Quyết tâm phát triển thị trường chứng khoán hiện đại, bền vững

Sau 20 năm hoạt động, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam có bước phát triển ấn tượng, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế đất nước.

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã không ngừng phát triển về quy mô và chất lượng.

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã không ngừng phát triển về quy mô và chất lượng.

Để TTCK hoạt động hiệu quả hơn nữa, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo 7 nhiệm vụ cần thực hiện và lãnh đạo Bộ Tài chính cam kết sẽ cùng ngành Chứng khoán tổ chức triển khai các nhiệm vụ trên đạt kết quả cao nhất, với quyết tâm phát triển TTCK Việt Nam ngày càng hiện đại, bền vững.

Ngày 20/7, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) đã tổ chức lễ kỷ niệm 20 năm ngày TTCK Việt Nam chính thức hoạt động. Sự kiện có sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cùng đoàn đại biểu cấp cao của Chính phủ, lãnh đạo chính quyền TP. Hồ Chí Minh, đại diện các thành viên thị trường, các doanh nghiệp (DN) niêm yết...

7 nhiệm vụ cần thực hiện

Phát biểu khai mạc buổi lễ, ông Trần Văn Dũng – Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết, sau 20 năm kể từ ngày đi vào vận hành, TTCK Việt Nam đã không ngừng phát triển về quy mô và chất lượng, trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng, góp phần đáng kể vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, thể hiện qua nhiều thành tựu đạt được.

Từ chỗ chỉ có duy nhất Trung tâm Giao dịch chứng khoán (GDCK) TP. Hồ Chí Minh cách đây 20 năm, đến nay TTCK Việt Nam đã có 2 sở GDCK và 1 Trung tâm Lưu ký Chứng khoán. Cơ cấu của thị trường từ chỗ chỉ có thị trường cổ phiếu lúc ban đầu, đến nay đã có thêm các thị trường mới giao dịch trái phiếu chính phủ và thị trường giao dịch chứng khoán phái sinh.

Tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá cao và biểu dương những nỗ lực và kết quả đạt được của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Bộ Tài chính, UBCKNN, các sở GDCK, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam, đặc biệt là sự tham gia tích cực, hiệu quả của các thành viên thị trường, các nhà đầu tư trong và ngoài nước; sự phối hợp hiệu quả của các bộ, ngành, địa phương trong cả nước, nhất là TP. Hồ Chí Minh và TP. Hà Nội trong quá trình xây dựng TTCK. Thủ tướng cũng nêu ra những hạn chế của TTCK sau 20 năm và chỉ đạo những nhiệm vụ cần làm để đưa TTCK phát triển tiệm cận chuẩn quốc tế, theo hướng ngày càng bền vững, bao gồm:

Một là, cần có tư duy đột phá và hành động quyết liệt trong việc sớm hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách cho việc phát triển đồng bộ thị trường tài chính - tiền tệ nói chung và TTCK nói riêng. “Ngay trong năm nay, phải ban hành đồng bộ hệ thống nghị định và các văn bản hướng dẫn Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư; nghiên cứu sửa đổi các văn bản pháp luật liên quan khác trong thời gian tới” - Thủ tướng chỉ đạo. Yêu cầu đặt ra đối với hệ thống quy định pháp luật là phải thực sự có tinh thần đổi mới, có tầm nhìn trung và dài hạn, tạo dựng được môi trường kinh doanh thuận lợi và cơ hội công bằng, bình đẳng cho DN, nhà đầu tư.

Hai là, Bộ Tài chính, UBCKNN, các bộ, ngành liên quan cần phối hợp chặt chẽ để bảo đảm sự phát triển nhịp nhàng, đồng bộ các thị trường, trong đó có TTCK, thị trường tiền tệ và thị trường bảo hiểm; hướng tới cơ cấu các thị trường hoàn chỉnh để phát huy sức mạnh tổng hợp trong huy động các nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Ba là, thực hiện hiệu quả các giải pháp phát triển nhanh quy mô chất lượng của thị trường, trong đó đẩy nhanh cổ phẩn hóa DNNN gắn với niêm yết, giao dịch trên TTCK, thúc đẩy các DN tư nhân niêm yết trên thị trường, tăng cường công khai, minh bạch, bảo vệ nhà đầu tư áp dụng các chuẩn mực quốc tế về thị trường, dịch vụ tài chính, kế toán kiểm toán và các thông lệ tốt nhất về quản trị DN.

Bốn là, sớm hoàn thiện cơ cấu tổ chức TTCK bảo đảm hạ tầng kỹ thuật cho phát triển thị trường ổn định, an toàn, bền vững, chuẩn bị cơ sở vật chất, kỹ thuật, tổ chức hệ thống giao dịch phù hợp, hiệu quả đối với cổ phiếu, trái phiếu và các sản phẩm khác, đáp ứng kịp thời nhu cầu của thị trường, DN và các nhà đầu tư.

Năm là, tăng cường năng lực và tập trung nâng cao hiệu quả công tác quản lý, kiểm tra, giám sát và thực thi pháp luật, bảo đảm công khai, minh bạch, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia thị trường. Củng cố, hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa Bộ Tài chính, UBCKNN với các bộ, ngành, cơ quan chức năng; nâng cao năng lực phân tích, dự báo, kịp thời có đối sách, giải pháp phù hợp với những biến động bất thường trên thị trường quốc tế, trong nước; bảo đảm an ninh, an toàn cho DN, nhà đầu tư, TTCK nói riêng và thị trường tài chính, tiền tệ nói chung.

Sáu là, tập trung đổi mới một cách căn bản hệ thống công nghệ thông tin và ứng dụng các thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư phục vụ hiệu quả hệ thống giao dịch, thanh toán, giám sát và nâng cao hiệu quả hoạt động của các dịch vụ tài chính, chứng khoán; sớm nghiên cứu, triển khai thực hiện số hóa tài sản giao dịch trên TTCK.

Bảy là, chủ động hội nhập với thị trường tài chính, tiền tệ, chứng khoán khu vực và quốc tế; bảo đảm tiệm cận với các thông lệ và chuẩn mực tốt nhất; phấn đấu sớm nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi; đưa TTCK Việt Nam thành điểm đến an toàn, tin cậy, hiệu quả của các tổ chức tài chính quốc tế, các nhà đầu tư lớn trong khu vực, toàn cầu; góp phần từng bước phát triển các trung tâm tài chính tầm cỡ khu vực, quốc tế ở nước ta” – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Cụ thể hóa các yêu cầu thành chương trình hành động

Lĩnh hội ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thay mặt Ban Cán sự Đảng và lãnh đạo Bộ Tài chính cùng toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc trong ngành Chứng khoán cảm ơn Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã dành thời gian tham dự Lễ kỷ niệm 20 năm hoạt động của TTCK và Sở GDCK TP. Hồ Chí Minh. Sự hiện diện của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, cùng với các nội dung đánh giá, chỉ đạo tâm huyết đã thể hiện sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xuyên suốt của Đảng và Chính phủ đối với việc xây dựng và phát triển của ngành Chứng khoán, coi TTCK là công cụ quan trọng để phát triển nền kinh tế. “Đây chính là yếu tố quan trọng tạo ra sự quyết tâm chính trị trong toàn Đảng, toàn dân, là động lực và nguồn động viên để các cơ quan quản lý, tổ chức TTCK và các thành viên, cộng đồng DN và nhà đầu tư đồng sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, từng bước xây dựng thị trường phát triển được như ngày hôm nay” – Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cảm ơn sự phối hợp tích cực, hiệu quả của các bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương trong suốt mấy thập kỷ qua; gửi lời cảm ơn đến các thế hệ lãnh đạo và công chức qua các thời kỳ, thuộc nhiều bộ, ngành khác nhau đã đặt nền móng vững chắc ban đầu và cùng xây dựng cho TTCK phát triển như hôm nay. “Bộ Tài chính xin lĩnh hội đầy đủ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về thời cơ, thách thức và nhiệm vụ phát triển TTCK trong thời gian tới, sẽ cụ thể hóa thành các chương trình hành động trong trung và dài hạn, các chương trình công tác hàng năm để tổ chức triển khai thực hiện đạt kết quả cao nhất” – Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định.

Quy mô của TTCK đã có sự tăng trưởng vượt bậc, trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho DN và cho Chính phủ, với hơn 1.600 DN niêm yết và đăng ký giao dịch, giá trị vốn hóa gần 4 triệu tỷ đồng, tương đương 65% GDP.
TTCK phái sinh mặc dù mới ra đời được hơn 3 năm nhưng đã phát triển nhanh chóng với mức tăng trưởng giao dịch bình quân đạt 3,3 lần/năm, cung cấp thêm các công cụ đầu tư và quản lý rủi ro hữu hiệu.

Đỗ Doãn – Bá Thụy

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/chung-khoan/2020-07-21/quyet-tam-phat-trien-thi-truong-chung-khoan-hien-dai-ben-vung-89805.aspx