Quyết liệt cuộc đấu tranh thi hành Hiệp định Paris ở miền Nam

Bên cạnh 5 cánh quân tiến vào Sài Gòn, hai Đoàn Đại biểu quân sự của ta ở Trại Davis được công nhận là mũi tiến công thứ 6 - mũi tiến công ngoại giao quân sự hết sức độc đáo, đặc sắc của chiến tranh nhân dân Việt Nam.

Những khán giả đặc biệt đến xem các cuộc thi đấu thể thao trong Trại Davis.

Những khán giả đặc biệt đến xem các cuộc thi đấu thể thao trong Trại Davis.

Cuộc đấu tranh bắt đầu trong lòng địch

Thực tế, cuộc đấu tranh thi hành Hiệp định Paris đã bắt đầu ngay từ trước lúc Hiệp định được chính thức ký kết, khi Mỹ và chính quyền Sài Gòn thực hiện hàng loạt cuộc hành quân “tràn ngập lãnh thổ” nhằm “lấn chiếm càng nhiều đất càng tốt, nhất là các vùng quan trọng, đông dân xung quanh Sài Gòn”.

Quyết định về việc thành lập hai Đoàn Đại biểu quân sự (ĐBQS) ta đã được Quân ủy Trung ương và Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam (B2) đưa ra từ quý IV/1972. Khi Hiệp định Paris được ký kết thì hai phái đoàn ta đã cơ bản được hình thành và lập tức thực hiện cuộc hành quân “tiến về Sài Gòn” từ nhiều hướng: Paris (Pháp), Hà Nội, Lộc Ninh và đường mòn Hồ Chí Minh.

Việc chúng ta triển khai lực lượng ở Sài Gòn để thi hành Hiệp định Paris là một sự kiện chưa từng có trong lịch sử chiến tranh trên thế giới. Chưa bao giờ một bên tham chiến lại “cài cắm”, công khai và hợp pháp, một lực lượng gần nghìn con người, ở ngay trung tâm đầu não của đối phương, để tiến hành một cuộc đấu tranh pháp lý và ngoại giao chống lại chính đối phương.

Ngay khi đặt chân đến Sài Gòn, hai đoàn đại biểu ta đã đấu tranh kiên quyết, làm thất bại mưu đồ phi lý của chính quyền Sài Gòn đòi tất cả các thành viên của ta phải làm thủ tục nhập cảnh, bởi Hiệp định Paris thừa nhận Việt Nam là một quốc gia thống nhất từ Bắc chí Nam và vĩ tuyến 17 là giới tuyến tạm thời chứ không phải biên giới quốc gia.

“Tổng hành dinh” hai Đoàn ĐBQS của ta đặt trong Trại Davis, nằm sâu trong căn cứ không quân Tân Sơn Nhất, bị bao bọc bởi nhiều lớp rào kẽm gai bùng nhùng và bãi mìn dày đặc, hàng chục tháp canh và lỗ châu mai luôn chĩa họng súng đại liên vào khuôn viên Trại. Mỗi khi các đại diện của ta ra khỏi Trại Davis để làm nhiệm vụ đều “được” xe quân cảnh dẫn đường và xe cảnh sát khóa đuôi, với hàng chục nhân viên an ninh, mật vụ, tình báo lượn lờ xung quanh.

Âm mưu của đối phương là nhằm gây cho chúng ta căng thẳng triền miên về tâm lý và bất tiện trong sinh hoạt hàng ngày, hạn chế đến mức thấp nhất cơ hội tiếp xúc với Ủy ban Quốc tế, giới báo chí và đồng bào yêu nước ở miền Nam, và cản trở việc trao đổi thông tin, báo cáo công tác và tiếp nhận ý kiến chỉ đạo từ các cấp lãnh đạo ở Hà Nội và Bộ Chỉ huy B2.

Tuy nhiên, bằng các biện pháp an ninh nghiêm ngặt, chúng ta đã biến Trại Davis thành một căn cứ cách mạng bất khả xâm phạm giữa vòng vây của địch. Ngay cả khi đối phương vào Trại Davis để sửa chữa điện nước hay tham gia các hoạt động chính thức, họ đều phải được ta cho phép, phải làm theo sự chỉ dẫn của ta, dưới sự giám sát chặt chẽ của ta. Nhờ căn cứ Trại Davis tuyệt đối an toàn mà hai Đoàn ĐBQS ta có một Đảng ủy, một Ban chỉ huy, một kế hoạch tác chiến để thực hiện chủ trương “tuy hai mà một, tuy một mà hai”.

Thi đấu thể thao trong Trại Davis.

Ba mục tiêu then chốt

Hai Đoàn ĐBQS của ta tập trung thực hiện ba mục tiêu then chốt: Buộc Mỹ rút hết quân Mỹ và quân đồng minh của Mỹ ra khỏi miền Nam; hoàn thành việc trao trả tù quân sự và tù dân sự của các bên; và thực hiện ngừng bắn, đi đến chấm dứt chiến sự ở miền Nam.

Việc thực hiện ba mục tiêu trên được hỗ trợ bằng cuộc đấu tranh dư luận, nhằm vạch trần âm mưu của Mỹ tiếp tục “Việt Nam hóa chiến tranh”, sử dụng chính quyền và quân đội Sài Gòn để phá hoại Hiệp định Paris, đồng thời khẳng định chúng ta nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định, nhưng cũng sẵn sàng trừng trị hành động phá hoại của đối phương.

Tại các cuộc họp của Ban Liên hợp quân sự (LHQS) 4 bên để bàn kế hoạch rút quân, chúng ta đã kiên quyết bác bỏ những đòi hỏi vô lý của phía Mỹ, dứt khoát đòi họ phải rút hết quân trong 4 đợt, mỗi đợt tương đương 25% số quân và phải hoàn thành trong vòng 60 ngày theo quy định tại Hiệp định Paris. Chúng ta cũng chuẩn bị kỹ càng để đề phòng phía Sài Gòn gây sự cố ở các địa điểm tập kết quân, bảo đảm an toàn tuyệt đối và tuân thủ các thủ tục để Mỹ không có bất kỳ lý do gì để trì hoãn. Đồng thời chúng ta đã khôn khéo sử dụng vấn đề trao trả tù binh Mỹ để thúc đẩy Mỹ rút quân.

Cả 4 đợt rút quân Mỹ và quân đồng minh của Mỹ được thực hiện xong với tổng cộng gần 54.000 người, trong thời hạn 60 ngày, chấm dứt hơn 20 năm can thiệp quân sự của Mỹ và 8 năm quân viễn chinh Mỹ tham chiến trực tiếp ở miền Nam. Sự kiện này, diễn ra một cách công khai và được tuyên truyền rộng rãi trên khắp thế giới, đã gây ra cú sốc tâm lý cực lớn đối với quân đội Sài Gòn, vốn lệ thuộc vào quân viễn chinh Mỹ. Như vậy, chúng ta đã hoàn thành nhiệm vụ “đánh cho Mỹ cút”, tạo tiền đề vững chắc để tiến đến “đánh cho ngụy nhào” như Bác Hồ mong muốn.

Trại Davis năm 1966, là doanh trại của “Tổ viễn thám số 3” của quân đội viễn chinh Mỹ.

Tuy số tù binh Mỹ bị ta giam giữ không nhiều, nhưng phần lớn là phi công bị bắt ở miền Bắc, thuộc lực lượng tinh nhuệ bậc nhất của Mỹ, nhiều người thuộc hàng “danh gia vọng tộc”. Chính phía Mỹ thừa nhận việc sớm hồi hương tù binh là “vấn đề dễ gây xúc động nhất”, là “nhiệm vụ quan trọng nhất”. Nhưng, trên thực tế, Mỹ và chính quyền Sài Gòn vẫn gây khó khăn cho việc trao trả tù quân sự và tù dân sự. Họ vô cớ đòi ta phải trả tù binh Mỹ bị Pathet Lào giam giữ và trả 67.000 tù dân sự; họ cố tình cắt giảm số tù quân sự và tù dân sự họ phải trả cho ta và dàn dựng các vụ người tù của ta “hồi chánh quốc gia”; họ cài cắm tù quân phạm và tù thường phạm của họ vào tù quân sự mà họ trao trả cho ta và ném bom một số nơi ta chọn làm địa điểm trao trả tù binh... Sau nhiều ngày đấu tranh quyết liệt với đối phương, ta đã trả cho Mỹ 554 tù quân sự bị giam giữ ở miền Bắc và miền Nam. Những tù binh Mỹ cuối cùng rời khỏi sân bay Gia Lâm chiều 29/03/1973 để về nước cũng là lúc những binh sĩ Mỹ cuối cùng rời khỏi sân bay Tân Sơn Nhất để hồi hương.

Cùng với đó, chúng ta đã đấu tranh buộc chính quyền Sài Gòn phải trao trả cho ta 26.492 tù quân sự và 5.075 tù dân sự, đồng thời ta trao trả cho phía Sài Gòn 5.425 tù quân sự và 637 tù dân sự.

Về thực hiện ngừng bắn, đi đến chấm dứt chiến sự ở miền Nam, phía Sài Gòn - với tư cách là “bên chủ nhà”, đã tìm mọi cách gây khó khăn cho các hoạt động giám sát thực hiện ngừng bắn của Ủy ban Quốc tế và Ban LHQS 4 bên. Đồng thời, họ cản trở việc triển khai Ban LHQS 2 bên xuống 7 khu vực và 26 địa phương theo quy định tại Hiệp định Paris, bằng cách bố trí cho ta những khu nhà tồi tàn, phương tiện vừa thiếu vừa cũ nát, lại nằm giữa các lớp rào kẽm gai và bãi mìn dày đặc, xa các khu dân cư hoặc ở trong các căn cứ quân sự. Họ còn tổ chức bọn côn đồ hành hung, gây thương vong cho cán bộ, chiến sĩ ta đi làm nhiệm vụ…

Hai Đoàn ĐBQS ta đã sử dụng tất cả các diễn đàn có trong tay (họp báo hàng tuần, quan hệ với các nhà báo, Ủy ban Quốc tế, Ban LHQS 4 bên và 2 bên và Tổ LHQS 4 bên về người Mỹ mất tích…) để đấu tranh dư luận. Chúng ta đã gửi đến Ủy ban Quốc tế 924 công hàm, tố cáo 18.971 vụ vi phạm ngừng bắn. Ủy ban Quốc tế đã tiến hành 390 cuộc điều tra tại chỗ và đi đến kết luận về 5 vụ với những nhận xét bất lợi cho phía Sài Gòn và không có nhận xét nào bất lợi cho ta.

Cuộc hội ngộ Bắc - Nam giữa Thiếu tướng Lê Quang Hòa và Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn ở sân bay Tân Sơn Nhất.

Khi nhận thấy không còn khả năng thực hiện ngừng bắn, chúng ta đã có những hành động ngày càng quyết liệt: Công bố lệnh kiên quyết giáng trả mọi hành động chiến tranh của chính quyền Sài Gòn, kể cả ở nơi xuất phát (ngày 15/10/1973); quyết định tạm rút khỏi các cuộc họp của Ban LHQS 2 bên (ngày 10/05/1974); đình chỉ việc triển khai Ban LHQS 2 bên xuống các khu vực và địa phương (tháng 08/1974); chính thức đình chỉ Ban LHQS 2 bên và chính thức rút khỏi Diễn đàn hiệp thương giữa Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (CPCMLT) và chính quyền Sài Gòn ở La Celle Saint Cloud và đàm phán cấp cao giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Hoa Kỳ ở Paris (ngày 08/10/1974). Mặc dù vậy, chúng ta kiên quyết ở lại Trại Davis và phát huy tối đa thế đứng công khai và hợp pháp của mình để tiếp tục cuộc đấu tranh dư luận.

Hơn 500 nhà báo nước ngoài và 77 cơ quan đại diện thông tấn, báo chí của các nước phương Tây (trong đó có 21 cơ quan đại diện của Mỹ) tại Sài Gòn theo dõi từng động thái của hai Đoàn ĐBQS ta. Họ ráo riết săn lùng những tin tức nóng nhất và đưa tin kịp thời nhất “đến tận buồng ngủ của các gia đình Mỹ”. Cũng như ở Paris, Sài Gòn là địa bàn lý tưởng để chúng ta mở mặt trận đấu tranh dư luận một cách chủ động, bài bản và có hiệu quả cao.

Dư luận của giới báo chí ở Sài Gòn dần dần chuyển biến có lợi cho ta, từ chỗ đưa nhiều tin, đăng nhiều bài bất lợi đến chỗ có thiện cảm với ta, số tin/bài bất lợi giảm dần và số tin/bài có lợi tăng dần. Đặc biệt, từ khi chúng ta giải phóng Buôn Ma Thuột, một số nhà báo còn chủ động gọi điện thoại trực tiếp cho hai đoàn ĐBQS ta để báo tin về các trận đánh lớn trên chiến trường.

Tại cuộc họp báo hàng tuần sáng 26/04/1975 đông nghẹt người, không chỉ các nhà báo mà còn có người của chính quyền, an ninh, tình báo, phản gián đến dự. Đại tá Võ Đông Giang đã công bố Tuyên bố của CPCMLT về các điều kiện để mở đàm phán, gồm 9 điều kiện với Mỹ và 7 điều kiện với chính quyền Sài Gòn, thực chất là “tối hậu thư” buộc đối phương phải đầu hàng vô điều kiện. Đây cũng là ngày đại quân ta nổ súng mở đầu cuộc tổng tấn công vào nội đô Sài Gòn.

Cuộc họp báo cho thấy thế đứng vững vàng của cách mạng trước dư luận quốc tế và dư luận ở miền Nam. Đó cũng là một trong những kết quả nổi bật mà chúng ta giành được sau 823 ngày gian khổ thi hành Hiệp định Paris ở miền Nam.

Ông Phan Đức Thắng.

Điểm hẹn lịch sử, trận địa kiên cường

Trong những ngày cuối của Chiến dịch Hồ Chí Minh, Trại Davis trở thành một “điểm hẹn” mà phía Mỹ và chính quyền Sài Gòn tìm mọi cách tiếp xúc để thăm dò ý đồ và kế hoạch quân sự của ta, làm chậm đà tiến quân của ta, tìm kiếm giải pháp thương lượng cho miền Nam hoặc “vận động hậu trường” hòng tìm kiếm một chỗ đứng trong tương lai chính trị ở miền Nam.

Đại sứ Mỹ Martin và “trùm tình báo” Polgar đã nhiều lần “bắn tin” cho ta qua Đoàn ĐBQS Mỹ trong Tổ LHQS 4 bên, phái đoàn Hungary và phái đoàn Ba Lan trong Ủy ban Quốc tế. Chúng ta đã khôn khéo khai thác những kênh này để “tung hỏa mù” nhằm làm cho Mỹ và chính quyền Sài Gòn đánh giá sai ý đồ và kế hoạch của ta hoặc để tìm hiểu ý đồ và tình hình nội bộ của đối phương, giúp cấp trên nắm bắt kịp thời và đánh giá chính xác tình hình của địch.

Trong tuần lễ trước ngày 30/04/1975, chính quyền Sài Gòn của ông Trần Văn Hương và ông Dương Văn Minh đã cử một số cá nhân và đoàn đại diện đến Trại Davis xin gặp hai phái đoàn ta để tìm kiếm “giải pháp thương lượng” và thảo luận việc “bàn giao chính quyền”. Chúng ta đã kiên quyết từ chối tiếp họ hoặc yêu cầu họ về khuyên ông Minh nên đầu hàng ngay bởi ông ta “chẳng còn gì để thương lượng nữa”.

Đại quân ta càng tiến nhanh về phía Nam thì việc bảo vệ an toàn cho hai Đoàn ĐBQS ta, với gần 300 sĩ quan và chiến sĩ, càng làm cho Bộ Chỉ huy B2 và Bộ Tư lệnh Chiến dịch lo lắng. Một “Kế hoạch giải cứu Trại Davis” đã được đề xuất.

Sau khi nghiên cứu và tính toán kỹ mọi phương án, ngày 08/04/1975, Đảng ủy của hai phái đoàn ta đã quyết định đơn vị sẽ ở lại Trại Davis để chiến đấu, thay vì thực hiện “Kế hoạch giải cứu”. Toàn đơn vị đã lập tức bắt tay vào một chiến dịch khẩn trương, âm thầm xây dựng hệ thống hầm hào vững chắc dưới lòng đất và đẩy mạnh công tác chính trị - tư tưởng nội bộ, bảo đảm tất cả 300 con người thống nhất về ý chí và hành động để chuẩn bị cho cuộc chiến đấu phía trước.

Với quyết định bám trụ chiến đấu, hai Đoàn ĐBQS ta không chỉ hoàn thành nhiệm vụ đấu tranh ngoại giao quân sự thi hành Hiệp Paris mà còn trực tiếp tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Tại cuộc họp của Bộ Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh ở Trại Davis ngày 02/05/1975, với sự có mặt đông đủ của Tư lệnh 5 cánh quân, Thượng tướng, Phó Tư lệnh Trần Văn Trà tuyên bố: “Bộ Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh công nhận Đoàn ĐBQS ta trong Ban LHQS ở Trại Davis là đơn vị trực tiếp tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Bên cạnh 5 cánh quân tiến vào Sài Gòn, Đoàn là mũi tiến công thứ 6 - mũi tiến công ngoại giao quân sự hết sức độc đáo, đặc sắc của chiến tranh nhân dân Việt Nam”.

* Tác giả nguyên là sĩ quan phiên dịch, từng tham gia các đợt trao trả tù quân sự và tù dân sự ở Lộc Ninh từ đầu năm 1973. Đầu năm 1974, ông được chuyển về Đoàn Đại biểu quân sự Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trong Ban Liên hợp quân sự Trung ương ở Trại Davis.

Phan Đức Thắng *

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/quyet-liet-cuoc-dau-tranh-thi-hanh-hiep-dinh-paris-o-mien-nam-213619.html