Quyết liệt phòng, chống cháy rừng ở Tây Nam Bộ

Thời gian qua, tình hình khô hạn diễn ra rất nghiêm trọng đã khiến hàng trăm nghìn héc-ta rừng ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có nguy cơ cháy cao. Vì thế, các địa phương có rừng cần chuẩn bị chu đáo, chủ động theo phương châm 'bốn tại chỗ' và với quyết tâm cao để không để xảy ra cháy rừng.

Ban Chỉ đạo Phòng chống cháy rừng tỉnh Kiên Giang kiểm tra trang thiết bị phòng, chống cháy.

Ban Chỉ đạo Phòng chống cháy rừng tỉnh Kiên Giang kiểm tra trang thiết bị phòng, chống cháy.

Thời gian qua, tình hình khô hạn diễn ra rất nghiêm trọng đã khiến hàng trăm nghìn héc-ta rừng ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có nguy cơ cháy cao. Vì thế, các địa phương có rừng cần chuẩn bị chu đáo, chủ động theo phương châm “bốn tại chỗ” và với quyết tâm cao để không để xảy ra cháy rừng.

Bài 1: Trên những nẻo đường rừng

Những ngày đầu tháng 3, chúng tôi trở lại rừng U Minh và một số cánh rừng trọng điểm ở miền Tây Nam Bộ. Cái nắng oi bức nhiều tháng qua làm cho bầu không khí ở rừng ngột ngạt. Nhiều cánh rừng tại các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng… dự báo cháy cao, trong đó nhiều vạt rừng ở mức độ cảnh báo cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm).

Gặp những người giữ rừng

Chúng tôi đi thuyền vào vùng lõi của rừng tràm thuộc phân trường Thạnh Trị, thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng). Thỉnh thoảng thuyền khựng lại vì mắc cạn. Nước dưới kênh đã nhìn thấy đáy, trên bờ đất phủ đầy phèn do nước mặn. Những tán rừng tràm, keo lai đang trong giai đoạn phát triển đã chuyển mầu lá do thiếu nước. Đội trưởng Đội Kiểm lâm cơ động và Phòng cháy, chữa cháy rừng thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh Sóc Trăng Nguyễn Tấn Nam lo lắng: “Rừng trên địa bàn tỉnh đang ở mức độ dự báo cháy cấp V. Đơn vị đã phối hợp cảnh sát môi trường, các phân trường và các bên liên quan thường xuyên kiểm tra phương án phòng, chống cháy rừng (PCCR) tại các phân trường. Sợ nhất là cánh thợ gác kèo ong vào rừng khai thác mật. Khi lấy mật, họ thường đốt lửa lấy khói ung xua ong bay đi để lấy tổ. Chỉ cần một đốm lửa nhỏ rơi vãi xuống thảm lá khô, nếu không phát hiện sớm, một lúc sau trở thành đám cháy, rất nguy hiểm”.

Tại huyện U Minh (tỉnh Cà Mau), nơi có diện tích rừng ngập ngọt lớn thứ hai ở vùng ĐBSCL, với hơn 43.000 ha. Chúng tôi dong xe máy luồn rừng vào Vườn quốc gia (VQG) U Minh Hạ. Cách khu vực trung tâm VQG chừng 7 km là chốt 96-23. Anh Nguyễn Văn Hải, thành viên trong chốt vừa hoàn thành chuyến tuần tra, cho hay, tranh thủ đi tuần sớm để khi nắng lên, anh em trong chốt thay ca trực trên tháp canh. Một số anh em khác phân công nhau nấu cơm, chở nước ngọt về dùng. Cực nhất là từ 11 giờ đến 16 giờ mỗi ngày, trên tháp canh lúc nào cũng phải có người túc trực quan sát, không thể lơ là.

Hơn 12 giờ, tại chốt canh lửa 27-96 (thuộc Trạm T27-93, VQG U Minh Hạ), anh Nguyễn Văn Vạn, thành viên của chốt vừa ra ca trực, ăn vội bữa cơm. Nhà anh Vạn cách rừng không xa nhưng gần tuần nay anh chưa về. Mỗi chốt canh lửa có từ ba đến bốn thành viên luân phiên trực trên tháp canh đến khi sương phủ. “Đêm, chỉ một thành viên của chốt được về nhà nhưng phải có mặt ở đơn vị trước 6 giờ hôm sau. Gần tuần nay, tôi nhường phần về nhà cho mấy anh em mới cưới vợ”- anh Vạn chia sẻ. Tại nhiều khu vực, lớp thực bì dưới chân rừng đã khô khốc, gần như không còn độ ẩm. Đeo bám vào những thân tràm cao vút là nhiều loại dây leo hoang dại lá héo, úa vàng. Ông Huỳnh Minh Nguyên, Giám đốc VQG U Minh Hạ (Cà Mau), nhận định: “Bề mặt trên của VQG U Minh Hạ khả năng cháy rất cao, nếu nắng nóng liên tục như hiện nay thì khoảng một tháng nữa, mực nước ở tầng dưới sẽ khô cạn, khi cháy rồi thì rất khó chữa cháy do đây là vùng đất than bùn”.

Nằm phía thượng nguồn con sông Trèm Trẹm là rừng U Minh Thượng (thuộc huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang). Đầu tháng 3, nắng rát da thịt, nhưng VQG U Minh Thượng vẫn mở cửa rừng cho khách du lịch vào tham quan. Hôm chúng tôi ghé qua, khách vào khu vực hồ Hoa Mai rất đông, phần lớn là dân câu cá đến từ các tỉnh ĐBSCL và TP Hồ Chí Minh. Đường vào rừng, từng đàn khỉ ngồi trên đường tránh nắng và kênh uống nước. Một số con đập ngăn nước đang được thi công. Trạm bơm nước gần hồ Hoa Mai làm việc hết công suất đưa nước từ kênh ngoài vào rừng. Nước ở các con kênh phía trong đập chênh lệch khá cao so với mực nước bên ngoài đập. Đứng trên đài cao quan sát, VQG U Minh Thượng vẫn một mầu xanh. Bên trên là mầu xanh của lá tràm, dưới đường kênh là mầu xanh của bèo phủ trên mặt nước. Giám đốc VQG U Minh Thượng Phạm Quốc Dân cho biết, mặc dù nắng đang gay gắt, nhưng hệ thống kênh giữ nước trong rừng luôn được bảo đảm. Mọi công tác chuẩn bị phòng và chữa cháy rừng đã được chuẩn bị kỹ lưỡng.

Tại vùng biên giới thuộc huyện Giang Thành (Kiên Giang), ông Trần Hùng Cường, kiểm lâm viên của Hạt Kiểm lâm huyện Giang Thành đã hai tuần nay chưa được về nhà. Ông Cường bảo: “Hạt Kiểm lâm chỉ có năm người, công việc nhiều làm mệt muốn xỉu. Những ngày trước, cả Hạt phải túc trực cùng các lực lượng công an, quân đội và người dân chữa hai đám cháy rừng nằm trong phạm vi quản lý của Hạt. Ngày 27-2, một vụ cháy rừng tràm ở xã Phú Mỹ, thiệt hại hơn 43 ha rừng. Và ngày 1-3, một đám cháy khác đã thiêu rụi hơn 10 ha rừng tràm của người dân trồng ở xã Tân Khánh Hòa”.

Nguy cơ cháy rừng ở mức cao

Trao đổi với chúng tôi, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm Lâm tỉnh Hậu Giang Đoàn Ngọc Thân cho biết, trước tình hình nắng nóng diễn ra gay gắt, đầu tháng 3 này, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã nâng mức độ dự báo cháy rừng lên cấp V, trên toàn tỉnh. Hiện nay, Hậu Giang có 3.300 ha đất rừng sản xuất và 2.805 ha đất rừng đặc dụng ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng - đây là khu bảo tồn loài, sinh cảnh, ngoài diện tích đất rừng đặc dụng còn có hơn 8.800 ha diện tích vùng đệm, chia thành ba khu chức năng gồm: Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, Phân khu phục hồi sinh thái và Phân khu hành chính dịch vụ.

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cà Mau, toàn lâm phần rừng tràm và rừng các cụm đảo trên địa bàn tỉnh có hơn 43.000 ha đã bị khô hạn hoàn toàn, nguy cơ cháy rất cao, tập trung chủ yếu ở các liên tiểu khu: Sông Trẹm, U Minh một, U Minh hai, Trần Văn Thời và rừng ở các xã Nguyễn Phích, Khánh An... Trong số này, hơn 26.400 ha (chiếm hơn 60%) dự báo cháy cấp V và hơn 7.700 ha dự báo cháy cấp IV (cấp nguy hiểm) đang ngấp nghé tăng cấp độ báo cháy.

Tỉnh An Giang cũng đã khoanh vùng trọng điểm các khu vực rừng có nguy cơ cháy trong mùa khô hạn 7.286 ha, chiếm 43,2% tổng diện tích rừng trên địa bàn. Hầu hết số diện tích rừng này đều đang ở cấp báo động cháy rừng cấp V. Cụ thể, huyện Tri Tôn (4.274 ha), huyện Tịnh Biên (2.912 ha), còn lại là huyện Thoại Sơn và TP Châu Đốc mỗi địa phương 50 ha.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) tỉnh Kiên Giang Hoàng Văn Tuấn, địa phương này có diện tích quy hoạch phát triển lâm nghiệp hơn 79.861 ha, trong đó, rừng đặc dụng hơn 39.709 ha, rừng phòng hộ hơn 32.037 ha, rừng sản xuất hơn 8.114 ha và diện tích đất có rừng hơn 76.218 ha. Hiện nay, diện tích vùng trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng là 41.147 ha, gồm các khu vực các huyện: Phú Quốc 16.000 ha, Kiên Hải 1.349 ha, Giang Thành 1.626 ha, Kiên Lương 2.249 ha, Hòn Đất 7.295 ha, An Minh 2.783 ha, U Minh Thượng 9.100 ha và TP Hà Tiên 745 ha.

Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Sóc Trăng Lương Minh Quyết cho biết, mùa khô năm nay đến sớm, mới đầu tháng 3 mà nước ở các tuyến kênh ở Sóc Trăng đã cạn dần. Tại các vùng có rừng phòng hộ, các loài cây chủ yếu như đước, bần, mắm, dừa nước không lo cháy vì bên dưới là nước biển luôn xâm xấp bề mặt rừng. Riêng rừng sản xuất trồng cây tràm, keo, bạch đàn… ở vùng phèn lợ hiện có 11.000 ha, trong đó hơn 7.000 ha rừng phòng hộ và hơn 4.000 ha rừng sản xuất, đều có nguy cơ cháy rất cao. Vì thế, các địa phương đều chuẩn bị chu đáo, chủ động với quyết tâm cao nhất để không xảy ra cháy rừng.

(Còn nữa)

Bài, ảnh: TIẾN DŨNG và TÙNG PHONG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/43531302-quyet-liet-phong-chong-chay-rung-o-tay-nam-bo.html