Quyết tâm đột phá xây dựng nhà trường thông minh

Đột phá xây dựng nhà trường thông minh (NTTM) là một nội dung mới vừa được Đảng ủy Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội xác định trong Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ nhà trường lần thứ IX, nhiệm kỳ 2020-2025, với 3 nội dung cốt lõi: Xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên; xây dựng hạ tầng cơ sở vật chất, phương tiện giáo dục-đào tạo (GD-ĐT) tiên tiến, hiện đại; chủ động thích ứng với sự phát triển của văn hóa nghệ thuật, báo chí, truyền thông trong Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Theo Thiếu tá Bùi Đức Nghĩa, Phó trưởng phòng Khoa học quân sự nhà trường, xây dựng NTTM là xu thế tất yếu của các học viện, nhà trường quân đội trước đòi hỏi của thực tiễn. Quyết tâm đột phá xây dựng NTTM cũng là cấp thiết nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ GD-ĐT, nghiên cứu khoa học của nhà trường trong tình hình mới.

 Giờ tập huấn giảng viên về Lý thuyết âm nhạc với chuyên gia nước ngoài tại Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội (năm 2019). Ảnh: ĐỨC LỘC

Giờ tập huấn giảng viên về Lý thuyết âm nhạc với chuyên gia nước ngoài tại Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội (năm 2019). Ảnh: ĐỨC LỘC

Xây dựng NTTM được Đảng ủy nhà trường xác định là khâu đột phá của nhiệm kỳ tới trên cơ sở đánh giá những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ qua, với một số thành tựu đã tiệm cận đáp ứng yêu cầu xây dựng NTTM. Theo đó, nhà trường tập trung xây dựng đội ngũ giảng viên đáp ứng yêu cầu chuẩn hóa, đội ngũ cán bộ có phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn nghiệp vụ giỏi, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của nhà trường. Hiện nay, 100% cán bộ, giảng viên của nhà trường có trình độ đại học trở lên; trong đó, trình độ đại học là 37,23%, trình độ sau đại học là 62,7%; một đồng chí được công nhận chuẩn chức danh phó giáo sư; 19 cán bộ, giảng viên được đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài (tăng 30%). Đội ngũ giảng viên của nhà trường chủ động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả giảng dạy.

Cùng với đó, nội dung, chương trình đào tạo từng bước được chuẩn hóa; phương pháp dạy học hiện đại; công văn, tài liệu, giáo trình từng bước được số hóa; cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng cơ bản, hạ tầng công nghệ thông tin được triển khai xây dựng; phòng thí nghiệm, phòng học trực tuyến được đầu tư đưa vào sử dụng; đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tăng cường liên kết đào tạo giữa các cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật trong và ngoài nước.

Theo Đại tá Nguyễn Xuân Thủy, Phó bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng nhà trường, để thực hiện tốt hơn mục tiêu, yêu cầu nhiệm vụ GD-ĐT của nhà trường trong thời kỳ mới, từng bước xây dựng mô hình NTTM, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy của cán bộ, giảng viên, học viên, sinh viên thì nội dung trọng tâm hướng đến là nguồn nhân lực và cơ sở vật chất kỹ thuật. Đây là những yếu tố giữ vai trò then chốt. Theo đó, nhà trường từng bước đổi mới phương thức điều hành, quản lý GD-ĐT dựa vào phát huy trí tuệ, sáng tạo, tự chủ, có sự phối hợp chặt chẽ giữa lãnh đạo, chỉ huy các phòng, ban, khoa và hệ quản lý học viên. Lựa chọn cán bộ, giảng viên, học viên gửi đi đào tạo ở nước ngoài và mời các chuyên gia nước ngoài tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ văn hóa nghệ thuật. Đổi mới hình thức, phương pháp dạy học, chủ động nghiên cứu kiến tạo phương pháp GD-ĐT tiên tiến, hiện đại. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ công tác kiểm định, đánh giá chất lượng GĐ-ĐT, ứng dụng công nghệ vào quá trình thanh tra, kiểm tra, thi đánh giá kết quả đào tạo. Nhà trường quyết tâm phấn đấu có 90% trở lên cán bộ, giảng viên ứng dụng thành thạo công nghệ thông tin vào giảng dạy và quản lý GD-ĐT; 70% lĩnh vực công tác, cơ sở vật chất trang bị, phương tiện chuẩn hóa; 70% số hóa giáo trình, tài liệu…

NGUYỄN THU

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/quyet-tam-dot-pha-xay-dung-nha-truong-thong-minh-624814