Quyết liệt thực hiện Đề án đầu tư xây dựng huyện Gia Lâm thành quận

Huy động mọi nguồn lực, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị huyện, phân công nhiệm vụ cụ thể đối với từng cơ quan, đơn vị theo hướng 'rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ' để tập trung quyết liệt thực hiện Đề án đầu tư xây dựng huyện Gia Lâm thành quận đến năm 2025, phấn đấu hoàn thành các tiêu chí chưa đạt, tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt, nỗ lực hoàn thành ở mức cao nhất các nhiệm vụ chính trị của huyện đã đề ra.

Đây là nội dung được nêu trong Thông báo số 196-TB/TU ngày 29-3-2021 của Văn phòng Thành ủy Hà Nội về “Kết luận của đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy tại buổi làm việc với Huyện ủy Gia Lâm”, diễn ra ngày 5-3.

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ, là đầu mối giao thông quan trọng với các tuyến đường huyết mạch, có tính kết nối vùng, huyện Gia Lâm cần tiếp tục phát huy tối đa các lợi thế, tiềm năng vốn có, đổi mới về tư duy, quyết tâm, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong việc xây dựng huyện theo định hướng đã đề ra.

Trong đó, huyện cần cơ cấu lại nền kinh tế, chọn ra khâu đột phá và thế mạnh để phát huy tối đa các lợi thế về vị trí, quy hoạch, giao thông nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng thương mại, dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, phát huy vai trò chủ lực của công nghiệp, xây dựng. Đồng thời, huyện cần triển khai đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh phát triển kinh tế bảo đảm tăng trưởng ổn định, bền vững; chú trọng khai thác các nguồn thu còn dư địa; triệt để tiết kiệm chi để dành nguồn lực cho đầu tư phát triển, phấn đấu tăng trưởng kinh tế đến năm 2025 đạt mức 11-12%, thu ngân sách vượt dự toán thành phố giao (tăng cường thu từ dịch vụ, thương mại, không phụ thuộc vào nguồn thu từ đất).

Đồng chí Vương Đình Huệ cũng chỉ đạo huyện tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, xây dựng đồng bộ, hiện đại hệ thống hạ tầng khung theo quy hoạch để tăng tính kết nối và giao thương, đáp ứng yêu cầu của một quận trong tương lai. Ngoài ra, huyện cần khai thác, phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế về du lịch, tập trung phát triển hạ tầng thương mại, dịch vụ, du lịch, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch gắn với bảo tồn và phát huy các di tích lịch sử (đền Gióng, đình Chử Xá, đền thờ Nguyên phi Ỷ Lan...).

Huyện Gia Lâm cũng chú trọng xây dựng thương hiệu các sản phẩm du lịch truyền thống của địa phương, trong đó, cần tập trung công tác quy hoạch và phát huy giá trị làng nghề Bát Tràng, làng nghề thuốc Nam, thuốc Bắc tại xã Ninh Hiệp...; đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến thương mại, phát triển các loại hình du lịch (du lịch sinh thái, du lịch làng nghề, du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh)...

Quốc Bình

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/chinh-tri/995197/quyet-liet-thuc-hien-de-an-dau-tu-xay-dung-huyen-gia-lam-thanh-quan