Quyết tâm đạt kết quả cao nhất trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ

Đó là khẳng định của Chủ tịch UBND tỉnh Vương Bình Thạnh tại buổi làm việc với Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh về thực hiện giám sát chuyên đề 'Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) giai đoạn 2014-2018' trên địa bàn tỉnh.

An Giang có diện tích rừng 13.423ha, tập trung phần lớn ở 2 huyện biên giới Tri Tôn, Tịnh Biên. 5 năm qua, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh có bước phát triển, các loại hình kinh doanh dịch vụ ngày càng nhiều, phong phú và đa dạng; các khu công nghiệp, trung tâm thương mại, kho xăng dầu, khu dân cư… ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, ý thức chấp hành pháp luật về PCCC còn hạn chế; một số cá nhân, tổ chức chưa thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về PCCC… Mặt khác, tình hình thời tiết diễn biến bất thường là một trong những nguyên nhân tiềm ẩn nguy cơ và sự cố cháy, nổ xảy ra. Hệ thống giao thông có lúc chưa thông thoáng nên ảnh hưởng đến công tác chữa cháy của lực lượng PCCC chuyên nghiệp.

Diễn tập PCCC và CNCH tại các cơ sở trọng điểm

5 năm qua, UBND tỉnh đã triển khai, thực hiện nghiêm túc đến các sở, ban, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp các văn bản chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Tỉnh ủy về công tác PCCC, từ đó tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác PCCC và cứu nạn cứu hộ. Vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được tăng cường. Việc củng cố, xây dựng lực lượng PCCC tại chỗ được quan tâm thực hiện. UBND tỉnh đã đầu tư hơn 101 tỷ đồng trang bị phương tiện, dụng cụ chữa cháy và cứu nạn cứu hộ; xây dựng cải tạo, sửa chữa cơ sở vật chất, phương tiện cho 7 đội Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ khu vực (Công an tỉnh); triển khai thực hiện Tiểu dự án đầu tư trang thiết bị, phương tiện PCCC và cứu nạn cứu hộ (thuộc Công an tỉnh) giai đoạn 2016-2018 gần 50 tỷ đồng. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra về an toàn PCCC, kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong công tác PCCC ở các khu dân cư, nhà máy, xí nghiệp, ở những địa bàn có nguy cơ cao về cháy nổ để phòng ngừa tai nạn cháy nổ xảy ra; xây dựng 191 phương án chữa cháy có sự tham gia của nhiều lực lượng, tổ chức thực tập 73 phương án chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tại các cơ sở trọng điểm về chính trị, kinh tế. Định kỳ hàng năm, xây dựng kế hoạch tổ chức kiểm tra các chuyên đề, chuyên ngành, địa bàn trọng điểm… Qua đó, tiến hành kiểm tra, lập 10.910 biên bản hướng dẫn khắc phục sơ hở, thiếu sót về PCCC, xử phạt vi phạm hành chính 138 cơ sở vi phạm. Lực lượng PCCC và cứu nạn cứu hộ từng bước được kiện toàn về số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu về công tác PCCC và cứu nạn cứu hộ tại địa phương.

Xác định công tác tuyên truyền là một trong những biện pháp trọng tâm trong công tác phòng ngừa, ngăn chặn cháy, thời gian qua, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, các cấp, UBND các địa phương không ngừng đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền về công tác PCCC. Qua đó, đã xây dựng 279 phóng sự, tin, bài; treo 2.767 băng-rôn, pa-nô, áp-phích; tổ chức 184 lớp tập huấn nghiệp vụ cho lực lượng dân phòng, lực lượng PCCC cơ sở của cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, 769 buổi tuyên truyền miệng cho 28.331 lượt cán bộ, công nhân viên chức, học sinh, người lao động… Nhờ vậy, nhận thức về kiến thức pháp luật PCCC và cứu nạn cứu hộ của người dân được nâng cao rõ rệt.

Chủ tịch UBND tỉnh Vương Bình Thạnh yêu cầu: “Các sở, ngành phối hợp chặt chẽ triển khai đồng bộ các giải pháp để làm tốt công tác PCCC và cứu nạn cứu hộ, nhất là ở các khu dân cư, các điểm tham quan du lịch, trung tâm thương mại; phối hợp các sở, ngành, địa phương bảo vệ rừng; tăng cường tập huấn kiến thức, nâng cao ý thức PCCC cho các cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh; tăng cường kiểm tra đảm bảo trang bị đầy đủ hệ thống PCCC ở các khu dân cư; thường xuyên, liên tục tổ chức diễn tập PCCC; triển khai thành lập đội PCCC chuyên trách ở các khu công nghiệp; nâng cao chất lượng tập huấn, bồi dưỡng cho lực lượng PCCC tại chỗ; trang bị các phương tiện, dụng cụ đồng bộ cho các địa phương, nâng cấp hệ thống PCCC và cứu nạn cứu hộ, quyết tâm thực hiện đạt kết quả cao nhất công tác PCCC và cứu nạn cứu hộ trong thời gian tới”.

Từ ngày 15-7-2014 đến 15-7-2018, trên địa bàn tỉnh xảy ra 159 vụ cháy, làm 4 người chết, 11 người bị thương, thiệt hại tài sản ước tính gần 99 tỷ đồng. Trong đó chập điện 80 vụ; bất cẩn trong sử dụng lửa 21 vụ; mâu thuẫn gia đình đốt và tự thiêu 6 vụ; nổ bình gas 1 vụ; tĩnh điện xăng dầu 1 vụ; đang xác minh làm rõ 50 vụ.

Bài, ảnh: NGUYỄN HƯNG

Nguồn An Giang: http://baoangiang.com.vn/quyet-tam-dat-ket-qua-cao-nhat-trong-cong-tac-phong-chay-chua-chay-va-cuu-nan-cuu-ho-a242063.html