Quyết tâm chính trị

Theo Nghị quyết 653/2019/UBTVQH14, ngày 12-3-2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, có 20 huyện và 638 xã trong toàn quốc thuộc diện phải sắp xếp đơn vị hành chính trong giai đoạn 2019-2021.

Đây là những địa phương có diện tích tự nhiên và quy mô dân số chưa đạt 50% tiêu chuẩn quy định (huyện miền núi, vùng cao có diện tích trên 850km2 và dân số trên 80.000 người, các huyện khác diện tích trên 450km2 và dân số trên 120.000 người; xã miền núi, vùng cao từ 50km2 và 5.000 người trở lên, các xã khác từ 30km2 và 8.000 người trở lên).

Thế nhưng, đến nay, vẫn còn 9 tỉnh, thành phố chưa gửi hồ sơ đề án về Bộ Nội vụ thẩm định; 11 tỉnh, thành phố sau khi được Bộ Nội vụ tổ chức thẩm định, nhưng chưa hoàn thiện hồ sơ đề án để báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét. Thậm chí, 2 thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ vẫn chưa tổng hợp được số liệu về diện tích tự nhiên, quy mô dân số của các đơn vị hành chính cấp huyện, xã.

Trong khi đó, các tỉnh, thành phố đề nghị chỉ tiến hành sắp xếp 9 huyện và 534 xã trong giai đoạn này. Sau khi sắp xếp, dự kiến, số lượng đơn vị hành chính giảm ở cấp huyện là 6, cấp xã là 564.

Nhận trách nhiệm về tiến độ thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính chậm so với lộ trình kế hoạch đề ra, Bộ Nội vụ giải trình: Đây là nhiệm vụ hết sức khó khăn và có rất nhiều trở ngại, đặc biệt là đối với đội ngũ cán bộ công chức cấp xã, những đơn vị hành chính nằm trong diện phải sáp nhập chứ không phải từ phía người dân.

Thực tế, chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ cao của nhân dân. Bởi, việc sắp xếp, sáp nhập huyện, xã góp phần thực hiện tinh gọn bộ máy chính quyền địa phương, góp phần tinh giản biên chế, giảm bớt gánh nặng ngân sách chi cho bộ máy chính quyền.

Không khó nhận ra, khó khăn lớn nhất khi thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là việc sắp xếp, bố trí và giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức dôi dư. Báo cáo của các địa phương cho thấy, sẽ tồn đọng một số lượng lớn cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư do chưa sắp xếp, bố trí, giải quyết ngay được là 385 cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện; 4.585 cán bộ, công chức cấp xã.

Bên cạnh đó, vẫn còn một bộ phận cán bộ, công chức cấp xã không ủng hộ việc sáp nhập, có tư tưởng trì hoãn do lo lắng sẽ ảnh hưởng đến công việc và vị trí công tác sau khi sắp xếp. Đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dự kiến sau khi sắp xếp sẽ dôi dư 5.886 người.

Tuy nhiên, chỉ còn một số địa phương trì hoãn, chưa thực hiện sắp xếp như: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Quảng Trị, Quảng Ninh, Quảng Ngãi... Theo nhiều chuyên gia, nguyên do là thiếu sự quyết tâm vì có 4 tỉnh Bình Thuận, Kiên Giang, Sơn La, Tây Ninh mặc dù không có xã thuộc diện phải sắp xếp nhưng vẫn thực hiện theo diện khuyến khích được 134 xã.

Rõ ràng, một số chính quyền địa phương vẫn còn lúng túng, chưa thống nhất về chủ trương của Đảng trong việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã. Nhiều địa phương chưa xác định được giải pháp để giải quyết số lượng cán bộ công chức dôi dư sau khi sắp xếp, nên nảy sinh tâm lý ngại, né tránh và không muốn làm.

Thiết nghĩ, để thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về việc sắp xếp các đơn vị hành chính, trong thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền địa phương cần tăng cường các giải pháp nhằm tạo sự đồng thuận trong xã hội, các cấp, các ngành và nhân dân.

Các địa phương cần sớm xây dựng chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư do sắp xếp và giải quyết dứt điểm ngay trong năm 2019.

Thanh Thảo

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/quyet-tam-chinh-tri/