Quyết tâm tạo chuyển biến căn bản về đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ

Ngày 11-5, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 5 năm thực hiện Quyết định số 1501/QĐ-TTg ngày 28-8-2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án 'Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015-2020'.

Quang cảnh hội nghị.

Đẩy mạnh gắn kết “ba nhà”

Báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo do Thứ trưởng Ngô Thị Minh trình bày khẳng định, sau 5 năm, đề án đã tạo sự chuyển biến tích cực, căn bản về đạo đức, lối sống cho thế trẻ Việt Nam. Một trong những kết quả nổi bật là sự phối hợp giữa “ba nhà”, gồm nhà trường, gia đình và xã hội trong công tác chăm sóc, giáo dục thanh niên, thiếu niên, nhi đồng chặt chẽ, hiệu quả hơn. Sự nỗ lực này đã tác động tích cực đến nhận thức và hành động của thế hệ trẻ. Đại đa số học sinh, sinh viên đã đạt tiêu chuẩn đạo đức, lối sống, hạnh kiểm theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; ý thức trách nhiệm với gia đình, với việc học tập, rèn luyện có nhiều chuyển biến, góp phần xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp.

Các chỉ tiêu của đề án đều cơ bản hoàn thành với 100% đoàn viên và 80% thanh niên được tuyên truyền, học tập các nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước; 99,6% số trường học đã xây dựng, thực hiện quy tắc ứng xử văn hóa; hơn 1,1 triệu đoàn viên ưu tú được giới thiệu vào Đảng; 100% thanh niên, sinh viên tình nguyện tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện nhân đạo, lao động tập thể…

Các ý kiến tham luận tại hội nghị đã làm rõ hơn kết quả của đề án tại các đơn vị, địa phương. Phó Giám đốc phụ trách Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Văn Đại cho biết, Hà Nội có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước với gần 2.800 trường học, hơn 2,1 triệu học sinh, hơn 159.000 cán bộ, giáo viên. Việc triển khai quy tắc ứng xử trong trường học được ngành Giáo dục Hà Nội chú trọng. Các nhà trường đã quy định cụ thể những việc nên và không nên làm trong các mối quan hệ ứng xử, thể hiện thông qua trang phục, ngôn ngữ, hành vi ứng xử; đẩy mạnh công tác giáo dục văn hóa ứng xử thông qua các hoạt động giáo dục, thực hành, hành động vì cộng đồng, coi trọng các hoạt động giáo dục kỹ năng sống; triển khai hiệu quả mô hình phòng tham vấn tâm lý học đường…

Thời gian tới, ngành giáo dục Hà Nội tập trung thực hiện Chương trình 06-CTr/TU ngày 17-3-2021 của Thành ủy Hà Nội về phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025; xây dựng môi trường giáo dục nhân văn, an toàn, lành mạnh, thân thiện, không có bạo lực.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn tặng Bằng khen cho các tập thể, cá nhân.

Coi trọng dạy người bên cạnh dạy chữ

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh cho biết, giai đoạn 2021-2025, ngành Giáo dục tiếp tục xác định công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng là nhiệm vụ trọng tâm. Một số giải pháp được tập trung triển khai là tăng cường phối hợp giữa “ba nhà”; đổi mới chương trình đào tạo giáo viên ở các trường sư phạm; đổi mới phương pháp, tiêu chí đánh giá kết quả công tác giáo dục đạo đức của học sinh; nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát…

Để thực hiện nhiệm vụ này, các đơn vị, địa phương đã thảo luận về các giải pháp sẽ triển khai. Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cam kết mở rộng các chương trình bảo vệ, hỗ trợ trẻ em. Bộ Công an đẩy mạnh phối hợp với địa phương, nhà trường tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho học sinh, sinh viên; phát hiện việc sử dụng chất ma túy và ngăn chặn các hành vi bạo lực. Các đơn vị, địa phương đều thống nhất chung nhận thức, trách nhiệm trong việc tiếp tục xây dựng môi trường học đường an toàn, hạnh phúc, coi trọng dạy người bên cạnh dạy chữ.

Phát biểu chỉ đạo, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn một lần nữa khẳng định những kết quả của Đề án “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015-2020” và nhận định, đây là công việc quan trọng trong quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, cần tiếp tục được đổi mới cả về nhận thức, hành động, phương pháp và nội dung. Ngành Giáo dục sẽ đưa nội dung này vào chương trình hành động của toàn ngành trong thời gian tới.

Các đơn vị, nhà trường phải lấy việc giáo dục ý thức pháp luật, tinh thần tuân thủ pháp luật là nền tảng cho việc triển khai các nội dung khác; giáo dục đạo đức, lối sống phải là việc làm thường xuyên, liên tục và phải được thực hiện từ cấp học mầm non; lấy việc khảo sát, đánh giá thực tiễn để làm căn cứ cho việc đổi mới, tổ chức giảng dạy các môn lý luận chính trị, môn giáo dục công dân, đạo đức; đặc biệt quan tâm đến việc phát triển lớp người sống có ý chí, có khát vọng và trách nhiệm.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, giáo dục đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ không chỉ là việc của riêng ngành Giáo dục, mà là nhiệm vụ chung, đòi hỏi công tác phối hợp giữa các bộ, ngành cùng quyết tâm gạt bỏ những điều hình thức, góp sức vào sự nghiệp lớn một cách thực chất, hiệu quả.

Ghi nhận những nỗ lực, kết quả đạt được trong việc thực hiện đề án, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tặng Bằng khen cho 48 tập thể, 12 cá nhân.

Thống Nhất

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/giao-duc/998967/quyet-tam-tao-chuyen-bien-can-ban-ve-dao-duc-loi-song-cho-the-he-tre