Quyết 'so găng', Thổ khiến Nga bỏ tham vọng ở cả Syria?

Từ Azerbaijan đến Syria, nỗ lực của ông Erdogan nhằm xây dựng lại ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực đã buộc Nga phải từ bỏ tham vọng của mình.

Theo World Oil, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan là khách mời danh dự tại lễ duyệt binh của Azerbaijan mới đây để đánh dấu chiến thắng của nước này trước đồng minh Armenia của Moscow. Chiến thắng của Azerbaijan có được nhờ vào sự giúp đỡ của Thổ Nhĩ Kỳ.

Và nếu có việc ông chủ Điện Kremlin, Vladimir Putin không hài lòng với việc Ankara xâm nhập vào sân sau của mình, thì điều này ít ra đến nay vẫn là điều chưa được công khai.

Ông Putin đã sẵn sàng đối diện với thách thức mới. Khi ông Erdogan tìm cách hàn gắn mối quan hệ với chính quyền của Tổng thống sắp tới của Mỹ Joe Biden, Điện Kremlin tin rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ vẫn là một cái gai trong mắt các thành viên NATO và điều này hẳn sẽ thúc đẩy sự chia rẽ - điều mà Moscow quan tâm.

Tổng thống Nga Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.

Tổng thống Nga Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.

Kế hoạch trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ vì mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga mà chính quyền Tổng thống Donald Trump thông qua sẽ chỉ làm khó nỗ lực của nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ trong việc xây dựng lại mối quan hệ với Washington.

Từ Azerbaijan đến Syria và Libya, nỗ lực của ông Erdogan nhằm xây dựng lại ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ trong vai trò như một cường quốc trong khu vực đã buộc Nga phải từ bỏ tham vọng của mình. Ngay cả khi ông Erdogan ngày càng tỏ ra là người có khả năng gây ảnh hưởng đến vị trí Nga trong khu vực, ông Putin vẫn dành những lời nồng nhiệt cho người láng giềng ở Biển Đen của mình trước công chúng.

Andrey Kortunov, người đứng đầu Hội đồng các vấn đề quốc tế Nga cho biết: “Các mối quan hệ hiện đang rất căng thẳng, có sự cạnh tranh và thậm chí là cả sự đối đầu. “Tuy nhiên, hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ có ý nghĩa chiến lược quan trọng nên Nga đôi khi phải “mắt nhắm mắt mở” thực hiện điều này”, chuyên gia cho biết.

Phản ứng của Nga phản ánh mong muốn vun đắp mối quan hệ với ông Erdogan, nhân vật đã gây ra rạn nứt chưa từng có trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương với thỏa thuận mua hệ thống S-400 năm 2017.

Một quan chức cấp cao của chính phủ Nga nói với Bloomberg rằng quá nhiều khác biệt giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Mỹ và châu Âu, điều này ngăn cản đôi bên tiến lại gần nhau. Trong khi đó, Nga lại rất có kinh nghiệm quản lý mối quan hệ kinh tế và chính trị đầy biến động với Thổ Nhĩ Kỳ, ngay cả khi ông Erdogan đã cử lực lượng thân tín của Thổ Nhĩ Kỳ để ngăn cản các mong muốn của ông Putin ở các điểm nóng trong khu vực.

Ông Erdogan đã đưa khoảng 200 binh sĩ gia nhập lực lượng Azerbaijan ở trung tâm thủ đô Baku để biểu diễn các máy bay không người lái do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất và đã góp phần đánh bại Armenia trong cuộc chiến kéo dài 44 ngày tại khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh.

Nguồn thạo tin vấn đề này cho rằng rõ ràng nỗ lực do Nga hậu thuẫn nhằm xóa sổ phiến quân kiểm soát Idlib ở Syria đã không triển khai được.

Theo ông Kortunov: “Dưới thời ông Biden, các tham vọng của ông Erdogan có thể sẽ gia tăng.

Đối thủ lâu đời

Căng thẳng giữa Matxcơva và Ankara đang làm nhen nhóm sự cạnh tranh hàng thế kỷ giữa hai cựu đế quốc. Năm 2015, Nga đã áp đặt các lệnh trừng phạt mạnh lên Thổ Nhĩ Kỳ sau khi nước này bắn hạ một máy bay chiến đấu của Nga ở biên giới với Syria. Mới đây, Nga đã cấm nhập khẩu cà chua từ Azerbaijan, sản phẩm xuất khẩu lớn nhất của nước này sau dầu và khí đốt.

Trong khi nhà lãnh đạo Nga vô địch trong thế giới đa cực mà ở đó các cường quốc khu vực thách thức vai trò lãnh đạo truyền thống của Washington, ông Erdogan lại đang chứng tỏ sự ưu thế hơn trong một trận đấu tranh giành ảnh hưởng.

Andrei Baklanov, một cựu quan chức ngoại giao Nga cho biết: “Chúng tôi là đồng minh ở một số khía cạnh nhưng ở những khía cạnh khác, lợi ích của chúng tôi hoàn toàn bị ảnh hưởng. Và chúng ta phải học cách sống chung với hoàn cảnh này.”

Trong khi ông Putin giúp duy trì đảm bảo một lệnh ngừng bắn giữa Azerbaijan và Armenia và cử những người gìn giữ hòa bình Nga tới Nagorno-Karabakh, thì sự quyết đoán của ông Erdogan trong việc hỗ trợ Baku trong cuộc chiến đã giúp Thổ Nhĩ Kỳ có được vai trò giám sát thỏa thuận đình chiến.

Tại Syria, nơi đồng minh của ông Putin, Tổng thống Bashar al-Assad giành lại quyền kiểm soát phần lớn đất nước nhờ sự hỗ trợ của Nga và Iran, Thổ Nhĩ Kỳ đã ngăn chặn các nỗ lực của chính phủ nhằm chiếm lại pháo đài quan trọng của phiến quân ở Idlib.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng là một khách hàng lớn về năng lượng của Nga, tuy nhiên điều này cũng đứng trước nhiều thử thách. Từng là khách hàng hàng đầu của Moscow, Thổ Nhĩ Kỳ đã giảm mua khí đốt trong những năm gần đây bằng cách chuyển sang các nhà cung cấp đối thủ của Nga như Azerbaijan.

Trước công chúng, ông Putin ca ngợi ông Erdogan quyết đoán trong việc mua năng lượng và vũ khí của Nga bất chấp sự phản đối của các đồng minh NATO. “Thật tuyệt khi được làm việc với đối tác đáng tin cậy”, ông Putin cho biết hồi tháng 10.

Hiện tại, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đang duy trì một mối quan hệ căng thẳng “vì những khác biệt trong quan điểm của hai nước”, Sinan Ulgen, học giả thỉnh giảng tại đại học Carnegie Europe ở Brussels cho biết.

Vũ Thu Hương

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/quyet-so-gang-tho-khien-nga-bo-tham-vong-o-ca-syria-a500806.html