Quyết liệt thu hồi nợ đọng thuế

Trong 10 tháng đầu năm 2016, Cục Thuế TP Hà Nội đã công khai 10 đợt với 1.413 doanh nghiệp và dự án nợ tiền thuế, phí, tiền sử dụng đất với số nợ thuế tương ứng 2.400.660 triệu đồng. Kết quả, đã có 697 trong số 1.413 doanh nghiệp nộp số tiền thuế nợ là 385.041 triệu đồng vào ngân sách.

Theo Phó Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội Mai Sơn, công tác quản lý nợ luôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, góp phần hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước hằng năm trên địa bàn. Hai tháng còn lại của năm sẽ quyết liệt hơn trong việc thu hồi nợ đọng thuế, để góp phần hoàn thành nhiệm vụ thu. Ngày 11-11 vừa qua, Cục Thuế Hà Nội tiếp tục công khai danh sách 156 doanh nghiệp nợ thuế, phí và tiền thuê đất với tổng số tiền nợ hơn 150 tỷ đồng. Trong đó, có 143 doanh nghiệp nợ thuế, phí hơn 121,9 tỷ đồng và 13 đơn vị nợ tiền thuê đất hơn 28,3 tỷ đồng. Đứng đầu trong số các doanh nghiệp nợ thuế, phí lần này là Licogi 13 với số tiền lên tới hơn 21 tỷ đồng. Nhà máy may xuất khẩu Hà Phú, Công ty CP khoáng sản và đầu tư Vinashin và Công ty CP nguyên liệu Viglacera có số tiền nợ thuế lần lượt là 6,116 tỷ đồng, 5,883 tỷ đồng và 5,207 tỷ đồng. Đối với khoản thuế đất, nợ nhiều nhất là Công ty CP đóng tàu Hà Nội với 10,7 tỷ đồng, Công ty CP lâm sản Forprodex đứng tiếp theo với 6,121 tỷ đồng và kế đó là Công ty CP Viglacera Từ Liêm - Chi nhánh Viglacera Bình Minh với 4,651 tỷ đồng.

Để tăng cường thu hồi nợ đọng, trước đó, ngày 31-10, UBND thành phố Hà Nội ban hành Văn bản số 6268/UBND-BCĐ yêu cầu các sở, ban, ngành, Ban Chỉ đạo đôn đốc thu hồi nợ đọng quận, huyện, thị xã tăng cường đôn đốc thu hồi nợ đọng tiền thuế, tiền nợ liên quan đến đất trên địa bàn. Theo đó, Cục Thuế thành phố tiếp tục tăng cường triển khai các biện pháp đôn đốc thu hồi nợ đọng. Thực hiện rà soát số liệu nợ, phân loại nợ chính xác, kịp thời nắm bắt luân chuyển dòng tiền, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của từng người nộp thuế để có các biện pháp đôn đốc, cưỡng chế nợ thuế đạt hiệu quả cao, bảo đảm thực hiện theo đúng quy định của pháp luật; tiếp tục đẩy mạnh việc công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng danh sách những đơn vị nợ thuế theo quy định. Cơ quan thuế tiếp tục đẩy mạnh đưa ứng dụng công nghệ thông tin vào các khâu thực hiện trong công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nợ (cưỡng chế tài khoản, hóa đơn tự động trên ứng dụng, điều chỉnh tiền chậm nộp bằng công cụ hỗ trợ, gửi Thông báo tiền thuế nợ và tiền chậm nộp qua thư điện tử, xây dựng ứng dụng hỗ trợ phân tích doanh nghiệp trọng điểm, nợ mới phát sinh...). Bên cạnh việc đôn đốc quyết liệt, thực hiện các biện pháp cưỡng chế nợ thuế, cơ quan thuế cũng cần lắng nghe, nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh và có biện pháp đề xuất tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế, tạo sự đồng thuận từ phía người nộp thuế, góp phần tạo nguồn thu ổn định vào ngân sách nhà nước. Tiếp tục rà soát số liệu nợ, phân tích tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh để trực tiếp đôn đốc hoặc tham mưu Ban Chỉ đạo có kế hoạch làm việc đôn đốc trực tiếp một số doanh nghiệp nợ trọng điểm. Ban chỉ đạo đôn đốc thu hồi nợ đọng các quận, huyện, thị xã tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp đôn đốc nợ, cưỡng chế nợ thuế, nhất là các khoản nợ của từng điểm thuê đất, từng dự án đất.

Đại diện Cục Thuế TP Hà Nội cho biết, tính đến giữa tháng 11, đã thực hiện biện pháp cưỡng chế nợ thuế đối với 100% số đối tượng phải cưỡng chế nợ theo quy định đã được cơ quan thuế thực hiện. Từ nay đến cuối năm, tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt công tác đôn đốc, cưỡng chế nợ thuế. Đặc biệt, cơ quan thuế sẽ chú trọng việc kiểm soát, phân loại doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế, thực hiện kiểm tra sau hoàn thuế đối với 100% số lệnh hoàn thuế ngay trong tháng 12 tới, không để tồn đọng hồ sơ.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/hanoi/tai-chinh-ngan-hang/item/31364102-quyet-liet-thu-hoi-no-dong-thue.html