Quyết mua máy bay khi... hết tiền

Theo báo cáo của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước, nếu như đầu năm 2020 Vietnam Airlines có lượng tiền dự trữ khoảng 3.500 tỷ đồng, thì đến thời điểm này đã cạn kiệt do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Song, thay vì tùng tiệm chi tiêu để tích lũy, đơn vị này lại 'quyết' mua 50 tàu bay với tổng chi phí dự kiến lên tới 3,7 tỷ USD (tương đương gần 86.000 tỷ đồng).

Sau dịch Covid-19, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng Vietnam Airlines lại ngay lập tức đề xuất được mua thêm 50 máy bay. Ảnh:TL.

Sau dịch Covid-19, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng Vietnam Airlines lại ngay lập tức đề xuất được mua thêm 50 máy bay. Ảnh:TL.

Bộ Giao thông vận tải nói cần đầu tư

Theo dự kiến của Vietnam Airlines, đến năm 2025 doanh nghiệp này cần khoảng 135 - 149 tàu bay, trong đó tàu bay thân rộng là 34 - 37 chiếc, tàu bay thân hẹp cần 95 - 120 chiếc, đội tàu bay phản lực khu vực là 6 - 20 chiếc. Vietnam Airlines đánh giá đội tàu bay thân hẹp hoạt động trong mạng bay nội địa và các đường bay quốc tế có thời gian bay dưới 5 tiếng là chủ lực, bởi nó mang lại hiệu quả lớn nhất cho hãng. Do đó, Hãng Hàng không quốc gia đề xuất xin mua thêm 50 máy bay thân hẹp.

Theo đó, Vietnam Airlines đã nộp hồ sơ xin phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đầu tư máy bay lên Sở KH-ĐT Hà Nội để cơ quan này gửi công văn tới các cơ quan chức năng lấy ý kiến thẩm định. Đây là lần đầu tiên, Sở KH-ĐT Hà Nội thực hiện vai trò chủ trì xin ý kiến đối với chủ trương dự án mua sắm tàu bay quy mô lớn của một hãng hàng không. Phản hồi Sở KH-ĐT Hà Nội, Bộ Giao thông vận tải khẳng định: Dự án sẽ không gây áp lực lớn, đột ngột lên hệ thống hạ tầng cảng hàng không.

“Dự án của Vietnam Airlines phù hợp với quy hoạch cũng như quyết định của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời phù hợp với nhu cầu phát triển thị trường” - Bộ GTVT đánh giá.

Ngay sau đó Bộ GTVT lại cho rằng dự án của Vietnam Airlines chưa nêu chi tiết kế hoạch phát triển mạng đường bay theo từng năm nên chưa đủ cơ sở đánh giá sự phù hợp với nhu cầu thị trường, với hạ tầng hàng không và với mạng lưới đường bay. Và theo đó, Bộ GTVT yêu cầu Vietnam Airlines xây dựng kế hoạch khai thác các đường bay phù hợp với hiện trạng kết cấu hạ tầng hàng không, lưu ý đến kế hoạch mở rộng, xây mới các cảng hàng không như Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Cam Ranh, Long Thành... Bên cạnh đó, hãng cần bổ sung kế hoạch tuyển dụng, đào tạo nguồn nhân lực đảm bảo khai thác đội tàu bay đến năm 2025.

Bộ Kế hoạch – Đầu tư nói cần xem lại

Trong văn bản mới nhất gửi UBND TP Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư Trần Quốc Phương đề nghị Vietnam Airlines đánh giá lại sự cần thiết đầu tư dự án trong tình hình ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Bởi, trước đó trong báo cáo của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước gửi Thủ tướng, Vietnam Airlines là doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19. Cụ thể, quý I/2020, doanh thu hợp nhất ước đạt 19.212 tỷ đồng, giảm 26% so với cùng kỳ năm 2019; lỗ 2.383 tỷ đồng. Nếu dịch kéo dài và kết thúc trong quý IV/2020, tổng doanh thu ước đạt 38.140 tỷ đồng, giảm 34% so với kết hoạch, lỗ 19.651 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu tới cuối năm 2019 là 18.608 tỷ đồng. Với con số ước lỗ năm 2020, hãng hàng không quốc gia thậm chí âm vốn chủ sở hữu tới hơn 1.000 tỷ đồng.

Cũng theo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước, đầu năm 2020, Vietnam Airlines có lượng tiền dự trữ khoảng 3.500 tỷ đồng nhưng đến nay đã cạn. Doanh nghiệp đang phải gia tăng vay ngắn hạn để đáp ứng nhu cầu thanh toán. Tuy nhiên, dư nợ vay ngắn hạn tính đến ngày 20/3 đã lên tới 3.568 tỷ đồng, trong khi nhiều khoản đến hạn thanh toán đang bị tạm dừng. Dòng tiền dự kiến sẽ thiếu hụt lũy kế xấp xỉ 15.000 tỷ đồng trong năm 2020. Bên cạnh đó, nguy cơ các ngân hàng sẽ không tiếp tục cho doanh nghiệp và các công ty con vay, ngoài số vay ngắn hạn đến cuối năm 2020 là 3.517 tỷ đồng.

Theo ông Dương Trí Thành - Tổng Giám đốc Vietnam Airlines, quy mô như Vietnam Airlines với khoảng hơn 100 máy bay và ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, dự tính nếu có “làm ăn tốt” cũng cần tối thiểu 5 năm nữa mới bù được khoản lỗ đã phát sinh. Về đề xuất được mua thêm 50 máy bay, ông Thành lý giải: Trong lúc đại dịch Covid-19 đang diễn ra thì việc mua thêm máy bay chính là cơ hội lớn, bởi hiện tại hầu hết hãng trên thế giới đang hủy đơn hàng. Với cơ hội này Vietnam Airline mong muốn mua thêm tàu bay để đón đầu sự phục hồi của nền kinh tế sau dịch.

Cùng với đề xuất mua máy bay, doanh nghiệp này cũng tiếp tục đề xuất xây dựng nhà ga, sửa chữa, bảo dưỡng máy bay ở Nội Bài. Ông Thành mong muốn có “đặc cách” và xem xét phê duyệt khởi công sớm. Với những con số thiệt hại cũng như ước tính cần tối thiểu 5 năm nữa mới bù được khoản lỗ đã phát sinh sau Covid -19, kế hoạch chi 3,7 tỷ USD mua thêm 50 tàu bay thân hẹp của Vietnam Airlines vào thời điểm này cần phải được cân nhắc kỹ.

Cuối tháng 8/2019, Sở Kế hoạch – Đầu tư Hà Nội đã gửi công văn tới các cơ quan liên quan lấy ý kiến thẩm định hồ sơ chủ trương đầu tư dự án 50 tàu bay thân hẹp giai đoạn 2021-2025 của Vietnam Airlines. Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2019 của Vietnam Airlines, lãnh đạo doanh nghiệp đã trình bày chủ trương đầu tư mua 50 tàu bay thân hẹp và 10 động cơ dự phòng giai đoạn 2021 - 2025. Mức đầu tư dự kiến gần 3,8 tỷ USD. Dự kiến, số tiền trên lấy từ vốn chủ sở hữu gần 500 triệu USD, nguồn chi phí sản xuất kinh doanh hàng năm gần 2 tỷ USD, còn lại gần 1,4 tỷ USD phải đi huy động.

Hạnh Nhân

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tai-chinh/quyet-mua-may-bay-khi-het-tien-tintuc467843