Quyết liệt thúc tiến độ các dự án trọng điểm

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần quyết liệt đôn đốc giải quyết công việc, bảo đảm mục tiêu hoàn thành 3.000 km đường cao tốc đến năm 2025, 5.000 km đến năm 2030

Ngày 17-9, Ban Chỉ đạo nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải (GTVT) đã họp phiên 2. Phiên họp trực tuyến do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì tại đầu cầu Hà Nội.

Yếu kém thì thay người

Phát biểu mở đầu cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh giao thông là 1 trong 3 đột phá chiến lược để phát triển kinh tế cả nước. Tuy nhiên, đó cũng là điểm nghẽn lớn nhất của nước ta. Các bộ, ngành phối hợp chặt chẽ, kịp thời tháo gỡ các vướng mắc cho địa phương. Riêng địa phương phải đặt mốc thời gian cho từng dự án, quyết tâm thực hiện đúng tiến độ, bộ phận nào yếu kém thì thay người.

Thủ tướng bày tỏ rất sốt ruột, bức xúc về việc ách tắc giao thông ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM, dù nhiều dự án có chủ trương, nguồn vốn nhưng khâu tổ chức còn yếu kém. Do đó, các bộ, ngành, địa phương cần quyết liệt đôn đốc giải quyết công việc, bảo đảm mục tiêu hoàn thành 3.000 km đường cao tốc đến năm 2025, 5.000 km đến năm 2030 như mục tiêu Đại hội Đảng đề ra. "Phiên họp tập trung thảo luận đánh giá báo cáo của Bộ GTVT, xem xét các vướng mắc của từng địa phương, từ đó đề ra các phương án tháo gỡ... Có khó khăn gì cần trao đổi lại, vướng mắc ở đâu, trách nhiệm của ai, đã phân cấp rồi là phải làm, nếu không làm được thì thay người khác làm" - Thủ tướng nhấn mạnh.

Báo cáo chung tình hình các dự án, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết cả nước đang triển khai nhiều dự án trọng điểm như: đường Vành đai 3 TP HCM, đường Vành đai 4 TP Hà Nội, đường bộ cao tốc Bắc - Nam, cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; các tuyến đường sắt đô thị; Cảng Hàng không quốc tế Long Thành... Một số dự án đang chậm tiến độ như Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, các tuyến đường sắt như Metro 1, Metro 2 TP HCM...

Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại cuộc họp với Thủ tướng Chính phủ vào chiều 17-9

Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại cuộc họp với Thủ tướng Chính phủ vào chiều 17-9

Không khởi công dự án rồi để đó

Báo cáo các dự án trọng điểm trên địa bàn TP HCM, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho biết dự án Vành đai 3 cơ bản đáp ứng tiến độ như yêu cầu của Chính phủ. Cụ thể, tháng 9-2022 hoàn tất giao ranh mốc, tháng 11-2022 hoàn thành thẩm định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án thành phần.

Riêng dự án tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), dự kiến tháng 12 này sẽ chạy thử một đoạn trên cao 10 km đi qua TP Thủ Đức để năm sau đưa vào khai thác thương mại. Riêng đoạn kéo dài từ Suối Tiên đến Đồng Nai và Bình Dương, TP HCM sẽ có báo cáo văn bản tính toán quy hoạch để kéo dài thêm. Tuyến Metro 2 (Bến Thành - Tham Lương) dự kiến tháng 12-2022 khởi công gói di dời hạ tầng kỹ thuật. Riêng đường cao tốc TP HCM - Mộc Bài, TP HCM đã trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư xin bố trí vốn, nếu bộ thẩm định, phê duyệt thì dự án sẽ khởi công năm 2023.

Ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, cho biết dự án giải phóng mặt bằng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, do UBND tỉnh Đồng Nai thực hiện, đến nay đã thu hồi được 4.703 ha/4.946 ha (đạt 95,08%). UBND tỉnh cam kết bảo đảm tiến độ bàn giao mặt bằng, không làm ảnh hưởng tiến độ thi công của dự án.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho biết từ nay đến cuối năm sẽ khởi công 12 dự án trọng điểm nhưng nhiều địa phương vẫn lúng túng về trình tự, thủ tục như cao tốc Bắc - Nam đầu tháng 12 này phải khởi công nhưng đến nay các địa phương chỉ dừng lại đo đạc, chưa thu hồi đất, chưa có phương án tái định cư nên đề nghị phải tăng tốc. "Ngoài ra, các nhà thầu, ban quản lý cần thay đổi phương thức quản lý. Tôi đi thực tế nhiều dự án, thấy khởi công xong để đó. Các địa phương phải lưu ý, nhà thầu không làm được thì đổi" - Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh.

Phát biểu chỉ đạo phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương TP HCM đẩy nhanh tiến độ Vành đai 3 và đề nghị các địa phương phải thực hiện các dự án trọng điểm trên tinh thần vì nhân dân phục vụ, phải thay đổi tư duy, cách làm; phải phát huy tinh thần của mỗi cơ quan, mỗi cán bộ, xác định trách nhiệm từng bộ phận, ai làm tốt khen thưởng, phê bình nếu chưa tốt. Khi thực hiện dự án, Thủ tướng đề nghị địa phương hỗ trợ nguyên vật liệu cho nhau, không chờ Thủ tướng chỉ đạo. Về bồi thường giải phóng mặt bằng, các đoàn thể chính trị phải vào cuộc để vận động, thuyết phục người dân có đất bị ảnh hưởng bởi dự án.

Thủ tướng cũng đề nghị công an vào cuộc kiểm tra các dự án trọng điểm xem có tình trạng bán thầu, chia nhỏ gói thầu để xảy ra tiêu cực, nếu có phải xử lý nghiêm.

Không lo thiếu vốn

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định nguồn vốn bố trí cho các dự án trọng điểm không thiếu. Từ nay đến cuối năm 2022, dự kiến giải ngân 5.000 tỉ đồng, thậm chí nếu các địa phương cần nhiều hơn, có thể giải ngân thêm 3.000-4.000 tỉ đồng bằng việc chuyển nguồn vốn từ các dự án khác qua dự án trọng điểm. Bộ GTVT đề nghị các tỉnh, thành mạnh dạn đề xuất nếu cần bổ sung nguồn vốn.

Bài và ảnh: THU HỒNG

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/quyet-liet-thuc-tien-do-cac-du-an-trong-diem-2022091721512352.htm