Quyết tâm đổi mới tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị

Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành và lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiều chủ trương, nghị quyết, kết luận rất quan trọng về xây dựng, đổi mới hệ thống tổ chức của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, các đơn vị sự nghiệp công lập.

Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành và lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiều chủ trương, nghị quyết, kết luận rất quan trọng về xây dựng, đổi mới hệ thống tổ chức của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, các đơn vị sự nghiệp công lập.

Dưới sự quyết tâm thực hiện của cả hệ thống chính trị, chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác của từng tổ chức, từng ngành, lĩnh vực được phân định, điều chỉnh hợp lý hơn, dần đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN và phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN. Nhưng nhìn chung, mô hình tổng thể về tổ chức bộ máy (TCBM) của hệ thống chính trị vẫn chưa hoàn thiện, một số bộ phận, lĩnh vực chưa phù hợp yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới. Nhận thức, ý thức trách nhiệm của một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa đầy đủ, toàn diện về tầm quan trọng, tính cấp thiết và những yêu cầu đổi mới, kiện toàn TCBM của hệ thống chính trị, nhất là về những hạn chế, yếu kém đang tác động trực tiếp đến vai trò lãnh đạo, uy tín của Đảng và niềm tin của nhân dân...

Xuất phát từ thực tiễn, Đảng ban hành các Nghị quyết của Hội nghị T.Ư 6 (khóa XII), trong đó không chỉ quan tâm đến tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, mà nhận thức rất rõ yêu cầu nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Nghị quyết đã đặt nền tảng định hướng rất quan trọng giúp các bộ, ngành, địa phương thực hiện sâu rộng việc đổi mới, sắp xếp TCBM của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Năm 2018 có thể coi là mốc thời gian quan trọng trong thực hiện Nghị quyết. Sự chuyển động tại phần lớn các bộ, ngành, địa phương rất quyết liệt, có kết quả cụ thể, được tiến hành thường xuyên, liên tục, với quyết tâm xây dựng bộ máy “gọn”, con người “tinh” hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Tuy nhiên, thực tiễn trong khâu tổ chức thực hiện cho thấy, để một hệ thống TCBM vốn cồng kềnh, lạc hậu nảy sinh không ít cơ chế thiếu minh bạch, thể chế chưa hoàn thiện làm hạn chế không gian và động lực phát triển - trở nên tinh gọn, hoạt động tốt hơn và phù hợp thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN là nhiệm vụ không dễ dàng, thậm chí còn khó khăn và phức tạp. Việc sắp xếp lại TCBM không phải cơ học mà mang nội hàm là sự đổi mới, thể hiện quá trình đổi mới tư duy và nhận thức về mục đích và ý nghĩa sau cùng nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước và chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Yêu cầu đổi mới tư duy, nhận thức còn cấp bách hơn nữa khi đất nước đứng trước những thách thức và thời cơ trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng.

Nghị quyết T.Ư 6 nêu rõ, cần tiến hành thận trọng, có bước đi thích hợp, những việc rõ thì làm ngay, vấn đề gì chưa rõ thì tổ chức thí điểm, nội dung nào còn nhiều ý kiến khác nhau cần được tiếp tục nghiên cứu. Tại kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIV, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, khi thực hiện tinh gọn TCBM, nhiều nơi rất lúng túng, nhận thức chưa đầy đủ. Mục tiêu Nghị quyết đặt ra là tinh giản TCBM, biên chế và bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của bộ máy, nhưng dường như nhiều nơi chủ yếu quan tâm góc độ “tinh giản”, nơi nào tinh giản, sáp nhập được nhiều thì coi đó là thành tích. Bên cạnh đó, trong quá trình tổ chức thực hiện, phải tuân thủ phương thức lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, chỉ đạo, điều hành của Nhà nước. Việc thực hiện cần được thể chế hóa dưới góc độ pháp luật và các văn bản quy phạm để tổ chức thống nhất, bảo đảm chặt chẽ, thận trọng. Tuy nhiên, hiện nay một số địa phương tiến hành sáp nhập mà chưa được hướng dẫn cụ thể, thiếu cơ sở pháp lý, dẫn tới mỗi nơi còn cách hiểu, cách làm khác nhau, nhiều băn khoăn, vướng mắc chưa được tháo gỡ. Việc giảm đầu mối và tinh giản biên chế bộ máy còn nặng tính cơ học, chưa tính toán thấu đáo trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ và các quy định của pháp luật.

Một trong những vấn đề quan trọng nổi lên khi sáp nhập bộ máy, nhất thể hóa một số chức danh là nhiều thể chế, quy định đã không còn phù hợp tình hình mới. Trong khi đó, việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về cải cách bộ máy hành chính của Nhà nước còn chậm. Nghị quyết số 56/2017/QH14 của Quốc hội nêu rõ, trong năm 2018, Chính phủ hoàn thành việc ban hành các văn bản để làm cơ sở cho việc sắp xếp TCBM, tinh giản biên chế. Đó là các văn bản quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và tiêu chí thành lập phòng, vụ, cục, tổng cục và tương đương thuộc bộ, cơ quan ngang bộ (hoàn thành trước tháng 7-2018). Các văn bản quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND, trong đó có văn bản hướng dẫn công tác tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động của HĐND, UBND cấp xã (hoàn thành trước tháng 7-2018); văn bản về tiêu chí phân loại, điều kiện thành lập các đơn vị sự nghiệp công lập theo ngành, lĩnh vực. Tuy nhiên, đến nay nhiều văn bản vẫn chưa được ban hành, TCBM vẫn trong tình trạng “bình mới, rượu cũ”.

Để góp phần giải quyết thực trạng này, ngành tổ chức và nội vụ cần tham mưu ban hành các hướng dẫn cụ thể để các bộ, ngành, địa phương chủ động xác định rõ những việc cần làm ngay, những việc phải làm theo lộ trình, phân công cụ thể và thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện. Đẩy nhanh việc rà soát xây dựng sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách pháp luật về cải cách TCBM hành chính nhà nước, về công chức, công vụ, bảo đảm đồng bộ, đầy đủ, kịp thời, hiệu quả, nhất là cụ thể hóa các luật đã được Quốc hội xây dựng, sửa đổi, bổ sung thời gian gần đây (như: Luật Tổ chức Quốc hội; Luật Tổ chức Chính phủ; Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức…) để làm cơ sở pháp lý cho việc cải cách bộ máy hành chính nhà nước, các chủ trương về nhất thể hóa một số chức danh, việc hợp nhất các cơ quan đảng với cơ quan nhà nước có chức năng và nhiệm vụ tương đồng.

Triển khai có hiệu quả cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thể chế. Xây dựng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Chú trọng cải cách chính sách tiền lương nhằm tạo động lực thật sự để cán bộ, công chức, viên chức thực thi công vụ có chất lượng và hiệu quả cao. Nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính và dịch vụ công, làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán. Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong cải cách thủ tục hành chính. Thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, hợp lý giữa Trung ương và địa phương, giữa cấp trên và cấp dưới, gắn quyền hạn với trách nhiệm. Đồng thời, xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực chặt chẽ bằng các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, đề cao trách nhiệm giải trình và tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, tạo sự thống nhất nhận thức và hành động trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội và những cán bộ, công chức, viên chức chịu tác động trực tiếp trong quá trình sắp xếp, cơ cấu lại TCBM.

Cần tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác tinh giản biên chế gắn với việc xác định vị trí việc làm và việc đánh giá kết quả thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức một cách thực chất. Tinh giản biên chế phải chú trọng bảo đảm chất lượng và hiệu quả công việc. Rà soát, đánh giá, hoàn thiện chính sách quy định về tuyển dụng, sử dụng, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ, công chức gắn với vị trí việc làm và cơ chế từ chức. Các bộ, ngành liên quan cần sớm đánh giá kết quả việc thí điểm đổi mới, cách tuyển chọn lãnh đạo quản lý các cấp, điều chỉnh những bất cập trong công tác thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý để thống nhất thực hiện. Đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử, hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật thông tin tiện dụng, thực hiện liên thông thủ tục hành chính trong các ngành, lĩnh vực… Có như vậy, mới bảo đảm tính toàn diện, thống nhất và sâu rộng, tạo cơ sở vững chắc để đổi mới TCBM của hệ thống chính trị đồng bộ với mục tiêu nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động.

Mạnh Dương

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/38514302-quyet-tam-doi-moi-to-chuc-bo-may-cua-he-thong-chinh-tri.html