Quyết tâm thành huyện nông thôn mới điển hình

Là một trong những huyện ngoại thành của Thủ đô, bên cạnh các mục tiêu, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2021 và giai đoạn 2020-2025, huyện Phúc Thọ đề ra một trong những quyết tâm chính trị là xây dựng huyện nhà trở thành huyện nông thôn mới điển hình tiên tiến. Đây cũng chính là nội dung mà phóng viên báo Lao động Thủ đô trao đổi với đồng chí Lê Thị Thu Hằng - Thành Ủy viên, Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ.

Đồng chí Lê Thị Thu Hằng - Thành Ủy viên, Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ.

Đồng chí Lê Thị Thu Hằng - Thành Ủy viên, Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ.

PV: Trước hết xin đồng chí cho biết những kết quả nổi bật trong công tác xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện thời gian qua?

Đồng chí Lê Thị Thu Hằng: Xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, trong đó vai trò tham gia của người dân là nòng cốt, từ khi bắt đầu tiến trình xây dựng nông thôn mới, huyện Phúc Thọ đã phát động phong trào thi đua “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới”.

Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện, Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Phúc Thọ đã đạt được nhiều kết quả nổi bật: 100% đường thôn, xóm được bê tông hóa; hệ thống trường học, các thiết bị dạy học được đầu tư góp phần nâng cao chất lượng công tác giáo dục; các thiết chế, công trình văn hóa, thể thao được đầu tư khang trang, sạch đẹp; công tác vệ sinh, cảnh quan môi trường được chú trọng, nhiều tuyến đường kiểu mẫu, đường nở hoa được quan tâm xây dựng.

Đời sống nhân dân được cải thiện và từng bước nâng cao, thu nhập bình quân đầu người tăng đều qua các năm (năm 2020 đạt 52 triệu đồng/người/năm, tăng hơn 4 lần so với năm 2010); tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hàng năm; công tác y tế, chất lượng khám chữa bệnh có nhiều tiến bộ; hệ thống an ninh, an toàn xã hội được giữ vững.

Giai đoạn 2010 - 2020, tổng giá trị sản xuất ước đạt 12.541 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân hàng năm đạt 9,1%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Trên địa bàn huyện đã hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp tập trung quy mô lớn.

Đặc biệt, từ năm 2014, huyện đã tổ chức các cuộc đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy với đại diện nhân dân và là huyện đầu tiên trên địa bàn thành phố Hà Nội thực hiện mô hình này. Sau hơn 5 năm duy trì triển khai, Ban Thường vụ Huyện ủy đã tổ chức đối thoại định kỳ ở cấp huyện 10 hội nghị với khoảng 3.500 đại biểu nhân dân tham dự, cấp xã 102 cuộc với gần 20.000 đại biểu tham dự.

Từ đó, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân, phát huy được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân trong tham gia xây dựng nông thôn mới. Đến nay, 100% số xã của huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 9/9 tiêu chí xây dựng huyện nông thôn mới đều đạt, huyện đã hoàn thiện báo cáo, hồ sơ đề nghị Trung ương và Thành phố xem xét, công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2020.

Diện mạo huyện Phúc Thọ ngày càng khang trang. Ảnh: MQ

PV: Cuộc vận động “Ba sạch” (Nước sạch - Môi trường sạch - Nông nghiệp sạch) được đánh giá là điểm mới, khâu đột phá trong xây dựng nông thôn mới của huyện Phúc Thọ. Vậy đồng chí có thể cho biết những hiệu quả rõ rệt của Cuộc vận động này?

Đồng chí Lê Thị Thu Hằng: Cuộc vận động “Ba sạch” giai đoạn 2017 - 2020 trên địa bàn huyện Phúc Thọ được gắn với Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới đã thu hút đông đảo cán bộ và các tầng lớp nhân dân hưởng ứng, góp phần thay đổi nhận thức của người dân trong việc sản xuất, sinh hoạt, bảo vệ môi trường, đưa Phúc Thọ từng bước trở thành vành đai xanh của Thủ đô Hà Nội.

Đến nay, 100% số hộ trên địa bàn huyện được sử dụng nước hợp vệ sinh; toàn huyện có 48,1km đường nở hoa, tranh bích họa dài 5,175 km, trong đó có 634 đoạn đường phụ nữ tự quản, 45 điểm nhà văn hóa “xanh, sạch, đẹp”. Năm 2020, huyện tiếp tục tổ chức cuộc thi “Giữ gìn đường, làng, ngõ, xóm, thôn, tổ dân phố sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn” đã tạo được nhiều điểm nhấn về cảnh quan, nâng cao chất lượng tiêu chí môi trường của huyện.

Trong sản xuất nông nghiệp, người dân từng bước thay đổi tập quán canh tác, chăm sóc cây trồng, vật nuôi; biết sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phòng trừ sâu bệnh đúng quy định và thích nghi với các chế phẩm sinh học theo quy trình VietGap. Trên địa bàn huyện đã áp dụng thành công nhiều mô hình trồng rau sạch, trồng hoa trong nhà màng, nhà lưới, áp dụng các hệ thống tưới, màng nilon che phủ…

Diện tích sản xuất ứng dụng công nghệ cao trong nhà màng nhà lưới tăng đáng kể, từ 7,7 ha năm 2016, đến nay đã đạt trên 10,27 ha. Từ đó, đem lại uy tín, chất lượng cho các sản phẩm nông nghiệp, góp phần ổn định thị trường tiêu thụ và nâng cao thu nhập cho người dân.

PV: Được biết, trong nhiệm kỳ 2020 -2025, Đảng bộ huyện Phúc Thọ đặt ra mục tiêu xây dựng huyện trở thành huyện nông thôn mới điển hình tiên tiến. Xin đồng chí nói rõ hơn về việc Đảng bộ huyện sẽ triển khai những giải pháp nào để hiện thực hóa mục tiêu này?

Đồng chí Lê Thị Thu Hằng: Trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, để hiện thực hóa mục tiêu trên, Phúc Thọ sẽ tập trung triển khai các giải pháp: Một là xây dựng các đề án, chương trình phát triển kinh tế văn hóa xã hội nhằm cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh; ưu tiên hỗ trợ phát triển doanh nghiệp mới, khuyến khích các hộ sản xuất lớn chuyển đổi thành doanh nghiệp. Đồng thời khai thác nguồn lực tinh thần từ giá trị văn hóa, lịch sử của quê hương để khơi dậy, bồi dưỡng ý thức tự cường, lòng tự hào dân tộc, trách nhiệm công dân... của người dân Phúc Thọ.

Hai là tiếp tục triển khai nhiều giải pháp quan tâm đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn để hỗ trợ người dân trên con đường hội nhập, phát triển. Từng bước hình thành và phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao kết hợp với du lịch sinh thái, kết nối sản phẩm nông nghiệp của huyện với các quận, nội thành; tiếp tục duy trì và thực hiện tốt Cuộc vận động “Ba sạch”; mở rộng các mô hình cơ sở đào tạo, dạy nghề chất lượng cao, tạo dựng chuỗi liên kết lao động sau đào tạo với doanh nghiệp. Đây sẽ là động lực quan trọng để đội ngũ đoàn viên thanh niên, thế hệ trẻ tiếp tục nỗ lực học tập, rèn luyện, phấn đấu xây dựng quê hương.

Ba là xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Đẩy mạnh cải cách hành chính. Rà soát, kiện toàn và củng cố đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên theo đề án vị trí việc làm; phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm; xây dựng đội ngũ cán bộ chủ động trong công việc; tham mưu đúng, trúng, kịp thời và đúng luật.

Một nhiệm kỳ mới đã bắt đầu với những niềm tin, kỳ vọng hướng về tương lai. Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn về biến đổi khí hậu, dịch bệnh, thiên tai cũng như ảnh hưởng mặt trái của toàn cầu hóa, nhưng nhân dân huyện Phúc Thọ vẫn tin tưởng rằng với tinh thần đoàn kết, dân chủ, khách quan, đổi mới và phát triển, Đảng bộ chính quyền và nhân dân huyện Phúc Thọ sẽ phát huy sức mạnh tổng hợp, tạo những bước đột phá để xây dựng huyện Phúc Thọ trở thành huyện nông thôn mới điển hình tiên tiến góp phần đưa nông thôn Hà Nội vươn tới tầm cao mới.

PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Mai Quý (thực hiện)

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/quyet-tam-thanh-huyen-nong-thon-moi-dien-hinh-117847.html