Quyết liệt và hiệu quả hơn chống đường nhập lậu cuối năm

Dự báo cuối năm và dịp Tết Nguyên đán Canh Tý, buôn lậu đường sẽ diễn biến phức tạp, Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) đã báo cáo Tổ Điều hành thị trường trong nước kiến nghị các cơ quan chức năng quyết liệt và hiệu quả hơn trong công tác chống buôn bán, kinh doanh đường nhập lậu.

Theo tổng hợp của VSSA, trong tháng 11/2019, giá đường kính trắng bán buôn (đã có VAT) trên thị trường nội địa Việt Nam dao động quanh mức từ 12.500 -13.000 đồng/kg; đường tinh luyện dao động từ 13.000 - 13.800 đồng/kg. Ông Nguyễn Văn Lộc - quyền Tổng Thư ký VSSA phản ánh, cùng thời điểm, giá đường trắng nhập lậu có nguồn gốc từ Thái Lan bán trên thị trường TP. Hồ Chí Minh chỉ dao động ở mức từ 11.600 - 12.400 đồng/kg; tại Hà Nội chỉ từ 11.600 - 11.900 đồng/kg; đặc biệt, tại các khu vực trọng điểm có đường nhập lậu tập kết như khu vực biên giới phía Tây Nam, Đồng Hới, Lao Bảo… giá bán đường nguồn gốc nhập lậu còn thấp hơn mức vừa nêu trên.

Xét tổng quan thị trường đường thì nguồn cung không thiếu, giá cả cũng tương đối ổn định. Giá đường trong tháng 11/2019 có tăng chút ít so với những tháng trước có lợi cho các nhà máy đường và người nông dân trồng mía. Nguyên nhân là do có sự tăng cường triển khai các đợt kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về các hành vi buôn bán, kinh doanh đường nhập lậu từ phía các cơ quan chức năng.

Sản xuất đường trong nước. Ảnh minh họa

Sản xuất đường trong nước. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, thời điểm hiện tại và dự báo những ngày cuối năm, dịp trước Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, do nhu cầu đường phục vụ sản xuất và tiêu dùng trong nước tăng, nguồn đường nhập lậu lại đang có dấu hiệu tuồn vào Việt Nam theo hướng gia tăng, diễn biến phức tạp. Tác động này đã khiến cho giá đường trong nước lại đang có xu hướng diễn biến gây bất lợi cho các doanh nghiệp đường và người nông dân trồng mía.

VSSA khẳng định, giá đường tại thị trường Việt Nam lâu nay vẫn bị thao túng lên - xuống, phụ thuộc vào sự chi phối giá cả từ nguồn đường nhập lậu. Trong khi giới buôn lậu lại thường nắm rất chắc các thông tin triển khai kiểm tra, xử lý vi phạm về kinh doanh, buôn bán đường nhập lậu từ phía các cơ quan chức năng từ trung ương đến địa phương, nên họ đối phó rất dễ dàng.

Trong khi đó, lượng đường tồn kho từ niên vụ 2018-2019 còn lại đã giảm xuống thấp. Tuy nhiên, cùng với nguồn cung đường từ nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan đã được Bộ Công Thương tổ chức đấu giá ngày 26/11/2019, niên vụ sản xuất mới 2019-2020 cũng đã bắt đầu, một số nhà máy đường đã đi vào sản xuất và sẽ cung ứng đường ra thị trường trong tháng 12/2019. Vì vậy, nguồn cung đường cho thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 sẽ không thiếu.

Để đảm bảo không mất cân đối cung - cầu đường dịp cao điểm cuối năm, giữ ổn định thị trường đường về giá cả trong niên vụ 2019-2020, VSSA đã có văn bản báo cáo “Tổ Điều hành thị trường trong nước” kiến nghị các cơ quan chức năng đẩy mạnh, quyết liệt và hiệu quả hơn trong công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại mặt hàng đường để hỗ trợ ngành xản xuất mía đường trong nước tồn tại, cạnh tranh trong bối cảnh hàng rào hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường từ các nước ASEAN sẽ được bãi bỏ theo cam kết tại Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) từ ngày 1/1/2020.

Ngọc Quỳnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/quyet-liet-va-hieu-qua-hon-chong-duong-nhap-lau-cuoi-nam-129004.html