Quyết tâm nâng cao chỉ số PAPI

Với quyết tâm nâng cao chất lượng hoạt động của bộ máy chính quyền, đáp ứng cao nhất sự hài lòng của người dân, thời gian qua Quảng Ninh đã triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI). Quyết tâm này đã được các cấp, các đơn vị trong tỉnh cụ thể hóa bằng những việc làm thiết thực, phấn đấu Chỉ số PAPI của tỉnh xếp trong nhóm cao nhất cả nước.

Công dân giải quyết TTHC tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh, ngày 23/4/2020.

Công dân giải quyết TTHC tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh, ngày 23/4/2020.

Chỉ số PAPI là kết quả điều tra xã hội học để đo lường, so sánh trải nghiệm và cảm nhận của người dân về hiệu quả và chất lượng thực thi chính sách và cung cấp dịch vụ công của chính quyền địa phương nhằm thúc đẩy xây dựng quản trị hiệu quả và chủ động đáp ứng nhu cầu của người dân. Chỉ số PAPI đo lường thông qua 8 nội dung: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính công; cung ứng dịch vụ công; quản trị môi trường và quản trị điện tử.

Theo ông Vũ Quyết Tiến, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh, PAPI có ý nghĩa quan trọng là chỉ số đo sự hài lòng của người dân. Vì sự hài lòng của người dân là mục tiêu phấn đấu quan trọng nhất của hệ thống chính quyền. Những năm qua Quảng Ninh đã đặt mục tiêu “Lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo hoạt động”, từ đó làm căn cứ để các địa phương trong tỉnh nghiêm túc, chủ động thực hiện hiệu quả các trục nội dung của Chỉ số PAPI.

Với mục tiêu đặt ra, Quảng Ninh đã linh hoạt vận hành hoạt động của hệ thống chính quyền trong cải cách từ những nội dung gắn với người dân nhiều nhất. Đó là những vấn đề liên quan đến đời sống hằng ngày, gắn với các dịch vụ công, thủ tục hành chính, như: Điện, nước, giáo dục, hộ khẩu, đất đai, y tế,... những điều mà người dân cần để dễ dàng, thuận lợi tiếp cận các dịch vụ công. Trên cơ sở này, việc cải cách quy trình thủ tục trên các lĩnh vực để thực hiện minh bạch; người dân được tiếp cận thông tin rõ ràng, thời gian giải quyết nhanh chóng, chính xác...

Cán bộ Trung tâm Hành chính công TP Hạ Long tích cực giải quyết hồ sơ TTHC cho công dân.

Đơn cử như trong nội dung thủ tục hành chính công, tỉnh đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) nhằm nâng cao tính minh bạch, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi. Hiện Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và các địa phương, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại tại 100% xã, phường, thị trấn đang vận hành hiệu quả, giải quyết nhanh chóng TTHC cho người dân, doanh nghiệp. Năm 2019 Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trong nước triển khai con dấu thứ 2 gắn với giải quyết TTHC theo quy trình 5 bước tại chỗ (tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, đóng dấu và trả kết quả tại trung tâm phục vụ hành chính công các cấp).

TTHC của các sở, ngành, đơn vị được nghiên cứu cắt giảm tối đa về thời gian (giảm trung bình 40% thời gian giải quyết so với quy định), quy trình giải quyết để hỗ trợ thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp. Điển hình, lĩnh vực giáo dục - đào tạo giảm 40% trở lên, lĩnh vực đầu tư giảm 45%, lĩnh vực tài nguyên môi trường giảm từ 25-60%... Với cách thực hiện này, trục nội dung thủ tục hành chính công được người dân trong tỉnh đánh giá rất cao và được chấm điểm cao nhất cả nước trong xếp hạng PAPI năm 2018.

Đặc biệt, trong nội dung trách nhiệm giải trình với người dân, Tỉnh ủy đã chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, có nền nếp, gắn trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan quản lý các cấp trong đối thoại, tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của nhân dân theo Quy định số 11-QĐi/TW ngày 18/2/2019 của Bộ Chính trị và các quy định của Tỉnh ủy; quyết liệt chỉ đạo, tập trung xử lý dứt điểm các vấn đề bức xúc liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân; các vụ khiếu kiện vượt cấp, phức tạp, kéo dài, những vấn đề tồn đọng mà cán bộ, đảng viên, dư luận quan tâm...

Lãnh đạo Thanh tra tỉnh trao đổi với công dân tại buổi tiếp công dân định kỳ của UBND tỉnh, tháng 2/2020. Ảnh: Thanh Hoa

Chính quyền các cấp trong tỉnh đã thực hiện tốt việc công khai văn bản theo quy định, công khai quy trình và cách thức giải quyết công việc của đội ngũ CB,CC đặc biệt là công việc có giao dịch với người dân, doanh nghiệp. Tỉnh cũng thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính của đội ngũ CB,CC, người lao động. Qua đó, hiệu lực pháp luật trong mọi lĩnh vực được nâng lên, tình hình dư luận xã hội của đại bộ phận CB,CC, nhân dân đều đồng tình, hưởng ứng thực hiện. Đặc biệt, tình trạng sách nhiễu trong giao dịch giữa CB, CC với doanh nghiệp, nhân dân giảm đáng kể, thể hiện qua đánh giá sự hài lòng với tỷ lệ rất cao của nhân dân tại các trung tâm hành chính công, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) liên tiếp ở vị trí dẫn đầu toàn quốc.

Đối với trục nội dung quản trị điện tử, các cấp ủy, chính quyền luôn chủ động xây dựng, ban hành các nghị quyết, chủ trương, chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi, thông thoáng cho tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển khoa học, ứng dụng khoa học công nghệ trong các lĩnh vực. Trong đó, tỉnh đã triển khai Đề án xây dựng chính quyền điện tử, dành hàng nghìn tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách và vốn xã hội hóa để đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, như: Chuẩn hóa hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, dịch vụ công, thành phố thông minh... Hiện số TTHC cấp tỉnh cung cấp dưới dạng trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 đạt gần 85%, cấp huyện đạt khoảng 73%.

Giải quyết TTHC cho người dân từ cấp xã được TP Uông Bí giám sát qua hệ thống camera tự động. Ảnh: Thu Chung

Trong nhiệm vụ quản trị môi trường, một trong những thành tựu của tỉnh đó là huy động được sức dân, đặc biệt là từ phong trào “Ngày chủ nhật xanh”. Đến nay phong trào được các địa phương trong tỉnh duy trì nhiều năm qua và đã dần hình thành thói quen tốt, tính tự giác của người dân địa phương. Để kiểm soát môi trường trong phát triển công nghiệp, tỉnh chỉ đạo các đơn vị sản xuất đặc biệt quan tâm đến đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường từ các dự án trong giai đoạn đầu tư, xây dựng, vận hành... Qua đó, tạo chuyển biến căn bản về nhận thức, hành động, góp phần bảo vệ môi trường trên địa bàn đảm bảo cho mục tiêu phát triển bền vững.

Có thể thấy, những kết quả trên là sự ghi nhận rõ nét những giải pháp, nỗ lực của Quảng Ninh với quyết tâm khắc phục những tồn tại, hạn chế, xây dựng chính quyền phục vụ, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, hướng đến mục tiêu cao nhất vì sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp.

Nguyễn Thanh

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/chinh-tri/202004/quyet-tam-nang-cao-chi-so-papi-2480932/