Quyết liệt phòng, chống cháy rừng ở Tây Nam Bộ

Bài 2: Dồn sức canh lửa

Diễn tập phương án chữa cháy rừng ở phân trường Mỹ Phước (Sóc Trăng).

Diễn tập phương án chữa cháy rừng ở phân trường Mỹ Phước (Sóc Trăng).

Mùa hạn năm nay được dự báo sẽ khốc liệt hơn những năm trước đây, chính vì vậy mà các tỉnh khu vực miền Tây Nam Bộ đã sớm chủ động xây dựng phương án phòng, chống cháy rừng (PCCR). Tuy nhiên trước những diễn biến cực đoan của thời tiết, các lực lượng giữ rừng luôn phải túc trực để canh lửa, giữ rừng.

Quán triệt phương châm “4 tại chỗ”

Chỉ mới đầu tháng 3 mà thảm xanh của rừng do Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Sóc Trăng đã chuyển mầu khô hanh. Trên chòi canh bằng thép, chỉ cách mặt đất hơn 15 m mà gió rít ù tai, cộng thêm sức nóng từ cái nắng “bà chằn” như đổ lửa, Giám đốc phân trường Mỹ Phước 1 (thành viên Ban Chỉ huy PCCR Công ty Lâm nghiệp Sóc Trăng) Hoàng Minh Dũng vẫn điềm tĩnh quan sát. Hơn 30 năm làm công việc bảo vệ rừng, Dũng vẫn luôn cẩn trọng chuyện canh lửa, gác rừng. Không ít lần anh đã phát hiện ra từ một điểm xa, nơi có vài mảnh khói trắng thi thoảng phất lên và hô khẩu lệnh báo cháy, kịp thời huy động lực lượng ứng trực đến tọa độ đã được xác định chỉ sau vài phút.

Theo Hạt Kiểm lâm huyện Giang Thành (Kiên Giang), toàn huyện có 2.161,5 ha rừng. Hiện nay diện tích rừng huyện Giang Thành chủ yếu là ở xã Vĩnh Phú nhưng phân bố rải rác, gây khó khăn cho việc quản lý về chuyên ngành của Hạt Kiểm lâm, nhất là trong việc kiểm tra công tác PCCR. Mặt khác, phương tiện PCCR của các chủ rừng còn thiếu, một số đơn vị bố trí rất ít nhân viên. “Mấy tháng nay, công việc của Hạt rất nhiều. Ngoài canh gác, tuần tra, chữa cháy rừng, anh em thường xuyên kết hợp với chính quyền, chủ rừng đến từng hộ dân sống cạnh rừng tuyên truyền vận động bảo vệ rừng”, Kiểm lâm viên Trần Hùng Cường chia sẻ.

Nói về thực hiện phương châm “4 tại chỗ” trong PCCR, Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng (Hậu Giang) Lư Xuân Hội cho hay, ngoài khu Gò Lức - nơi có nền đất gò cao nhất khu, nhiều khoảnh như khoảnh 7, khoảnh 11... lớp thực bì khá dày đã không còn độ ẩm, một số loại dây leo trên thân cây tràm cũng đã khô lá, đơn vị cũng cho lực lượng kiểm tra tất cả các khu vực khác tại khu bảo tồn để khoanh vùng những nơi có nguy cơ xảy ra cháy cao. Qua kiểm tra, nhiều nơi khác, lớp thực bì đã khô. Hiện, công tác ứng trực theo phương châm “4 tại chỗ” ở Khu bảo tồn luôn trong tư thế sẵn sàng. Tình trạng người dân lén lút vào rừng đốt ong, lấy mật đã giảm nhiều. Khu bảo tồn đã ký hợp đồng cho 52 hộ dân sống ven rừng thuê gác kèo ong lấy mật, đồng thời có cam kết, ngoài việc thu hoạch mật ong đúng cách dưới sự giám sát của lực lượng khu, các hộ dân phải là “tai mắt” của khu. Khi phát hiện người lạ vào rừng khai thác tài nguyên, phải báo ngay cho lực lượng khu để kịp thời ngăn chặn. “Tuy nhiên, điều đáng lo là trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Khu bảo tồn vẫn còn 120 hộ dân đang sinh sống. Việc đốt đồng để canh tác ở một số diện tích đất đang sản xuất lúa nằm xen kẽ trong rừng sẽ làm tăng nguy cơ cháy...”, ông Lư Xuân Hội lo lắng.

Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Sóc Trăng (Trưởng ban PCCR mùa khô 2020) Nguyễn Khánh Toàn cho biết, vào đầu mùa khô, công ty củng cố Ban chỉ đạo PCCR ở các phân trường và huy động người dân tham gia. Sau nhiều năm tuyên truyền, người dân đã có ý thức và tích cực tham gia PCCR. Từ cuối năm 2019, sau khi có chủ trương giữ nguyên hình thức quản lý, công ty đã củng cố tổ chức, sắp xếp phân công nhân sự, kiểm tra công cụ mua sắm và xác định địa bàn có nguy cơ cháy để tập trung phương tiện, nhân lực và xây dựng phương án PCCR. “Đến nay, các phân trường đã thành lập 15 tổ PCCR, công ty cũng chỉ đạo các phân trường thường xuyên đầu tư nạo vét, dọn thực bì, lục bình và cỏ ở các tuyến kênh để nước dễ lưu thông. Chúng tôi cũng đã lập danh sách các cá nhân thường vào rừng lấy ong, bắt cá, kiếm củi… cho họ viết cam kết không vào rừng trong mùa khô”, ông Nguyễn Khánh Toàn nói.

Để thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ”, cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau đã sửa chữa và trang bị mới 102 máy bơm nước chữa cháy cho các đơn vị chủ rừng, với hơn 48.000 m vòi chữa cháy; bố trí sẵn 80 máy ICOM phục vụ thông tin liên lạc trong PCCR... Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang Hoàng Văn Tuấn cho biết, hiện nay các vùng trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao ở Kiên Giang đã được bố trí nhân lực, phương tiện, trang thiết bị, tổ chức ứng trực 24/24 giờ theo phương châm “bốn tại chỗ”. Tất cả các chủ rừng đã xây dựng phương án PCCR năm 2020 và được phê duyệt. Theo đó UBND tỉnh Kiên Giang đã phê duyệt các phương án PCCR tỉnh và phương án PCCR của các đơn vị trong năm 2020 với kinh phí thực hiện là 13,5 tỷ đồng.

Chủ động nhiều phương án

Nhắc đến yếu tố địa hình thì nhiều khu rừng ở vùng đồng bằng sông Cửu Long có lợi trong công tác PCCR. Ông Lư Xuân Hội cho biết: Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng là vùng trũng, thấp, được chia cắt bởi các kênh đào và lung bào tự nhiên, có hệ thống giao thông đường thủy hoàn chỉnh, có kênh Hậu Giang 3 cắt giữa Khu bảo tồn với chiều dài 6 km, rộng 28 m. Trong Khu bảo tồn khoảng cách từ 500 - 1.000 m có kênh thủy lợi nội đồng và từ 200 - 500 m có kênh dẫn nước vào rừng. Các kênh này dùng để lưu thông, vận chuyển và cung cấp nước phục vụ PCCR, giữ ẩm chân rừng. Hiện nay, Khu bảo tồn đang bơm nước vào các kênh, mương rừng để trữ, khi cần thiết sẽ đưa nước lên rừng giữ độ ẩm.

Các phương tiện, dụng cụ và trang thiết bị cũng như kế hoạch, phương án phục vụ công tác PCCR đều đã được Khu bảo tồn chuẩn bị sẵn sàng, nghiêm túc. Năm nay, Hậu Giang đã đầu tư trang bị cho Khu bảo tồn hai chiếc thuyền bơm, khi nơi nào thiếu độ ẩm sẽ được bơm tưới. “Đơn vị cũng bắt đầu phân công lực lượng tăng cường kiểm tra bảo vệ rừng và trực hệ thống quan sát (năm tháp canh kiên cố có trang bị ống nhòm từ xa và hai ca-mê-ra quan sát) từ đầu tháng 2, sớm hơn một tháng so với cùng kỳ năm 2019. Hiện, công việc này không chỉ làm vào những ngày thường mà ngay cả thứ bảy và chủ nhật để bảo đảm giữ tốt diện tích rừng tại đơn vị”, ông Lư Xuân Hội nói.

Giám đốc Vườn quốc gia (VQG) U Minh Thượng Phạm Quốc Dân chia sẻ: “Kết thúc mùa mưa năm 2019, VQG U Minh Thượng đắp đập giữ nước dưới chân rừng. Do nắng nóng, nước bốc hơi nhanh khiến mực nước dưới kênh rạch cạn. Nếu thời tiết tiếp tục khô hạn trong vài tháng tới, lâm phần VQG U Minh Thượng mới nâng cấp dự báo cháy rừng cấp III, cấp IV, có nơi cấp V”. Mặc dù VQG U Minh Thượng còn nằm trong ngưỡng an toàn về PCCR, tuy nhiên lãnh đạo VQG đã xác định xong những khu vực trọng điểm có nguy cơ cháy cao. Theo đó, Vườn thành lập năm đội ứng trực PCCR, mỗi đội bảy đến 12 người, một đội hậu cần và tám trạm bảo vệ rừng quanh đê bao lâm phần VQG. Các đội ứng trực được trang bị máy, ống chữa cháy và thường xuyên vận hành máy bơm nước để kịp thời sửa chữa hỏng hóc. “Khi diễn biến thời tiết bất thường, có dấu hiệu nguy hiểm, cấp cháy rừng ở vườn từ cấp III trở lên trên diện rộng, chúng tôi tạm ngưng hoạt động du lịch. Vườn đóng cửa rừng, nghiêm cấm mọi tổ chức, cá nhân không có phận sự vào rừng, tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát nhằm kịp thời phát hiện ngăn chặn, xử lý nghiêm đối tượng vào rừng trái phép theo quy định”, ông Phạm Quốc Dân thông tin.

Tỉnh Cà Mau cũng đã đắp 32 đập, khép kín các cống vùng ngọt miệt rừng để giữ nước. Các lực lượng phát quang các tuyến giao thông đường bộ, nạo vét, khơi thông các tuyến kênh phục vụ công tác PCCR với tổng chiều dài hơn 113 km và tu sửa, xây dựng mới được 87 chòi quan sát lửa. Chính quyền cơ sở nơi có rừng ở Cà Mau đã vận động nhân dân vệ sinh môi trường, xử lý vật liệu cháy hai bên tuyến giao thông đường bộ, khơi thông lòng kênh ở khu vực được giao khoán với tổng chiều dài hơn 197 km.

Ông Hoàng Văn Tuấn cho biết, các đơn vị, chủ rừng đã chủ động thực hiện nhiều phần việc. Theo đó, VQG Phú Quốc đã trục cỏ 168 ha ở đồng tràm Bãi Thơm (xã Bãi Thơm), đồng tràm Đồng Bà (xã Cửa Cạn); cày đường băng trắng hơn 464 ha các khu vực đồng tràm Bãi Thơm, đồng tràm Rạch Tràm, đồng tràm Đồng Bà, khu vực bãi Bổn (xã Hàm Ninh); cày ủi đường băng trắng gần 14 km khu vực rừng phòng hộ… VQG U Minh Thượng gia cố, sửa chữa sáu cống điều tiết nước, đắp hai đập giữ nước, nạo vét năm hố trữ nước trong rừng; bơm nước bổ sung vào rừng hơn 1,5 triệu m3. Lắp đặt các bảng dự báo cấp cháy rừng, phát dọn 25 đường tuyến phân lô, cắm mốc để cơ động lực lượng tiếp cận khi có cháy rừng; phát dọn thực bì mặt kênh 70 km, bảo đảm thuyền máy tuần tra và bố trí 40 lực lượng trực tại các vùng trọng điểm. Ngoài ra, các ban Quản lý rừng của tỉnh Kiên Giang cũng hoàn thành các phương án PCCR.

“Thời tiết tiếp tục nắng nóng, khô, hanh, mực nước trong các khu rừng ở Kiên Giang xuống thấp, dự báo cháy rừng luôn ở cấp V. Một số khu vực thuộc đồng cỏ bàng huyện Giang Thành và rừng đặc dụng, phòng hộ huyện Phú Quốc có tình trạng dân đốt phá để lấn chiếm đất rừng. Vì vậy, chúng tôi sẽ đặc biệt chú trọng việc kiểm tra, quản lý địa bàn. Kiên Giang sẽ không để tình hình này diễn ra, bởi vừa mất an ninh trật tự vừa có nguy cơ cháy rừng rất cao”, ông Hoàng Văn Tuấn khẳng định.

* Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 9-3-2020.

Bài, ảnh: TIẾN DŨNG và TÙNG PHONG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/43546402-quyet-liet-phong-chong-chay-rung-o-tay-nam-bo.html