Quyết liệt ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi lây lan

Theo Cục Thú y, trong hơn một tháng qua, dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã xuất hiện tại 13 tỉnh, thành phố, gồm Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hà Nam, Hải Dương, Điện Biên, Hòa Bình, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Ninh Bình, Nam Định. Tổng số lợn bị tiêu hủy là 11.367 con.

Lực lượng chức năng lập chốt kiểm dịch ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi tại xã Ninh Khang, huyện Hoa Lư (Ninh Bình). Ảnh: NGUYỄN TRƯỜNG

Lực lượng chức năng lập chốt kiểm dịch ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi tại xã Ninh Khang, huyện Hoa Lư (Ninh Bình). Ảnh: NGUYỄN TRƯỜNG

* Ngày 10-3, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định cho biết, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện ổ DTLCP đầu tiên tại hộ chăn nuôi ở xóm 9, xã Trực Thắng, huyện Trực Ninh. Chính quyền địa phương và ngành chức năng tiêu hủy toàn bộ số lợn mắc bệnh. Hiện, xã Trực Thắng có 900 hộ chăn nuôi với tổng số 7.600 con lợn. Chính quyền xã đã thành lập ba chốt kiểm dịch, cử lực lượng trực 24/24 giờ trong ngày; rắc vôi bột, phun thuốc sát trùng khu vực ổ dịch và vùng lân cận.

* Theo Chi cục Thú y Hưng Yên, đến ngày 10-3, toàn tỉnh đã thành lập 170 chốt kiểm dịch với 17 chốt có lực lượng liên ngành cấp tỉnh và cấp huyện để ngăn chặn DTLCP lây lan. Các chốt duy trì quân số trực 24/24 giờ kiểm soát việc vận chuyển lợn từ vùng có dịch ra bên ngoài, phun thuốc tiêu độc, khử trùng phương tiện đi lại, người ra vào vùng dịch để ngăn chặn vi khuẩn lây lan…

* Tại huyện Thủy Nguyên (TP Hải Phòng), nơi xuất hiện ổ dịch tả lợn đầu tiên, đến nay, riêng xã Chính Mỹ, DTLCP đã lây lan 12/12 thôn. Số lượng lợn bị tiêu hủy lên đến gần 600 con. Để giảm thiệt hại cho hộ chăn nuôi, huyện Thủy Nguyên hỗ trợ mức tiêu hủy lợn cho người chăn nuôi là 38 nghìn đồng/kg.

* Các huyện Nghi Lộc, Quỳnh Lưu (Nghệ An) đang tiến hành đồng bộ các biện pháp ngăn chặn DTLCP, trong đó chủ động phun hóa chất khử trùng đồng loạt tại các trang trại chăn nuôi lợn. Huyện Nghi Lộc hiện có hơn 41 nghìn con lợn, huyện Quỳnh Lưu có hơn 45 nghìn con.

* Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa tổ chức đoàn kiểm tra việc phòng, trị dịch bệnh khảm lá sắn tại tỉnh Tây Ninh. Tính đến ngày 1-3, cả nước có 25.589,8 ha sắn bị nhiễm bệnh thì riêng Tây Ninh có đến 22.613,2 ha. Đoàn công tác đề nghị tỉnh cần đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân về phòng, chống dịch; tuyệt đối không sử dụng giống cây sắn nhiễm bệnh nặng như HLS11; nên cắt vụ để hạn chế mầm bệnh tồn dư; sử dụng thêm giống KM 419 để sản xuất thử nghiệm...

* Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, đến nay bộ phận không khí lạnh đã ảnh hưởng đến các nơi khác ở Tây Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, sau đó ảnh hưởng đến một số nơi ở Trung Trung Bộ. Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, ở khu vực nam đồng bằng Bắc Bộ, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế có mưa, mưa nhỏ. Dự báo, trong hai, ba ngày tới, Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời tiếp tục rét.

Nhiều tai nạn, sự cố trên biển

* Ngày 10-3, Trạm kiểm soát biên phòng Cửa Lở tại xã Đức Lợi, huyện Mộ Đức (Quảng Ngãi) vừa tiếp nhận một ngư dân nữ trôi dạt trên biển, được tàu cá QNg-M 584 cứu nạn. Lực lượng chức năng đã đưa nạn nhân đi cấp cứu và xác định người bị nạn là chị Phạm Thị Huệ, sinh năm 1983, trú tại xã Nghĩa An, TP Quảng Ngãi. Lúc 4 giờ sáng 10-3, khi thả lưới gần cửa biển Đức Lợi, xuồng máy của chị Huệ bị sóng đánh chìm và trôi dạt ra biển.

* Hồi 5 giờ ngày 10-3, tàu cá NA 91286 ở phường Nghi Hải, thị xã Cửa Lò (Nghệ An) khi đang đánh cá ở khu vực cửa lạch Cửa Hội, cách bờ khoảng 2 km thì bình ga trên tàu bất ngờ phát nổ, làm sáu thuyền viên bị thương. Các nạn nhân đã được đưa đi cấp cứu, trong đó có năm người bị bỏng nặng.

* Rạng sáng 10-3, tàu SAR27-01 của Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải khu vực 4 đã đưa một thuyền viên người Phi-li-pin bị điện giật, có nguy cơ tử vong cao vào Cảng Nha Trang, TP Nha Trang (Khánh Hòa). Trước đó, vào chiều ngày 9-3, tàu Penyuan đang hành trình từ TP Hồ Chí Minh đi Trung Quốc, đến vị trí cách Nha Trang 43 hải lý, thuyền trưởng báo nạn khẩn cấp và yêu cầu được hỗ trợ y tế về Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam.

* Gần 1.000 hộ dân xã Yên Thọ (Thanh Hóa) thiếu nước sạch: Hai tháng đầu năm nay, các giếng khơi, giếng khoan ở thôn Tu Mục, xã Yên Thọ, huyện Yên Định (Thanh Hóa) cạn dần nguồn nước. Các hộ dân phải đào, khoan giếng sâu nhưng nước có mùi tanh, lẫn tạp chất, cho nên 450 hộ dân trong thôn thiếu nước sạch để sử dụng.

Huyện Yên Định mở cống dẫn nước từ Kênh Bắc vào kênh nhánh thuộc hệ thống tưới tự chảy bắc sông Chu - nam sông Mã nhằm bổ sung nguồn nước ngầm cho các giếng khoan nhưng không cải thiện được tình hình. Hiện, xã Yên Thọ có 1.000 hộ dân với khoảng 4.000 nhân khẩu thuộc 6 trong tổng số 7 thôn thiếu nước sinh hoạt. Cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa cùng huyện Yên Định đang tìm hiểu nguyên nhân dần cạn kiệt nguồn nước ngầm để có giải pháp khắc phục.

Xây dựng 430 nhà an toàn chống chịu bão, lụt cho người dân

Từ năm 2019 đến 2020, tỉnh Thừa Thiên - Huế tiếp tục hỗ trợ xây dựng 430 nhà chống chịu bão, lụt cho các hộ dân; trong đó, năm 2019 xây dựng 230 nhà. Việc triển khai hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người dân nhằm tăng cường sức chống chịu, bảo vệ bản thân và gia đình trước những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển đã được người dân ủng hộ tích cực. Tỉnh khuyến khích, ưu tiên các hộ dân chưa có nhà ở an toàn, có nguy cơ rủi ro cao khi bão, lũ xảy ra.

PV và CTV

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/39453002-quyet-liet-ngan-chan-dich-ta-lon-chau-phi-lay-lan.html