Quyết liệt nhưng tránh nóng vội

Hơn hai năm thực hiện Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy (TCBM) của hệ thống chính trị (HTCT) tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả (sau đây gọi là Nghị quyết 18), gắn với tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị khóa XI về tinh giản biên chế (TGBC) và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức mang lại kết quả tích cực. Tuy nhiên cũng cần triển khai thêm những giải pháp để thực hiện nhiệm vụ này tốt hơn.

Trên chỉ đạo quyết liệt, dưới chủ động triển khai

Để thực hiện tốt Nghị quyết 18, Thành ủy Hà Nội sớm xây dựng kế hoạch hành động cụ thể, khả thi và huy động sức mạnh tổng hợp của các cơ quan, đơn vị, địa phương; trong đó chủ động rà soát, tham mưu, báo cáo cấp có thẩm quyền thực hiện quyết định của Trung ương, Chính phủ về số lượng biên chế tối thiểu, số lượng lãnh đạo cấp phó tối đa của một tổ chức ở cấp mình và của các tổ chức trực thuộc Thành ủy. Cùng với đó, địa phương đẩy mạnh thực hiện phân cấp, phân quyền tới các quận, huyện, thị xã, ban, sở, ngành, đi đôi với giám sát quyền lực bằng các quy định, quy chế. Đến nay, toàn thành phố có 11/30 quận, huyện, thị xã; gần 89% xã, phường, thị trấn và gần 47% thôn, tổ dân phố tiến hành sắp xếp xong vị trí hoạt động không chuyên trách. Thành phố cũng đã hoàn thành việc sắp xếp các thôn, tổ dân phố không bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định; sau sắp xếp giảm được hơn 2.700 thôn, tổ dân phố.

 Cán bộ Trung tâm hành chính công tỉnh An Giang giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Ảnh: HỮU HUYNH

Cán bộ Trung tâm hành chính công tỉnh An Giang giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Ảnh: HỮU HUYNH

Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đánh giá: Sau đổi mới, sắp xếp, hiệu lực, hiệu quả của HTCT được nâng lên; chất lượng giải quyết công việc, phục vụ nhân dân của các cơ quan, đơn vị, địa phương được cải thiện, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Nhờ đổi mới, sắp xếp TCBM, biên chế, thành phố đã giảm tỷ trọng chi thường xuyên trên tổng chi ngân sách nhà nước từ 58,8% năm 2016 xuống còn 51,2% năm 2020; tiết kiệm chi thường xuyên hơn 13.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2016-2020.

Một trong những kinh nghiệm quan trọng được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái đúc rút trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 18 là quan tâm chỉ đạo làm tốt công tác quán triệt, định hướng tư tưởng chính trị và phương pháp triển khai thực hiện cho các cấp, các ngành, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị. Nhờ vậy, đến nay, tỉnh Yên Bái đã giảm được hơn 400 cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp cấp tỉnh, cấp huyện; giảm hơn 1.200 cán bộ lãnh đạo các cơ quan, đơn vị; giảm hơn 4.400 biên chế; số lượng cán bộ không chuyên trách cấp xã, thôn, bản, tổ dân phố giảm hơn 13.000 người so với thời điểm 30-4-2015… Quá trình thực hiện bảo đảm đồng bộ, công khai, dân chủ, minh bạch, thận trọng, nhân văn, không cầu toàn, nóng vội.

Theo số liệu của Ban Tổ chức Trung ương, tính đến hết tháng 1-2020, đối với các ban, bộ, ngành, đoàn thể, cơ quan Trung ương, về tổ chức hành chính đã giảm 4 cơ quan, đơn vị; giảm 26 cục, vụ; giảm hơn 2.780 phòng và tương đương; giảm hơn 3.860 cán bộ lãnh đạo, quản lý; về đơn vị sự nghiệp, giảm 80 đơn vị và hơn 200 cán bộ lãnh đạo, quản lý. Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, về tổ chức hành chính đã giảm hơn 4.130 tổ chức và hơn 9.890 cán bộ lãnh đạo, quản lý; về đơn vị sự nghiệp, giảm hơn 4.160 đơn vị và hơn 6.220 cán bộ lãnh đạo, quản lý. Các địa phương cũng đã sắp xếp giảm 10.140 thôn, tổ dân phố. Cả nước giảm khoảng 236.000 biên chế, tương ứng giảm khoảng 6,5% so với biên chế thực tế tại thời điểm 30-4-2015… Việc sắp xếp TCBM tinh gọn gắn với TGBC đã góp phần tiết kiệm chi thường xuyên (riêng năm 2019, giảm khoảng 10.000 tỷ đồng kinh phí hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị), tăng chi cho đầu tư phát triển, giảm nợ công; đồng thời, vẫn bảo đảm tăng lương cơ sở 7%/năm.

Nguyên nhân quan trọng để đạt được những kết quả nêu trên là sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, sâu sát, cụ thể của hệ thống tổ chức đảng các cấp. Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã chỉ đạo các cấp ủy cụ thể hóa nội dung của nghị quyết thành kế hoạch, chương trình hành động, đề án phù hợp với điều kiện, đặc điểm của từng địa phương, cơ quan, đơn vị... Trên cơ sở đó, nhiều cấp ủy đã chủ động triển khai thí điểm thực hiện các mô hình mới về TCBM và kiêm nhiệm chức danh để tinh gọn đầu mối cơ quan, đơn vị, giảm số lượng cán bộ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể. Cùng với đó, hệ thống các văn bản triển khai thực hiện được Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ ban hành tương đối đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương thực hiện.

Vừa khẩn trương, vừa thận trọng

Kinh nghiệm được nhiều cấp ủy, đơn vị rút ra trong triển khai nhiệm vụ sắp xếp, tinh giản TCBM là tập trung, dồn sức nhưng có lộ trình, thận trọng, tránh nóng vội. Cùng với đó, xuất phát từ hoạt động của các mô hình, tổ chức mới, các ban, ngành từ Trung ương đến địa phương đã đề xuất những phương án đổi mới cơ chế, chính sách, giải quyết kịp thời bất cập, vướng mắc trong công tác sắp xếp, tinh giản TCBM.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, việc đổi mới, sắp xếp TCBM vẫn còn những vướng mắc, bất cập cần tiếp tục tháo gỡ. Theo đồng chí Lê Vĩnh Tân, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, một số quy định, hướng dẫn của Đảng, văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện một số nội dung mới về TCBM, biên chế chậm ban hành, trong đó có các quy định về khung số lượng cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện; tiêu chí thành lập tổ chức; số lượng biên chế tối thiểu; số lượng lãnh đạo cấp phó tối đa của các tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập để tạo cơ sở pháp lý cho các bộ, ngành, địa phương quyết định sắp xếp, tinh gọn TCBM. Một số bộ, ngành, địa phương chưa thực sự quyết liệt trong công tác chỉ đạo, giám sát việc sắp xếp tổ chức, thực hiện cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập…

Qua khảo sát cho thấy, việc nghiên cứu, hoàn thiện mô hình tổng thể của HTCT phù hợp điều kiện mới còn chậm. Công tác đổi mới, sắp xếp, tinh gọn TCBM ở một số nơi thực hiện thiếu quyết liệt, chưa đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra. Việc nắm bắt tư tưởng cán bộ, đảng viên trong quá trình sắp xếp TCBM ở một số nơi còn lúng túng, chưa kịp thời, dẫn đến việc triển khai thực hiện gặp khó khăn. TGBC nhìn chung mới tập trung giảm số lượng, chưa gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm.

Để tiếp tục triển khai hiệu quả các nội dung của Nghị quyết 18, đồng chí Nguyễn Văn Tùng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức-Điều lệ (Ban Tổ chức Trung ương) cho rằng, cần tiếp tục xây dựng, rà soát, bổ sung, sửa đổi các quy định, hướng dẫn của Đảng, văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước để thực hiện một số nội dung mới về TCBM, biên chế đã được đề ra trong nghị quyết. Đẩy nhanh việc sắp xếp theo hướng tinh gọn TCBM, giảm đầu mối trực thuộc các cơ quan, đơn vị để khắc phục tình trạng trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ; giảm tối đa số lượng phòng trong vụ. Cùng với đó, đầu tư nguồn lực để nghiên cứu xây dựng đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo đúng mục tiêu, lộ trình đề ra. Khẩn trương hoàn chỉnh chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức tự nguyện thôi việc, nghỉ công tác chờ đủ tuổi nghỉ hưu... để tạo động lực, khuyến khích thực hiện. Hoàn thành việc xây dựng vị trí việc làm gắn với cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức và xác định tổng biên chế cần có của địa phương, cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị.

Nhiều cấp ủy, đơn vị, địa phương đề xuất tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện mô hình tổng thể của HTCT phù hợp yêu cầu, nhiệm vụ thời kỳ mới. Tiếp tục rà soát chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các tổ chức, cơ quan, đơn vị, nhất là các cơ quan hợp nhất, sáp nhập để nghiên cứu, tham mưu sửa đổi, bổ sung một số quy định của Ban Bí thư về TCBM phù hợp tình hình thực tiễn...

KHÁNH NGỌC

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/quyet-liet-nhung-tranh-nong-voi-615280