Quyết liệt đối phó thách thức

Nền kinh tế Nhật Bản đang dần rơi vào suy thoái do tác động của đại dịch Covid-19. Ðối phó nguy cơ này, Quốc hội Nhật Bản vừa thông qua ngân sách bổ sung trị giá 25.690 tỷ yên (240 tỷ USD) cho tài khóa 2020 nhằm rót tiền cho gói hỗ trợ kinh tế.

Bình luận quốc tế

Trước đó, Thủ tướng S.A-bê đã công bố gói biện pháp kích thích kinh tế trị giá khoảng 1.000 tỷ USD để giảm đến mức thấp nhất tác động tiêu cực của dịch bệnh.

Chính phủ Nhật Bản vừa công bố số liệu chính thức cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp tại nước này trong tháng 3 vừa qua tăng lên 2,5%, mức cao nhất trong một năm qua. Ðây là tháng thứ hai liên tiếp tỷ lệ thất nghiệp tại Nhật Bản tăng, sau khi lên mức 2,4% trong tháng 2 vừa qua. Cụ thể, số liệu của Bộ Nội vụ và truyền thông Nhật Bản cho thấy, số người thất nghiệp trong tháng 3 tăng 60.000 người (tương đương 3,6% so với tháng 2) lên tổng số 1,72 triệu người.

Dự kiến, tình hình sẽ còn tiếp tục xấu đi trong những tháng tới. Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) đã hạ mức đánh giá triển vọng tăng trưởng kinh tế của tất cả chín vùng ở nước này. Ðây là lần đầu BOJ hạ mức đánh giá triển vọng tăng trưởng kinh tế của tất cả các vùng trên cả nước kể từ tháng 1-2009 sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Giới phân tích cho rằng, tỷ lệ thất nghiệp tại Nhật Bản còn tiếp tục gia tăng sau khi Chính phủ Nhật Bản ban bố tình trạng khẩn cấp từ ngày 7-4 vừa qua đối với Tô-ki-ô và sáu tỉnh khác và sau đó mở rộng ra cả nước. Theo tình trạng khẩn cấp, chính phủ yêu cầu các doanh nghiệp ngừng hoạt động và mọi người dân tránh ra ngoài khi không cần thiết.

Trước tình hình cấp bách với sự xuất hiện của "những đám mây đen" bao phủ nền kinh tế xứ sở "Mặt trời mọc", Hạ viện và Thượng viện Nhật Bản đã lập tức tiến hành các phiên họp ngay trong hai ngày nghỉ lễ 29 và 30-4 để thông qua ngân sách bổ sung trị giá 25.690 tỷ yên (tương đương 240 tỷ USD) cho tài khóa 2020 nhằm rót tiền cho gói hỗ trợ kinh tế. Ðây là lần đầu trong chín năm qua Quốc hội Nhật Bản nhóm họp vào ngày nghỉ lễ, cho thấy tính cấp thiết của ngân sách bổ sung để giải quyết khó khăn kinh tế do dịch bệnh.

So với dự thảo ngân sách bổ sung được nội các Nhật Bản thông qua hôm 20-4 vừa qua, ngân sách được thông qua kể trên tăng hơn 8.880 tỷ yên, chủ yếu do sự thay đổi về chính sách trợ cấp trực tiếp bằng tiền mặt cho người dân. Ban đầu, Thủ tướng S.A-bê dự định trợ cấp 300.000 yên cho mỗi hộ gia đình bị giảm thu nhập do dịch Covid-19. Tuy nhiên, sau đó, ông đã quyết định trợ cấp 100.000 yên/người (hơn 20 triệu đồng Việt Nam) bằng tiền mặt cho tất cả người dân, kể cả người nước ngoài đang cư trú từ ba tháng trở lên ở nước này.

Trong khi đó, Thống đốc BOJ H.Cư-rô-đa cho biết, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế, thể hiện qua các chỉ số suy giảm của các lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu, tiêu dùng cá nhân và tiêu dùng du lịch. Ông nhấn mạnh, triển vọng kinh tế Nhật Bản thời điểm hiện tại là rất "mờ mịt". Theo BOJ, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này có thể sẽ tăng trưởng từ âm 3% đến âm 5% trong tài khóa 2020 (bắt đầu từ tháng 4-2020), trong khi tỷ lệ lạm phát có thể sẽ rơi xuống mức từ 0,3% đến 0,7% trong năm nay.

Ðể giúp các doanh nghiệp vượt qua thời điểm khó khăn, trong động thái mới nhất, BOJ đã quyết định tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ để hỗ trợ các nỗ lực của chính phủ nhằm vực dậy nền kinh tế đang lao đao. Theo đó, Hội đồng Chính sách BOJ đã nhất trí "mua vào một khối lượng cần thiết trái phiếu chính phủ mà không áp đặt mức trần". BOJ sẽ tăng gấp gần ba lần số lượng trái phiếu công ty và thương phiếu mà ngân hàng trung ương này có thể mua với mục đích hỗ trợ thanh khoản cho các tập đoàn lớn.

Liên quan việc đối phó tình hình dịch bệnh tại Nhật Bản, trong tuyên bố mới nhất, Thủ tướng S.A-bê cho biết, ông sẽ cân nhắc lùi thời gian khai giảng năm học mới đến tháng 9 tới thay vì tháng 4 như thường lệ. Phát biểu tại phiên họp Hạ viện, Thủ tướng S.A-bê thừa nhận sự thay đổi này không chỉ ảnh hưởng lớn đến học sinh và các phụ huynh, mà còn tác động đến toàn xã hội nói chung. Bộ trưởng Giáo dục Nhật Bản C.Ha-gi-u-đa ủng hộ quan điểm của Thủ tướng, cho biết đây sẽ là một phương án nếu nhận được sự ủng hộ rộng rãi của người dân.

Thủ tướng Nhật Bản S.A-bê cảnh báo, việc giảm tiếp xúc giữa người dân xứ sở "Mặt trời mọc" hiện nay không đủ để ngăn chặn đà lây lan của đại dịch Covid-19, đồng thời kêu gọi người dân tiếp tục ở trong nhà và tránh ra ngoài nếu không thật sự cần thiết. Thủ tướng S.A-bê nhận định, nếu nước này muốn dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp vào ngày 6-5 tới thì hiện là "thời điểm quan trọng nhất". Hiện Nhật Bản vẫn chưa đạt được mục tiêu giảm 80% tỷ lệ tiếp xúc cá nhân, vốn là biện pháp được kêu gọi nhằm hạn chế việc lây nhiễm Covid-19. Do đó, ông hối thúc người dân cố gắng hoàn thành mục tiêu này. Phát biểu trên truyền hình, Thủ tướng S.A-bê nhấn mạnh, muốn hạn chế người dân từ các khu vực thành thị, nơi có nhiều ca mắc Covid-19, di chuyển tới các vùng nông thôn trong kỳ nghỉ Tuần lễ Vàng (từ ngày 29-4 đến 6-5 tới) để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Với những biện pháp đối phó quyết liệt đang được chính quyền của Thủ tướng S.A-bê triển khai, Nhật Bản hy vọng những nỗ lực này sẽ giúp xứ sở "Mặt trời mọc" tránh được nguy cơ, để nền kinh tế lớn thứ ba thế giới không rơi vào tình trạng suy giảm nghiêm trọng nhất kể từ cuộc Ðại suy thoái những năm 30 của thế kỷ trước.

ĐỨC TRUNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/binh-luan-quoc-te/item/44306402-quyet-liet-doi-pho-thach-thuc.html