'Quyết loại bỏ những cán bộ hư hỏng, tham nhũng khỏi bộ máy'

Chiều nay (5-9), phiên họp toàn thể của Ủy ban Tư pháp nghe và thẩm tra báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018 của Chính phủ.

Trình bày báo cáo của Chính phủ, Phó Tổng Thanh tra Trần Ngọc Liêm cho hay số người đã kê khai, công khai tài sản, thu nhập đạt tỉ lệ 99,8%. Trong số 44 người được xác minh tài sản, thu nhập, phát hiện sáu trường hợp vi phạm (năm 2016 phát hiện năm trường hợp vi phạm). Theo đó, đã xử lý kỷ luật bốn trường hợp, kiểm điểm một trường hợp tại TP.HCM, đang xem xét xử lý kỷ luật một trường hợp tại TP Hà Nội.

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm đang báo cáo tại phiên họp.

Cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương quán triệt và thực hiện chủ trương nghiêm cấm tặng quà cho cấp trên. Năm 2018 đã có 24 trường hợp nộp lại quà tặng với tổng giá trị là 421 triệu đồng.

Cũng trong năm 2018, có 29 người đứng đầu đã bị xử lý hoặc đang được xem xét để xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng. Theo đó, đứng đầu là tỉnh Điện Biên với năm người, Quảng Trị bốn người; các tỉnh Cần Thơ, Kiên Giang, Hà Tĩnh, Gia Lai, Đồng Tháp... mỗi tỉnh hai người; các tỉnh Vĩnh Phúc, Tiền Giang, Thái Nguyên, Tây Ninh, Quảng Ngãi, Bình Thuận, Cà Mau mỗi tỉnh một người.

Trong đó, năm người bị xử lý hình sự, 21 người đã bị xử lý kỷ luật, ba người đang thực hiện quy trình xử lý kỷ luật.

Đánh giá của Chính phủ cho thấy công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2018 đạt được nhiều kết quả toàn diện, rõ rệt, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội. Theo đó, nhiều quy định được ban hành, gắn PCTN với công tác cán bộ, xử lý nghiêm sai phạm theo quy định về kỷ luật của Đảng, Nhà nước và xử lý hình sự; siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy nhà nước, kỷ luật nghiêm minh nhiều cán bộ, đảng viên.

Nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, dư luận quan tâm được phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh, đúng pháp luật, không có vùng cấm.

Tuy nhiên, công tác PCTN vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Điển hình là việc chưa tạo được sự chuyển biến căn bản về nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên, công chức và người dân về PCTN. Một số quy định về quản lý kinh tế-xã hội còn sơ hở, chồng chéo, dễ bị lợi dụng, dễ làm nảy sinh tham nhũng nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung.

Đặc biệt, công tác tổ chức, cán bộ và quản lý cán bộ để PCTN vẫn còn hạn chế. Một số bộ, ngành, địa phương còn có tình trạng bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo quản lý còn nhiều trường hợp thiếu điều kiện, tiêu chuẩn, phẩm chất, năng lực; bố trí người thân vào vị trí việc làm hoặc để người thân kinh doanh trong phạm vi quản lý, vi phạm quy định pháp luật về PCTN. Chưa có quy định và thiếu kiên quyết điều chuyển, thay thế cán bộ khi có dư luận hoặc có biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, uy tín thấp.

Cùng với đó, việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, chuyển đổi vị trí công tác, kiểm soát tài sản, thu nhập, tặng quà, nhận quà còn nhiều hạn chế, vướng mắc.

Đáng lưu ý, vẫn còn xảy ra sai phạm, tham nhũng trong các cơ quan bảo vệ pháp luật.

Về phương hướng, nhiệm vụ PCTN năm 2019, Chính phủ yêu cầu đẩy mạnh cải cách hành chính; xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc; kiên quyết loại bỏ những cán bộ hư hỏng, tham nhũng ra khỏi bộ máy của Đảng và Nhà nước, trước hết là trong các cơ quan PCTN.

Đồng thời tập trung khắc phục bằng được những yếu kém trong công tác cán bộ. Kiểm tra công tác quy hoạch, luân chuyển, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ trong phạm vi cả nước; kiên quyết hủy bỏ, thu hồi các quyết định không đúng về công tác cán bộ, xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân sai phạm.

ĐỨC MINH

Nguồn PLO: http://plo.vn/thoi-su/quyet-loai-bo-nhung-can-bo-hu-hong-tham-nhung-khoi-bo-may-791061.html