Quyết liệt triển khai tưới tiết kiệm để 'né' hạn

Hiện lượng nước dự trữ trong các hồ chứa ở Bình Định đang ở mức rất thấp, trong khi theo dự báo thì lượng mưa trong năm 2020 sẽ thiếu hụt từ 30 - 60%, cầm chắc nước sẽ thiếu hụt nghiêm trọng.

Tưới tiết kiệm sẽ giảm được từ 30 - 50% lượng nước tưới.

Do đó, ngay từ vụ đông xuân 2019 - 2020, Bình Định đã quyết liệt triển khai các giải pháp tưới tiết kiệm để hạn chế nạn thiếu nước tưới cho vụ hè thu và vụ mùa trong năm 2020.

Nguy cơ thiếu nước tràn lan

Căn cứ lượng nước đang chứa trong các hồ lớn hiện tại, ngành nông nghiệp Bình Định xác định khu vực tưới của hồ Núi Một (TX An Nhơn) và hồ Hội Sơn (huyện Phù Cát) sẽ bị thiếu nước nghiêm trọng trong vụ hè thu 2020. Theo ông Nguyễn Văn Phú, Chủ tịch Cty TNHH Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) Bình Định, hiện lượng nước chứa trong hồ Núi Một chỉ mới đạt 56/110 triệu m3 và hồ Hội Sơn mới chỉ chứa được 27,8/44,5 triệu m3.

Trong khi đó, trong mỗi vụ, hồ Núi Một có trách nhiệm cung cấp nước cho 2.800ha lúa ở các xã phía Tây Nam TX An Nhơn, như Nhơn Tân, Nhơn Thọ, Nhơn Lộc, Nhơn Hòa và xã Bình Nghi của huyện Tây Sơn. Căn cứ lượng nước chứa hiện tại, trong vụ hè thu 2020, hồ này sẽ không cung ứng nổi nước tưới cho toàn vùng với 2.800ha, mà sẽ có 800ha phải bỏ hoang không thể sản xuất.

Việc thiếu nước tưới sẽ còn thê thảm hơn đối với vùng tưới của hồ Hội Sơn. Nếu lượng nước trong hồ đủ, hồ Hội Sơn có thể cung ứng nước tưới cho 3.200ha lúa/vụ ở các xã Cát Sơn, Cát Tài, Cát Minh, thị trấn Ngô Mây của huyện Phù Cát và các xã Mỹ Hiệp, Mỹ Chánh, Mỹ Cát, Mỹ Tài của huyện Phù Mỹ.

Áp lực về cung ứng nước tưới của hồ Hội Sơn càng nặng nề hơn vì người dân ở các địa phương nói trên chưa chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, vẫn còn SX 3 vụ lúa/năm, nên hồ Hội Sơn phải cung ứng nước tưới cho gần 8.200ha/năm.

“Để giảm áp lực tưới cho hồ Hội Sơn, trong vụ đông xuân 2019 - 2020, đối với 1.600ha trong khu tưới đập Cây Ké, chúng tôi sẽ cố gắng đưa nước từ đập dâng Văn Phong tiếp nước từ hồ Định Bình về tưới, nước trong hồ Hội Sơn để dành cho khu tưới của đập Cây Gai. Với cách cân đối này, vùng tưới hồ Hội Sơn sẽ được bảo đảm cho cả vụ đông xuân và vụ hè thu 2020, nếu trười không mưa vụ mùa sẽ bị thiếu nước”, ông Phú, cho biết.

Cần tiết kiệm từ 30 - 50% lượng nước

Trước tình hình trên, ngay trong vụ đông xuân 2019 - 2020, Cty TNHH KTCTTL Bình Định, đã quyết liệt triển khai các giải pháp tưới tiết kiệm để đảm bảo nước tưới cho vụ hè thu và vụ mùa trong năm 2020.

Theo ông Phú, có 2 kỹ thuật tưới tiết kiệm hiện đang được công ty áp dụng. Một là tưới ướt - khô xen kẽ. Đây là biện pháp cho hiệu quả rất cao, giảm được từ 25 - 50% số lần tưới và giảm tỷ lệ lúa đổ ngã. Hai là kỹ thuật tưới nông - lộ - phơi. Kỹ thuật tưới này cũng có thể tiết kiệm được từ 30 - 50% lượng nước cần tưới.

Đội ngũ thủy nông viên đóng vai trò quan trọng trong thực hiện các giải pháp tưới tiết kiệm

Cũng theo ông Phú, để thực hiện tốt các kỹ thuật tưới tiết kiệm, điều cần nhất là các địa phương phải kiện toàn đội ngũ thủy nông viên; chủ ruộng và đội ngũ thủy nông viên phải gắn bó với đơn vị cung cấp nước, tổ chức nạo vét kênh mương nội đồng, thực hiện nghiêm lịch tưới luân phiên, tiết kiệm mà công ty đề ra.

Ông Phú nêu 1 bất cập, ví như ở xã Nhơn Tân (TX An Nhơn), do ỉ lại nằm đầu nguồn hồ Núi Một nên xã này không có đội ngũ thủy nông viên, nông dân tự do lấy nước vào ruộng. Mà khi nông dân tự lấy nước thì lấy thoải mái, lượng nước hao hụt làm ảnh hưởng đến những cánh đồng ở xã Nhơn Lộc, Nhơn Thọ.

Trước tình hình trên, UBND tỉnh Bình Định đã chỉ đạo Sở NN-PTNT thường xuyên cập nhật tình hình, diễn biến của thời tiết để điều chỉnh kế hoạch sản xuất cho phù hợp. Chủ trì, phối hợp với các địa phương, các hội đoàn thể tổ chức tuyên truyền, vận động nông dân triển khai sản xuất trong điều kiện thiếu nước tưới; áp dụng các biện pháp tưới tiết kiệm, quản lý tốt nguồn nước, tận dụng nguồn nước sông, suối để tưới, tiết kiệm hết mức có thể nước trong các hồ chứa để dành tưới cho các vụ sau.

“Vụ thu năm 2020, chúng tôi sẽ chuyển sang làm hết vụ hè. Bởi, sau khi thu hoạch vụ đông xuân 2019 - 2020, nếu làm vụ thu thì ruộng sẽ bỏ trống đến 1 tháng sau mới xuống giống.

Trong 1 tháng bị bỏ giá mặt ruộng sẽ khô khốc, khi lấy nước làm đất sẽ hao nước rất nhiều. Do vậy, vừa thu hoạch vụ đông xuân sẽ triển khai ngay sản xuất vụ hè. Lúc này nhiều vùng vẫn còn nước từ vụ đông xuân đọng lại, hoặc mặt ruộng còn ẩm, sẽ tốn ít nước khi làm đất.

Theo tính toán, nếu làm vụ thu sẽ tốn gấp 3 lượng nước so với triển khai sản xuất ngay vụ hè. Kế hoạch này vừa tiết kiệm được nước vừa vẫn đảm bảo sản xuất 2 vụ lúa/năm”, ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định.

Dương Lam

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/quyet-liet-trien-khai-tuoi-tiet-kiem-de-ne-han-post255485.html