng trưởng

Bước vào năm 2020, dự kiến kinh tế Việt Nam có những yếu tố thuận lợi như: Kinh tế vĩ mô ổn định, niềm tin vào cải cách môi trường đầu tư kinh doanh được củng cố, vị thế của một nước thu nhập trung bình và ưu tiên thực hiện hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, nền kinh tế cũng phải đối mặt nhiều khó khăn đến từ bên ngoài do tăng trưởng kinh tế, thương mại, đầu tư quốc tế phục hồi chậm và căng thẳng thương mại giữa một số nền kinh tế lớn. Cùng với đó, ở trong nước, dư địa các động lực tăng trưởng truyền thống thu hẹp dần dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước, thiên tai, dịch bệnh liên tục có những ảnh hưởng xấu đời sống và sản xuất. Ðây là những áp lực lớn đối với việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP 6,8% như Quốc hội giao. Thực tế này đòi hỏi trong tiến trình về đích không chỉ của năm 2020 mà của cả giai đoạn 2016-2020, các cấp, các ngành và khu vực kinh tế trong nước phải có bước đi đúng, nỗ lực vượt qua khó khăn, biến áp lực thành động lực tăng trưởng.

Ðể thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đặt ra, Tổng cục Thống kê kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần tháo gỡ các nút thắt, phát huy hết mọi nguồn lực cho phát triển. Trong đó tập trung vào sáu nhóm động lực có tính nền tảng cho tăng trưởng kinh tế năm 2020 và các năm tiếp theo. Trước hết, cần hoàn thiện thể chế kinh tế nhằm tạo môi trường đầu tư kinh doanh an toàn, ít rủi ro, cho phép DN tiếp cận cơ hội và nguồn lực, phát huy quyền sản xuất, kinh doanh của các hộ gia đình, tạo lập môi trường cho người dân tự vươn lên, phát huy sức sáng tạo. Cần rà soát, bổ sung, hoàn thiện thể chế, cắt giảm thực chất điều kiện kinh doanh đang là rào cản đối với hoạt động của DN và các hộ kinh doanh. Nâng cao hiệu quả vốn đầu tư của nền kinh tế theo hướng tập trung thu hút vốn đầu tư của khu vực tư nhân nhiều hơn; đầu tư trọng tâm, trọng điểm vào những ngành, lĩnh vực mang lại hiệu quả kinh tế cao, tránh đầu tư dàn trải, lãng phí. Nâng cao năng suất lao động, nhất là của khu vực nông nghiệp và chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động từ khu vực nông nghiệp sang khu vực công nghiệp, dịch vụ có năng suất cao hơn. Tăng khả năng đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu dùng trong nước; có chính sách đưa dần hàng hóa Việt Nam thay thế hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài. Nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế thông qua việc bãi bỏ, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh nhằm thích ứng với cách mạng công nghiệp 4.0, đưa môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia vào nhóm ASEAN 4. Thực hiện đô thị hóa là quá trình tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế.

Nhấn mạnh khu vực kinh tế tư nhân sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng kinh tế năm 2020 và những năm tiếp theo, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam mong muốn Chính phủ sớm hoàn thiện khung pháp lý đối với hộ kinh doanh trên nguyên tắc thừa nhận sự tồn tại của hộ kinh doanh là một hình thức kinh doanh. Từ đó, trao thêm quyền cho nhà đầu tư lựa chọn hình thức kinh doanh phù hợp nhưng không ép buộc hộ kinh doanh phải chuyển đổi thành DN. Ðể khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi thành DN, Chính phủ cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa để DN đang hoạt động có thêm nguồn lực mở rộng sản xuất, phát triển, đồng thời tạo điều kiện để có thêm nhiều DN mới gia nhập thị trường. Năm 2019, cả nước có thêm hơn 138 nghìn DN mới thành lập với số vốn đăng ký hơn 1,7 triệu tỷ đồng. Cùng với đó là 40,1 nghìn DN tăng vốn với số vốn bổ sung cho mở rộng sản xuất, kinh doanh đạt 2,27 triệu tỷ đồng. Ðây là một chỉ báo rất quan trọng và động lực này cần tiếp tục duy trì trong năm 2020.

Lạc quan về triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam, Tiến sĩ Trương Văn Phước, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia phân tích: Ðộng lực tăng trưởng năm 2020 sẽ đến từ các yếu tố tăng trưởng xuất khẩu có thể đạt từ 9 đến 10%, cao hơn mục tiêu đề ra; triển khai mạnh mẽ các dự án đầu tư công và đặc biệt là sức bật từ khu vực kinh tế tư nhân. "Làm sao để khơi thông nguồn lực kinh tế tư nhân là vấn đề rất quan trọng. Chúng ta đã hành động nhưng cần hành động mạnh mẽ, quyết liệt hơn để xóa bỏ những điểm nghẽn, đưa kinh tế tư nhân trở thành một động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế", Tiến sĩ Trương Văn Phước nói.

TÔ HÀ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/tin-tuc-su-kien/item/42770602-quyet-tam-thuc-hien-thang-loi-cac-muc-tieu-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-2020.html