Quyết tâm, đồng lòng chiến thắng dịch bệnh

Từ ngày 27-4 đến nay, dịch Covid-19 đã quay trở lại với diễn biến phức tạp. Đáng nói là, nhiều cơ sở y tế trên cả nước, trong đó có các bệnh viện tuyến cuối như Bệnh nhiệt đới Trung ương, K cơ sở Tân Triều, Hà Nội… đã trở thành tâm dịch khi số ca dương tính với vi-rút SARS-CoV-2 không ngừng tăng lên. Trước nhiều nguy cơ dịch bệnh, đòi hỏi mỗi tổ chức, cá nhân cùng chủ động, quyết liệt nâng cao ý thức, tăng cường nhiều biện pháp phòng, chống để chiến thắng dịch bệnh.

Lực lượng chức năng phun khử khuẩn, tiêu độc khu vực cách ly y tế Bệnh viện K cơ sở Tân Triều (Hà Nội). Ảnh: MINH HÀ

Lực lượng chức năng phun khử khuẩn, tiêu độc khu vực cách ly y tế Bệnh viện K cơ sở Tân Triều (Hà Nội). Ảnh: MINH HÀ

Từ ngày 27-4 đến nay, dịch Covid-19 đã quay trở lại với diễn biến phức tạp. Đáng nói là, nhiều cơ sở y tế trên cả nước, trong đó có các bệnh viện tuyến cuối như Bệnh nhiệt đới Trung ương, K cơ sở Tân Triều, Hà Nội… đã trở thành tâm dịch khi số ca dương tính với vi-rút SARS-CoV-2 không ngừng tăng lên. Trước nhiều nguy cơ dịch bệnh, đòi hỏi mỗi tổ chức, cá nhân cùng chủ động, quyết liệt nâng cao ý thức, tăng cường nhiều biện pháp phòng, chống để chiến thắng dịch bệnh.

Không phải là đến thời điểm này chúng ta mới cảm nhận được mối nguy hiểm khủng khiếp của đại dịch Covid-19. Đến nay, sau hơn một năm tính từ ngày phát hiện ca bệnh đầu tiên, dịch Covid-19 đang là “nỗi ám ảnh” của phần lớn các quốc gia trên thế giới với hàng triệu người chết. Ở nước ta, trong suốt thời gian qua, các ngành, lực lượng chức năng đã thực hiện có hiệu quả lời kêu gọi đoàn kết của Đảng, Chính phủ cùng tạo nên sức mạnh tổng hợp để kiểm soát dịch bệnh. Đã có hàng vạn chiến sĩ xung kích trên tuyến đầu chống dịch; hàng nghìn y, bác sĩ không quản hiểm nguy đồng hành cùng người dân trong các khu cách ly… Người dân bày tỏ tình cảm yêu mến, ngưỡng mộ, biết ơn đối với những chiến sĩ trên tuyến đầu chống dịch, đóng góp cả vật chất lẫn tinh thần ủng hộ cho công tác chống dịch; đồng thời cũng sẻ chia vật chất, tinh thần với nhau để sẵn sàng khi cuộc chiến chống dịch bước vào giai đoạn cam go nhất… Có thể nói, chưa bao giờ sự tin tưởng, đồng lòng, quyết tâm của toàn dân tộc lại dâng cao như lúc này. Qua khảo sát tình hình thực hiện công tác phòng, chống dịch, những ngày qua, trên đường phố Hà Nội người dân đã nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương theo sự vận động của chính quyền. Các nhà hàng, quán ăn, quán cà-phê phần lớn đều thực hiện giãn cách, hoặc treo biển phục vụ mang về. Tại các khu chợ, phần lớn bà con tiểu thương cùng người mua đều ý thức việc đeo khẩu trang, nhắc nhở nhau nếu ai đó chưa thực hiện… Các cơ quan công sở đã thực hiện nghiêm việc kiểm tra thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn, tổ chức phun thuốc khử trùng. Việc hội họp cũng đã giảm triệt để về số lần họp cũng như số người dự họp. Tất cả đều dồn sức cho nhiệm vụ chống dịch theo đúng tinh thần “chống dịch như chống giặc”.

Anh Trần Văn Huy, chủ một nhà hàng ăn uống trên đường Mai Dịch, quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, ngay sau khi nhận được chỉ thị của UBND thành phố Hà Nội về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố, anh đã thực hiện sắp xếp lại bàn ghế ở nhà hàng, bảo đảm đủ khoảng cách. Đồng thời, anh cũng chủ động trang bị nước sát khuẩn cho khách, nhắc nhở nhân viên đeo khẩu trang trong suốt quá trình phục vụ khách hàng… Anh Huy chia sẻ: “Tình hình dịch bệnh lại trở nên phức tạp, ảnh hưởng đến công việc làm ăn, nhưng chúng tôi luôn nêu cao tinh thần chung tay phòng, chống dịch. Tôi và nhân viên của mình đều tự giác cài đặt ứng dụng Bluezone trên điện thoại để bảo vệ bản thân và cộng đồng tốt hơn”. Cũng như anh Huy, nhiều chủ nhà hàng, quán ăn trên địa bàn thành phố đã chấp hành theo đúng quy định giãn cách. Nhiều cửa hàng đã dựng hẳn vách ngăn trên bàn ăn để bảo đảm mỗi khách một bàn, tránh tiếp xúc trực tiếp. Chị Trần Thị Thu ở xã Vân Phúc, huyện Phúc Thọ (Hà Nội) cho biết, từ khi dịch bệnh bùng phát trở lại, địa phương đã thường xuyên tuyên truyền, cập nhật thông tin để bà con chủ động phòng, chống dịch, tránh tâm lý hoang mang. Các trường hợp trở về từ vùng dịch thực hiện cách ly tại nhà, hằng ngày được cán bộ y tế theo dõi sức khỏe. Mọi người đều bảo nhau bình tĩnh, tự giác sát khuẩn tay, đeo khẩu trang khi ra đường để tự bảo vệ mình và bảo vệ cộng đồng.

Tuy nhiên, trong khi cả hệ thống chính trị và phần lớn người dân đang tích cực dồn sức chống dịch, thì còn một bộ phận người dân vẫn chủ quan, không thực hiện nghiêm những khuyến cáo của ngành y tế. Đơn cử, vào dịp nghỉ lễ 30-4 và mùng 1-5 vừa qua, cả “biển” người đã đổ về các điểm tham quan du lịch, bãi biển mà không đeo khẩu trang, không giữ khoảng cách, coi nhẹ khuyến cáo 5K của Bộ Y tế… Bên cạnh đó, rất nhiều vụ nhập cảnh trái phép được phát hiện tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước thời gian gần đây đã cho thấy, sự mất cảnh giác, cũng như ý thức coi thường kỷ cương, phép nước của một vài cá nhân, đơn vị, làm tổn hại tới hình ảnh, lợi ích quốc gia, dân tộc.

Dự báo, dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp và công cuộc phòng, chống sẽ kéo dài. Bởi vậy, cùng với việc thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 về các giải pháp phòng, chống dịch…, các cấp ủy, chính quyền và mỗi người dân cần khắc phục ngay khuynh hướng lơ là, mất cảnh giác và tư tưởng hoang mang, dao động, mất bình tĩnh khi dịch bùng phát. Cần chủ động kích hoạt đầy đủ các biện pháp, phương án, chuẩn bị kịch bản chống dịch. Cùng với việc siết chặt quản lý xuất nhập cảnh, ngăn ngừa và xử lý nghiêm các vi phạm… cần phát huy vai trò của tổ giám sát cộng đồng phòng, chống dịch Covid-19 và nhân dân tham gia giám sát, phòng, chống dịch theo phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”. Bên cạnh những nỗ lực, sự vào cuộc quyết liệt của toàn bộ hệ thống chính trị, các cơ quan, đoàn thể, điều quan trọng hơn cả là mỗi người cần thể hiện trách nhiệm với cộng đồng thông qua những việc làm giản đơn, thiết thực. Đó là việc tự giác thực hiện khai báo y tế, thực hiện cách ly nếu thuộc diện quy định; chấp hành tốt quy định phòng, chống dịch của chính quyền các cấp; nâng cao ý thức trong việc tự bảo vệ mình với việc đeo khẩu trang khi ra đường, thường xuyên sử dụng dung dịch sát trùng... Khi thực hiện những việc này, trước hết mỗi người đã tự bảo vệ sức khỏe của chính mình, đồng thời cũng thể hiện trách nhiệm của cá nhân đối với cộng đồng, trách nhiệm của công dân đối với đất nước.

Trong bối cảnh hiện nay, có thể “có những ổ bệnh lẩn khuất trong cộng đồng, chưa diệt được hẳn” nên việc thực hiện nghiêm thông điệp 5K (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế) có vai trò quan trọng trong công tác phòng bệnh, có thể cắt đứt chuỗi lây nhiễm, chuỗi dịch tễ trong cộng đồng. Đồng thời cần tiếp tục thực hiện nghiêm chiến lược “phát hiện sớm, truy vết, cách ly, khoanh vùng dập dịch, điều trị hiệu quả”.

PGS, TS TRẦN ĐẮC PHU

Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam

Trong tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, mỗi cá nhân cần chủ động phòng, chống dịch từ sớm, từ xa. Với sự đoàn kết, chung tay, đồng lòng, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp và người dân, nhất định sẽ bảo vệ đất nước an toàn trước dịch bệnh, góp phần giúp nền kinh tế Việt Nam nhanh chóng phục hồi, tiếp tục phát triển. Quan trọng hơn là bảo đảm được sức khỏe, tính mạng cho người dân, cùng thế giới đẩy lùi đại dịch.

NGUYỄN VĂN AN

Giám đốc Công ty TNHH Thành An

Công cuộc chống dịch đang ở giai đoạn quyết liệt nhất, cần sự tin tưởng, đồng lòng, chung sức của toàn dân. Đây là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị, của tất cả các cấp, ngành, cơ quan, đoàn thể, nhưng cũng là trách nhiệm công dân của mỗi người. Như việc không ra đường khi không thật cần thiết; hoãn lại thú vui hằng ngày, nhắc nhở nhau thực hiện các việc phòng hộ cá nhân, hỗ trợ nhau để cùng vượt qua những tháng ngày khó khăn này.

Ông TRẦN VĂN TUYỂN (Quận Cầu Giấy, Hà Nội)

QUANG MINH và NAM PHƯƠNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/bandoc/quyet-tam-dong-long-chien-thang-dich-benh-647318/