Quyết tâm thực hiện mô hình chính quyền đô thị

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội đề ra là 'Nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp gắn với thực hiện thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị'. Với quyết tâm cao, các cấp, ngành đã bước đầu đưa ra phương án triển khai của địa phương, đơn vị mình, đồng thời đề xuất những giải pháp nhằm thực hiện tốt việc thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị.

Thành phố Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Trong ảnh: Hướng dẫn người dân giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận “một cửa” UBND quận Ba Đình. Ảnh: Nguyễn Quang.

Đổi mới để phát triển

Nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ thành phố Hà Nội đã chọn khâu đột phá là “Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo bước chuyển biến mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức, trách nhiệm, chất lượng phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức; cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy, nâng cao hiệu quả đầu tư và sản xuất, kinh doanh trên địa bàn Thủ đô”. Theo đó, một trong những định hướng trọng tâm phát triển Thủ đô là “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của hệ thống chính quyền các cấp”.

Qua đó, sau 5 năm, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp được tăng cường; phương pháp chỉ đạo, điều hành có sự đổi mới mạnh mẽ theo hướng "5 rõ" (rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ quy trình, rõ hiệu quả), “một việc, một đầu mối xuyên suốt”. Thành phố đã tích cực rà soát, đơn giản hóa, rút ngắn thời gian giải quyết đối với 261 thủ tục hành chính; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đạt 100%, dẫn đầu cả nước…

Là người dân quan tâm đến công tác quản lý, điều hành của thành phố, bà Nguyễn Thanh Tâm (phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai) chia sẻ, qua theo dõi, Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) của Hà Nội liên tiếp trong 3 năm (2017, 2018, 2019) xếp thứ 2/63 tỉnh, thành phố cho thấy Thủ đô đã có hướng đi đúng và ổn định trong nâng cao năng lực quản lý, điều hành.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả tích cực, trong một số lĩnh vực vẫn tồn tại những hạn chế. Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) và Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) còn ở vị trí thấp so với cả nước. Do đó, nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ thành phố tiếp tục lựa chọn khâu đột phá về nội dung này, trong đó nhấn mạnh việc tiếp tục thực hiện quan điểm “người dân và doanh nghiệp” là đối tượng phục vụ của chính quyền các cấp và “sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp” là tiêu chí để đánh giá hiệu quả hoạt động của các cơ quan công quyền. Từ đó, thành phố đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thể chế; quản trị nhà nước theo mô hình hiện đại, mô hình chính quyền điện tử...

Đặc biệt, điểm nổi bật ở nhiệm kỳ này là thành phố sẽ thí điểm triển khai tổ chức mô hình chính quyền đô thị (bắt đầu từ ngày 1-7-2021). Do đó, Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố có điểm mới trong nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong giai đoạn 2020-2025 là “Nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp gắn với thực hiện thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị”. Để làm được điều đó, các cấp, ngành cần tập trung tổ chức chỉ đạo triển khai thực hiện nghị quyết với tầm nhìn mới và quyết tâm mới.

Đồng bộ nhiều giải pháp

Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Vũ Thu Hà cho biết, thành phố tập trung nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp gắn với thực hiện thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị nhằm mục tiêu xuyên suốt là phục vụ ngày càng tốt hơn người dân và doanh nghiệp. Theo đó, thành phố tiếp tục sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Với tinh thần thực hiện hiệu quả nghị quyết, Bí thư Quận ủy Long Biên Đường Hoài Nam nêu quan điểm: “Việc triển khai thực hiện cả hai mô hình chính quyền đô thị và chính quyền điện tử có liên quan trực tiếp đến hệ thống chính trị các phường. Tôi kiến nghị các bộ, ngành trung ương và thành phố đẩy nhanh tiến độ ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai hai mô hình trên để các địa phương nắm bắt, nghiên cứu chuẩn bị các điều kiện cần thiết, đồng thời tổ chức thực hiện đáp ứng yêu cầu và tiến độ”.

Trong khi đó, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Xuân Quang cho rằng, trong giai đoạn tới cần xây dựng cơ chế chính sách đồng bộ, ban hành đầy đủ các văn bản pháp lý, cơ chế bảo đảm thực thi nhiệm vụ xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh.

Từ thực tiễn cơ sở, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Định Công (quận Hoàng Mai) Nguyễn Anh Tuấn đề xuất, thành phố sớm nghiên cứu phương án bố trí cán bộ, cơ sở vật chất, tạo thuận lợi cho việc triển khai công việc tại địa phương; đặc biệt là quan tâm sắp xếp, bố trí đối với cán bộ chuyên trách HĐND phường hiện nay, bởi khi thực hiện thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị sẽ không còn HĐND phường.

Nhìn nhận ở góc độ chuyên môn, Trưởng phòng Xây dựng chính quyền (Sở Nội vụ Hà Nội) Bùi Đình Thái kiến nghị: Quốc hội và Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng rà soát, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật quy định về chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của bộ máy chính quyền và mỗi cấp hành chính theo mô hình chính quyền đô thị; tiếp tục hoàn thiện thể chế phân cấp quản lý nhà nước giữa Chính phủ, bộ, ngành với chính quyền thành phố Hà Nội…

Từ tiền đề thuận lợi đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua, tin tưởng rằng, nhiệm vụ nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp gắn với thực hiện thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị đã được Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố đề ra sẽ được các cấp, các ngành thành phố thực hiện đạt kết quả tích cực, tạo đột phá cho Thủ đô ngày càng phát triển văn minh, hiện đại.

Phong Thu

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/chinh-tri/982988/quyet-tam-thuc-hien-mo-hinh-chinh-quyen-do-thi