Quyết liệt chấn chỉnh việc lấn chiếm hè đường

Chỉ còn gần một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, đường phố Hà Nội đã đông đúc, chật chội và dự báo càng đông người tham gia giao thông khi cận Tết. Trong khi đó, vỉa hè vẫn bị chiếm dụng cho việc buôn bán, để xe, thay vì là chỗ cho người đi bộ đơn thuần, dẫn đến nguy cơ tai nạn giao thông cho cả người đi bộ cũng như người tham gia giao thông. Các cơ quan chức năng, nhất là chính quyền địa phương cần quyết liệt xử lý để chấn chỉnh, sớm chấm dứt tình trạng chiếm dụng vỉa hè.

Lực lượng chức năng phường Lê Đại Hành (quận Hai Bà Trưng) nhắc nhở một quán cà phê lấn chiếm vỉa hè. Ảnh: Đỗ Tâm

Hè đường bị chiếm dụng triệt để

Khảo sát của phóng viên Báo Hànôịmới tại quận Hai Bà Trưng, tình trạng hàng quán bày bàn ghế, dựng xe tại vỉa hè khá phổ biến. Cụ thể, từ số nhà 100-200 phố Bà Triệu; phố Thái Phiên, Lê Đại Hành (quận Hai Bà Trưng)… các cửa hàng bán ô mai, trà đá, cà phê… trưng dụng bàn ghế, biển quảng cáo; xe máy, ô tô dựng dưới lòng đường, cản trở lối đi của người đi bộ. Chị Lê Thu Hoài, phố Đoàn Trần Nghiệp (quận Hai Bà Trưng) bức xúc: “Mỗi lần đi bộ qua các tuyến phố trên, chúng tôi đều phải đi ở lòng đường bởi vỉa hè vốn nhỏ hẹp lại bị đồ đạc bày bừa bãi”.

Tình trạng tương tự cũng xảy ra trên địa bàn quận Đống Đa. Tại phố Láng Hạ (đoạn khách sạn Fortuna), phố Huỳnh Thúc Kháng (trước Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ), ngõ 165, 169 Thái Hà… liên tục có xe ô tô dừng, đỗ trên vỉa hè, hàng quán lợi dụng khoảng trống để kinh doanh. Tại phố Ngụy Như Kon Tum (quận Thanh Xuân), vỉa hè biến thành bãi đỗ xe ô tô. “Chỉ một đoạn đường vài trăm mét từ trường về nhà mà em phải liên tục lên, xuống vỉa hè. Nhiều lần em đành đi ở lòng đường dù biết là sai luật”, em Nguyễn Trọng Đông, học sinh Trường Trung học phổ thông Nhân Chính cho biết.

Hoặc tại vỉa hè xung quanh các ngõ phố Nguyễn Thị Định, Hoàng Đạo Thúy, Hoàng Ngân,... (quận Cầu Giấy) luôn phủ kín xe ô tô đỗ trên hè khiến người dân vô cùng bức xúc. Đường Xuân Thủy đoạn đi qua cổng chợ Xanh (quận Cầu Giấy) dù vỉa hè nhỏ hẹp, nhưng các cửa hàng vẫn bày bán sạc, ốp điện thoại, thịt nướng…

Còn xung quanh Bệnh viện Bưu Điện phố Trần Điền (quận Thanh Xuân), khu vực cổng chợ Xanh thuộc Khu đô thị Định Công hay tại sân các nhà chung cư thuộc phường Định Công (quận Hoàng Mai), vỉa hè đều bị chiếm dụng vào mục đích kinh doanh, để xe máy, ô tô…

Thực tế, sự thiếu ý thức của các chủ cửa hàng là nguyên nhân khiến vỉa hè càng bị chiếm dụng. Nguyên nhân khác, theo Thiếu tá Đào Việt Long, Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) khi các lỗi đi xe, đỗ xe, kinh doanh trên vỉa hè vào khung giờ cao điểm, thì lực lượng chức năng ưu tiên việc phân luồng, điều tiết giao thông. Đây cũng là cái khó của lực lượng chức năng.

Vỉa hè phố Ngụy Như Kon Tum (quận Thanh Xuân) biến thành nơi để xe máy, ô tô.

Cần quyết liệt xử lý vi phạm

Theo Chủ tịch UBND phường Lê Đại Hành (quận Hai Bà Trưng) Nguyễn Thị Hồng Hạnh, các tuyến phố có diện tích vỉa hè dưới 1m, UBND phường chỉ nhắc nhở các cửa hàng không được để xe máy ở vỉa hè. “Tuy nhiên, nhắc nhở thôi là chưa đủ. Về lâu dài, UBND phường yêu cầu lực lượng công an phường tiếp tục nhắc nhở, tuần tra và sẽ xử phạt nặng với các cửa hàng cố tình lấn chiếm vỉa hè”, bà Hạnh cho hay. Còn Chủ tịch UBND phường Giảng Võ (quận Ba Đình) Nguyễn Ngọc Chiến khẳng định, UBND phường đã huy động sự vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền, công an phường cùng các tổ dân phố phối hợp ra quân kiểm tra, tổ chức giải tỏa, phạt tiền các trường hợp vi phạm và sẽ duy trì cách làm này trong thời gian tới.

Về vấn đề này, Trung tá Hoàng Minh Tuấn, Phó Trưởng Công an phường Định Công (quận Hoàng Mai) cho biết, đơn vị tổ chức tuần tra 3 lượt/ngày, qua đó kịp thời phát hiện những phát sinh về lấn chiếm vỉa hè để trông giữ xe, buôn bán. Những ngày tới, đơn vị sẽ tăng cường mật độ tuần tra để xử lý triệt để vi phạm.

Thượng tá Lê Văn Thắng, Phó Trưởng Công an quận Hoàng Mai cho biết, từ việc hàng chục đội viên Đội Giao thông xanh của quận tình nguyện tham gia trực chốt cùng lực lượng công an hằng ngày, nhắc nhở người dân không vi phạm trong thời gian qua, quận sẽ nhân rộng cách làm này để bảo đảm người đi bộ được đi trên vỉa hè. Từ đó hạn chế nguy cơ tai nạn giao thông cho người đi bộ cũng như lái xe, góp phần mang lại nét đẹp văn minh đô thị trên địa bàn.

Từ ngày 1-12-2020 đến hết 28-2-2021, Công an thành phố Hà Nội mở đợt cao điểm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; trật tự đô thị; trật tự công cộng dịp Tết Nguyên đán. Đại tá Nguyễn Hồng Ky, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội yêu cầu các đơn vị phối hợp với cả hệ thống chính trị, xã hội cùng phối hợp ra quân bảo đảm “đường thông, hè thoáng”. Bên cạnh đó, rà soát, xác định điểm nào là “boong ke” khó giải tỏa, mới phát sinh hoặc có nguy cơ phát sinh để có phương án, kế hoạch huy động lực lượng, phương tiện xử lý. Để đạt được những yêu cầu này, đòi hỏi các ngành, cấp, chính quyền địa phương phải kiên quyết hơn nữa nhằm loại trừ hiện tượng thiếu ý thức này.

Hiệp - Dung

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/988585/quyet-liet-chan-chinh-viec-lan-chiem-he-duong