Quyết sách mới cho sự bền vững của Đồng bằng sông Cửu Long

Nhận thức được vai trò quan trọng của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đối với kinh tế - xã hội cả nước, Chính phủ đã có thêm quyết sách mới cho vùng đất này để phát triển bền vững hơn, chủ động hơn trong thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp kiểm tra cánh đồng mẫu lớn tại tỉnh An Giang, mô hình nông sản sạch do Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới Huỳnh Văn Thòn xây dựng. Ảnh: NG

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp kiểm tra cánh đồng mẫu lớn tại tỉnh An Giang, mô hình nông sản sạch do Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới Huỳnh Văn Thòn xây dựng. Ảnh: NG

Tiềm năng và thách thức

ĐBSCL có tổng diện tích tự nhiên 4,08 triệu héc-ta, với hơn 18 triệu dân, được chia thành 13 đơn vị hành chính bao gồm 1 thành phố trực thuộc Trung ương (TP Cần Thơ) và 12 tỉnh (Long An, Đồng Tháp, An Giang, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau).

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì xây dựng định hướng phát triển của ĐBSCL thành 3 tiểu vùng: Tiểu vùng 1 với cơ cấu kinh tế dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp có quy mô diện tích 948.000ha, thuộc địa bàn Trà Vinh, Bến Tre, Vĩnh Long, một phần diện tích tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng, TP Cần Thơ. Đây là tiểu vùng trung tâm, là nơi tập trung đô thị dịch vụ, công nghiệp nghiên cứu khoa học; là đầu mối giao thương với các vùng trong cả nước thông qua cảng vùng và sân bay quốc tế. Tiểu vùng 2 có cơ cấu kinh tế công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp có quy mô diện tích 889.000ha, bao gồm: Tiền Giang, Long An và một phần tỉnh Đồng Tháp. Đây là tiểu vùng thuộc phía Đông Bắc của ĐBSCL, tiếp giáp với TP Hồ Chí Minh. Tiểu vùng 3 có cơ cấu nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ có quy mô 2,218 triệu héc-ta, bao gồm: Cà Mau, Bạc Liêu, Hậu Giang, Kiên Giang, một phần tỉnh An Giang, TP Cần Thơ, Sóc Trăng. Tiểu vùng này phát triển mạnh nông nghiệp gắn với công nghiệp chế biến thủy, hải sản, du lịch biển đảo. Đây cũng là một cực đối trọng với các đô thị và cảng trong vịnh Thái Lan, kết nối với các quốc gia Đông Nam Á.

Nhưng theo kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng, thì Việt Nam được đánh giá là một trong những nước sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của biến đổi khí hậu, trong đó ĐBSCL sẽ bị ngập nặng nhất. Nếu mực nước biển dâng cao 33cm vào năm 2050, thì khoảng 45% diện tích ĐBSCL có nguy cơ nhiễm mặn cao, năng suất lúa có khả năng giảm 9%. Nếu năm 2100, khi nước biển dâng lên 1m, thì vùng ngập triều thường xuyên sẽ chiếm khoảng 30% diện tích ĐBSCL, xâm nhập mặn sẽ lên tới hơn 70% diện tích. Hay nói khác hơn, sự phát triển của ĐBSCL hiện tại và tương lai đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi nguy cơ biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Nhiều tập đoàn kinh tế lớn đã quyết định đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng vào ĐBSCL, sau khi có Nghị quyết số 120/NQ-CP. Ảnh: NG

Theo thống kê của cơ quan chuyên môn, những năm gần đây, biến đổi khí hậu đã làm xuất hiện tại ĐBSCL các hiện tượng thời tiết bất thường, như lũ lụt trên diện rộng và kéo dài; xâm nhập mặn, hạn hán, dịch bệnh… liên tục xảy ra với cường độ ngày càng tăng, phá hoại trực tiếp hoa màu, cơ cấu mùa vụ, kết cấu hạ tầng, đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe, đời sống nhân dân và gây ra những tổn thất về vật chất rất nặng nề, làm tổn thương đến tính bền vững của ngành nông nghiệp nơi đây. Các nhà khoa học Hà Lan thì cảnh báo việc chỉ 25 năm qua, khu vực trung tâm của tỉnh Long An bị lún trên 50cm, Sóc Trăng lún 35cm, Bạc Liêu và Cà Mau đều bị lún hơn 30cm. Nguyên nhân là sự gia tăng các đập thủy điện trên sông Mekong làm nguồn vật chất không còn bổ sung cho phía hạ nguồn, cũng như việc khai thác nước ngầm quá mức ở ĐBSCL.

Những vấn đề này cùng điều kiện kết cấu hạ tầng còn yếu kém, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu, đầu ra cho sản phẩm hàng hóa không ổn định, môi trường bị ô nhiễm, cũng như hiện tượng khiếu nại, tố cáo về đất đai chưa được giải quyết dứt điểm,… đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân ĐBSCL, tác động đến sự phát triển bền vững của cả khu vực phía Nam và cả nước.

Quyết sách mới vì tương lai

Nhận thức tầm quan trọng của ĐBSCL, vượt qua sự khác biệt về tư duy phát triển của nhiệm kỳ cũ, ngay sau khi chủ trì một hội nghị tại TP Cần Thơ về phát triển bền vững, ngày 17/11/2017, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Nghị quyết số 120/NQ-CP với chương trình hành động cụ thể, đã cụ thể hóa chiến lược phát triển bền vững vùng nông nghiệp lớn nhất nước theo chủ trương của Đảng, sự quan tâm của Quốc hội, sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế.

Trả lời báo chí về điều này, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà khẳng định: Nghị quyết số 120/NQ-CP thực sự là quyết sách lớn, mang tầm thời đại của Đảng và Nhà nước trong phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Nhờ đó, ĐBSCL đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, với mức tăng trưởng cao nhất trong 4 năm trở lại đây, kim ngạch xuất khẩu lần đầu tiên đạt 15,7 tỷ USD, diện mạo nông thôn được khởi sắc, có nhiều đổi mới. Đã hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, chuyên canh nông sản chủ lực như tôm, cá tra, lúa gạo, trái cây, gắn với công nghệ chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị nông sản. Công nghiệp đi vào tập trung phát triển công nghiệp xanh, ít phát thải, chú ý khai thác tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo, trước hết là năng lượng gió và năng lượng mặt trời… Trong lĩnh vực giao thông, Chính phủ đã quan tâm đầu tư để hoàn thành kết nối thông tuyến vào năm 2020…

Nhiều công trình, dự án thủy lợi, các dự án hạ tầng thủy sản, cảng cá, khu neo đậu đã được triển khai thực hiện phục vụ phát triển ĐBSCL… An sinh xã hội được quan tâm, việc làm được cải thiện, sinh kế của người dân từng bước được chuyển đổi theo hướng bền vững. Công tác bảo tồn, tôn tạo và phát triển bản sắc văn hóa; các công trình văn hóa, di tích lịch sử cách mạng được chú trọng.

Dự án điện gió tại tỉnh Bạc Liêu, có vốn đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng, là điểm sáng về chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu. Ảnh: NG

Nhiều địa phương vùng ĐBSCL cũng đã chủ động triển khai một số mô hình kinh tế phù hợp với tự nhiên, ứng dụng công nghệ cao, nâng cấp đê biển kết hợp xây dựng hệ thống ngăn mặn; xây dựng bổ sung các cụm, tuyến dân cư, đắp bờ bao khu dân cư có sẵn vùng ngập lũ để đảm bảo người dân được sống an toàn, ổn định, hệ thống cấp nước đủ công suất, đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt và sản xuất cho các tỉnh, thành phía Tây Nam sông Hậu đến năm 2025 và 2030, đảm bảo an ninh về cấp nước, an sinh xã hội và bảo vệ môi trường; tăng cường quản lý chất thải rắn và đầu tư xây dựng cơ sở xử lý chất thải rắn, đầu tư các hệ thống thu gom, xử lý nước thải phù hợp.

Điều quan trọng, TP Hồ Chí Minh đã đóng vai trò là đầu ra cho lượng hàng hóa của ĐBSCL, cũng như các doanh nghiệp đã tái đầu tư hơn 250.000 tỷ đồng cho sự phát triển của khu vực này. Đây cũng là xu thế chung được Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh nhiều lần khẳng định, là tiếp tục giữ vững vị trí đầu tàu, dẫn dắt sự phát triển khu vực phía Nam, tiếp tục là động lực vì những mục tiêu chiến lược của cả nước, trong đó có ĐBSCL. Trong ngày 18/6/2019, tại TP Hồ Chí Minh, với sự tham gia của nhiều cơ quan chức năng, các tổ chức quốc tế, các nhà khoa học, Thủ tướng Chính phủ sẽ chủ trì hội nghị đánh giá hiệu quả sau 2 năm thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP.

Thay mặt đơn vị được giao tổ chức hội nghị này, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng tư duy chờ hướng dẫn và hỗ trợ của một số địa phương đang là lực cản lớn nhất cho sự phát triển của ĐBSCL. Nội lực để vùng đất này cất cánh chưa được đề cao, chưa huy động được sự tham gia chủ động của doanh nghiệp, người dân, chưa rõ về cơ chế khuyến khích, thu hút đầu tư vào các lĩnh vực có tính chất phát triển bền vững. Trong khi đó tốc độ biến đổi khí hậu đang diễn ra nhanh hơn, nguy cơ ô nhiễm môi trường vẫn chưa được giải quyết tốt.

Tất cả các bất cập, tồn tại này sẽ được phân tích trong hội nghị ngày 18/6/2019, với nhiều phiên thảo luận của các tiểu ban. Mục tiêu chung là ĐBSCL sẽ nhận được sự quan tâm chỉ đạo hơn nữa của lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự tham gia tích cực của các bộ, ngành, các đối tác phát triển, các nhà tài trợ quốc tế, hỗ trợ về chuyên gia, kinh nghiệm, tri thức, công nghệ, quản trị và nguồn lực; người dân và cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục vươn lên mạnh mẽ để xây dựng và phát triển ĐBSCL bền vững, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu cho sự thịnh vượng của cả vùng, cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Ngọc Giang

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/kinh-te/thi-truong/quyet-sach-moi-cho-su-ben-vung-cua-dong-bang-song-cuu-long_t114c1067n150080