Quyết sách nâng chất du lịch ở Đồng Nai

Văn kiện của Đại hội Đảng bộ tỉnh Đồng Nai lần thứ XI đã xác định phát triển du lịch là một trong những nhiệm vụ đột phá, để khai thác tiềm năng du lịch hiệu quả sớm đưa du lịch tỉnh trở thành ngành kinh tế quan trọng cũng là một thách thức với tỉnh này.

Sự phát triển của du lịch Đồng Nai trong những năm qua đã góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh, tuy nhiên hiệu quả mang lại chưa tương xứng với tiềm năng.

 Tsunami Bay - Công viên nước tại Khu du lịch sinh thái Sơn Tiên

Tsunami Bay - Công viên nước tại Khu du lịch sinh thái Sơn Tiên

Lợi thế đặc trưng

Đồng Nai là một trong những tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế đứng đầu cả nước. Bên cạnh đó, quá trình phát triển lịch sử - văn hóa đã tạo cho vùng đất này những tiềm năng phát triển du lịch.

Tài nguyên du lịch tự nhiên của Đồng Nai khá phong phú, đa dạng. Tuy không có biển, nhưng tỉnh có rừng, sông, hồ, núi, đặc biệt là Vườn quốc gia Cát Tiên - Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Sông Đồng Nai là một dòng sông đẹp và dài nhất vùng Đông Nam bộ, hồ Trị An rộng lớn...

Trong hơn 320 năm hình thành và phát triển vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai với nhiều dấu ấn đậm nét của phương Nam… đã tạo nên những di tích lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng, kiến trúc, địa danh lịch sử nổi tiếng. Đến nay tỉnh đã có 57 di tích cấp tỉnh và cấp quốc gia (trong đó 02 di tích quốc gia đặc biệt) và khoảng 1500 di tích phổ thông khác.

Khu du lịch Suối Cao

Chưa kể, Đồng Nai nằm ở vị trí cửa ngõ Đông Nam bộ, với nhiều tuyến giao thông huyết mạch chạy qua. Hiện tại, nhiều dự án hạ tầng với quy mô lớn của quốc gia đang hiện trên địa bàn tỉnh Đồng Nai sẽ góp phần thúc đẩy các hoạt động du lịch trong tương lai.

Để khai thác những tiềm năng, lợi thế trên, trong những năm qua tỉnh Đồng Nai chú trọng đầu tư hạ tầng, đặc biệt là các tuyến giao thông kết nối các khu du lịch. Công tác cải cách hành chính, quy hoạch, mời gọi đầu tư, chính sách đồng hành cùng doanh nghiệp... cũng được quan tâm. Đồng thời, hoạt động quảng bá xúc tiến du lịch, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch, liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các địa phương trong vùng Đông Nam bộ cũng được tăng cường.

Du lịch đã góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhất định trong thời gian qua, tạo việc làm cho trên 3.700 lao động trực tiếp, đồng thời, các hoạt động gắn với du lịch cộng đồng và sản phẩm nông nghiệp đặc trưng tạo thu nhập trực tiếp cho người dân địa phương và bước đầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương theo hướng dịch vụ và phát triển bền vững.

Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành du lịch Đồng Nai nhìn chung phát triển chưa xứng tiềm năng. Các dịch vụ vui chơi giải trí hiện có tại các khu, điểm du lịch chưa phong phú và tính hấp dẫn chưa cao. Đồng thời, một số dự án (Thác Mai - Bàu nước sôi, tuyến du lịch sông Đồng Nai, tuyến đường ven hồ Trị An, Đảo Ó - Đảo Đồng Trường, danh thắng quốc gia núi Chứa Chan…) là những dự án du lịch quan trọng để tạo sự đột phá cho du lịch Đồng Nai, mặc dù được UBND tỉnh quan tâm vẫn gặp những vướng mắc về quy hoạch. Điều này khiến các nhà đầu tư gặp khó khăn khi thực hiện các thủ tục đầu tư.

Mặt khác, sản phẩm du lịch hiện có của Đồng Nai chủ yếu là phục vụ khách nội địa, chưa hình thành nhiều các sản phẩm đặc trưng và chất lượng cao hướng tới thị trường khách quốc tế. Các doanh nghiệp lữ hành chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, năng lực cạnh tranh thấp. Việc phát huy giá trị của các di tích lịch sử, văn hóa với du lịch chưa nhiều, chủ yếu là các di tích danh lam thắng cảnh được các thành phần kinh tế đầu tư phát triển, điều này khiến các di tích lịch sử văn hóa thu hút khách hạn chế.

Nâng chất ngành du lịch

Một kế hoạch quy mô (Kế hoạch số 118-KH/TU) năm 2017 của Tỉnh ủy nhằm phát triển du lịch và đưa du lịch Đồng Nai thành ngành kinh tế quan trọng đã được khởi động hơn 3 năm qua. Đây cũng là thực hiện theo Nghị quyết số 08-NQ/TW năm 2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Khu sinh thái Giang Điền

Một trong nhiều giải pháp trọng tâm mà tỉnh Đồng Nai sẽ thực hiện theo Kế hoạch 118-KH/TU là phát triển sản phẩm đặc trưng và đa dạng hóa sản phẩm du lịch.

Thế mạnh về du lịch của Đồng Nai là du lịch sinh thái. Vì vậy, Đồng Nai sẽ tập trung xây dựng loại hình du lịch này là thương hiệu của du lịch Đồng Nai, trong đó tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch hiện có và phát triển sản phẩm du lịch mới tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai, Vườn quốc gia Cát Tiên, Thác Mai - Bàu Nước sôi, núi Chứa Chan.

Cùng với đó, phát triển du lịch sông Đồng Nai và các địa bàn có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái trở thành các khu (điểm) du lịch trọng điểm có sức hấp dẫn và có sức cạnh tranh cao để tạo thương hiệu cho du lịch Đồng Nai.

Tỉnh cũng phát triển nhiều loại hình du lịch khác mà Đồng Nai có điều kiện và tiềm năng (du lịch tâm linh; du lịch thể thao; du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo; du lịch cộng đồng; tham quan...) nhằm đa dạng các loại hình dịch vụ vui chơi giải trí đáp ứng nhu cầu của du khách.

Một giải pháp quan trọng không kém nữa là phải huy động các nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch. Đó là tạo môi trường đầu tư ổn định, thông thoáng, bình đẳng; tích cực giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư, tạo động lực cho các doanh nghiệp triển khai dự án và thu hút đầu tư. Một điểm không thể không nhắc đến cần triển khai đầu tư các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm qua địa bàn tỉnh như các tuyến cao tốc, cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Đến nay, tỉnh Đồng Nai có 24 khu, điểm du lịch gồm nhiều loại hình du lịch như: Sinh thái, tham quan, thể thao, văn hóa, cộng đồng; 129 cơ sở lưu trú du lịch với tổng số gần 4000 phòng, 16 doanh nghiệp lữ hành nội địa, 05 doanh nghiệp lữ hành quốc tế và 05 chi nhánh, văn phòng đại diện của các doanh nghiệp lữ hành quốc tế tại TPHCM…

Tốc độ tăng trưởng bình quân lượt khách giai đoạn 2015-2019 đạt 10,5%/năm và doanh thu du lịch đạt 14,6%/năm. Đến năm 2019, du lịch Đồng Nai đón được khoảng 4,4 triệu lượt khách, doanh thu dịch vụ du lịch khoảng 1607 tỷ đồng.

Nổi bật các dự án như: Khu du lịch Suối Mơ - Tân Phú (vốn đầu tư khoảng 300 tỷ đồng), hệ thống cáp treo tại danh thắng quốc gia núi Chứa Chan –Xuân Lộc (vốn đầu tư gần 300 tỷ đồng), Resort Cát Tiên Jungle Logde - Tân Phú (vốn đầu tư khoảng 50 tỷ đồng), Khách sạn Central Park, đạt tiêu chuẩn 5 sao (vốn đầu tư khoảng 550 tỷ đồng), Resort Cát Tiên Orchard Home (Tân Phú) đạt tiêu chuẩn 3 sao. Đồng thời, các khu, điểm du lịch hiện hữu cũng đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, sản phẩm và dịch vụ du lịch như: Khu du lịch Bửu Long, Khu du lịch Vườn Xoài, khu du lịch Đảo Ó - Đảo Đồng trường, đã góp phần đáng kể vào nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ du lịch để thu hút khách.

Đức Nghĩa – Tuệ Anh

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/tin-tuc-tinh-thanh/quyet-sach-nang-chat-du-lich-o-dong-nai-546671.html