Quyết liệt trong công tác phòng, chống tham nhũng

Bên cạnh phát hiện kiến nghị thu hồi hàng chục tỷ đồng, kiến nghị xử lý kiểm điểm trách nhiệm hàng chục tập thể, cá nhân thì liên quan tới tham nhũng đã có 5 vụ án, 9 bị can được cơ quan chức năng đưa ra xét xử tại Quảng Ninh.

Lĩnh vực xây dựng cơ bản được Quảng Ninh siết chặt quản lý trong thời gian qua. Ảnh: O.H

Địa phương vùng Đông Bắc còn thể hiện quyết tâm đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng (PCTN) khi đưa ra 8 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới, trong đó có kế hoạch thực hiện Chiến lược Quốc gia PCTN.

Khởi tố 5 vụ, 9 bị can liên quan đến tham nhũng

Theo thống kê của Thanh tra tỉnh Quảng Ninh, trong năm qua, Quảng Ninh đã triển khai 134 cuộc thanh tra và 3 cuộc kiểm tra về lĩnh vực xây dựng cơ bản; quản lý và sử dụng tài chính, ngân sách; quản lý, sử dụng đất đai và giải phóng mặt bằng... Kết quả đã ban hành kết luận 106 cuộc thanh tra và 3 báo cáo kết quả kiểm tra; đang hoàn thiện kết luận các cuộc thanh tra còn lại. Qua kết luận đã kiến nghị thu hồi ngân sách Nhà nước 30.003,51 triệu đồng, kiến nghị khác 10.706,41 triệu đồng và kiến nghị kiểm điểm và xử lý trách nhiệm theo quy định đối với 54 tập thể và 26 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra 1 vụ.

Đáng chú ý, Cơ quan Điều tra đã khởi tố điều tra, xử lý 5 vụ, 9 bị can liên quan đến tham nhũng. Cụ thể, vụ Dương Vũ Quang, Trưởng phòng Tư pháp thị xã Quảng Yên nhận hối lộ 2.400 USD của 3 người dân để thẩm định, xét duyệt nhanh hồ sơ đăng ký kết hôn với người Hàn Quốc; vụ Vũ Việt Dũng, nhân viên Ngân hàng tại huyện Cô Tô tham ô tài sản với số tiền gần 9 tỷ đồng; Vụ Trần Hùng Cường, Trưởng ban Công tác mặt trận cơ sở thôn Thìn Thủ, xã Quảng An, huyện Đầm Hà về hành vi “nhận hối lộ” và Đinh Khắc Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Yến Tùng Nam về hành vi “đưa hối lộ”; vụ Đào Văn Nhuần, Trịnh Thị Nga, Lê Thị Thúy Bích phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Hải Hà về hành vi "tham ô tài sản"; vụ Phạm Văn Hải, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đồng Rui, Nguyễn Văn Đề, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Lạng, huyện Tiên Yên về “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” gây thiệt hại hơn 2,5 tỷ đồng (thu hồi 62 triệu đồng).

Cùng với việc triển khai các giải pháp về PCTN, Thanh tra tỉnh Quảng Ninh cũng thực hiện thanh tra trách nhiệm đối với việc thực hiện pháp luật về công tác này. Kết quả 29 cuộc thanh tra trách nhiệm tại 54 đơn vị, đã có 28 kết luận được ban hành, qua đó đã kiến nghị các đơn vị khắc phục một số tồn tại trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và công tác PCTN.

Xác định 8 trọng tâm PCTN

Theo đánh giá của Thanh tra tỉnh Quảng Ninh, tình hình tham nhũng có những bước tiến triển tích cực, hầu hết các cấp ủy, thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị đã chủ động hơn trong kiểm tra, thanh tra phát hiện xử lý kịp thời các hành vi tham nhũng; các ngành tư pháp đã tích cực điều tra, truy tố và đưa ra xét xử nghiêm các vụ án tham nhũng.

Tuy nhiên, tình hình tham nhũng vẫn còn diễn biến phức tạp; hành vi tham nhũng tinh vi hơn có thể xảy ra trên nhiều lĩnh vực, nhiều ngành, nhiều cấp, đặc biệt là về lĩnh vực: Đầu tư xây dựng, quản lý đất đai, thương mại, tài chính...

Do vậy, tỉnh Quảng Ninh xác định rõ 8 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về công tác PCTN trong thời gian tới. Cụ thể, phải cụ thể hóa các chỉ thị, kế hoạch về PCTN đặc biệt là Kế hoạch 2642/KH-UBND ngày 20/4/2017 của UBND tỉnh thực hiện giai đoạn 2017 - 2020 về Chiến lược quốc gia PCTN của tỉnh Quảng Ninh nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của thủ trưởng các cấp, ngành và địa phương về công tác PCTN, tạo sự thống nhất, tự giác và quyết tâm cao trong hành động. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN, gắn với việc giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Một trọng tâm quan trọng khác đó là tăng cường sự minh bạch; đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính; tăng cường trách nhiệm giải trình của cơ quan Nhà nước trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo Nghị định 90/2013/NĐ-CP của Chính phủ...

Bám sát thực hiện chuyên đề “Nâng cao chất lượng công tác kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản theo tinh thần Chỉ thị số 33-CT/TW của Bộ Chính trị”. Song song đó, cần thường xuyên tự kiểm tra, giám sát những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, lãng phí như đầu tư xây dựng, đất đai, tổ chức cán bộ, y tế, giáo dục, mua sắm tài sản công và có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn hành vi tiêu cực, sách nhiễu, gây khó khăn cho các tổ chức, cá nhân. Thực hiện hiệu quả việc phát hiện, xử lý tham nhũng, nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng.

Theo Thanh tra tỉnh Quảng Ninh, muốn đẩy mạnh hiệu quả công tác PCTN cũng cần tăng cường phát hiện tham nhũng qua hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng để xử lý các hành vi tham nhũng, tập trung vào các lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao, chú trọng xử lý trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng. Qua đó động viên, khen thưởng, bảo vệ người tố cáo và tố giác hành vi tham nhũng.

Hữu Oanh

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/tin-tuc-chong-tham-nhung/trong-nuoc/quyet-liet-trong-cong-tac-phong-chong-tham-nhung_t238c1080n127391