Quyết liệt cắt giảm điều kiện kinh doanh nhưng không buông lỏng quản lý

Trong vòng 3 năm trở lại đây, Bộ Công Thương là một trong những bộ đi đầu trong thực hiện chủ trương cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ những rào cản để thúc đẩy sự phát triển của đất nước. Sau khi hoàn thành cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh-con số cắt giảm được cho là chưa từng có trong lịch sử ngành công thương, bộ sẽ tiếp tục cắt giảm 202 thủ tục điều kiện kinh doanh trên tổng số 541 điều kiện kinh doanh còn lại trong giai đoạn 2019-2020.

Tiên phong tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp

Theo đánh giá của Tổ công tác của Thủ tướng được công bố mới đây, hiện có Bộ Công Thương đạt yêu cầu theo nghị quyết của Chính phủ, còn hầu hết các bộ, ngành còn lại chưa đạt, chưa cắt giảm, số lượng cắt giảm quá ít và bị yêu cầu tiếp tục cắt giảm.

Cụ thể, ngày 15-5-2018, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo (Nghị quyết số 19), trong đó khoản 3, mục II yêu cầu các bộ: “Hoàn thành việc bãi bỏ, đơn giản hóa 50% điều kiện đầu tư, kinh doanh; kiến nghị bãi bỏ một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư”. Song, đáng chú ý, nhiệm vụ này đã được Bộ Công Thương hoàn thành tại Nghị định số 08/2018/NĐ-CP ngày 15-1-2018 của Chính phủ sửa đổi một số nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương. Theo đó, tổng số điều kiện đầu tư, kinh doanh được bãi bỏ theo Nghị định số 08/2018/NĐ-CP và 8 nghị định đã trình trong năm 2017, 2018 là 675 điều kiện trên tổng số 1.216 điều kiện kinh doanh của 27 ngành, nghề thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương (chiếm tỷ lệ 55,5%). Như vậy, Bộ Công Thương đã hoàn thành phương án đề xuất tại Quyết định số 3610a/QĐ-BCT ngày 20-9-2017 của Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành phương án rà soát cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương giai đoạn 2017-2018.

Nhiều điều kiện kinh doanh của ngành công thương được cắt giảm đã hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Trong ảnh:Sản xuất thép thanh của Tập đoàn Hòa Phát. Ảnh: NGHI TRẦN

Vào thời điểm Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh ký ban hành Quyết định số 3610a/QĐ-BCT, các chuyên gia cũng như dư luận cả nước đánh giá đây là cuộc cải cách chưa từng có trong lịch sử ngành công thương nhiều năm nay. Thậm chí, nhiều ý kiến còn nhận xét rằng: Người đứng đầu ngành đang tự "lấy đá ghè chân mình". TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), người đề xuất cắt bỏ hơn 2.000 điều kiện kinh doanh đã thẳng thắn nhận xét: “Phải có sự hy sinh, quyết tâm lắm, Bộ Công Thương mới làm được như vậy. Muốn cải cách như thế này, chúng ta phải chấp nhận hy sinh lợi ích, bước lên một bước cao hơn, thúc đẩy cho phát triển chung”. Và với quyết định tiên phong này của Bộ Công Thương, Thủ tướng Chính phủ cũng đã nhiều lần khen ngợi và cho rằng đây là con số rất lớn chứng tỏ Bộ Công Thương đang rất quyết tâm nhằm bảo đảm môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, theo thông lệ quốc tế.

Tiếp tục tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển

Mặc dù đã hoàn thành sớm chỉ tiêu do Chính phủ đưa ra là phải bãi bỏ, đơn giản hóa 50% điều kiện đầu tư, kinh doanh do bộ quản lý, song không dừng lại ở đó, ông Nguyễn Anh Sơn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Công Thương) cho biết, ngày 11-10 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã ban hành Quyết định số 3720/QĐ-BCT ban hành Phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương giai đoạn 2019-2020. Theo đó, bộ sẽ tiếp tục cắt giảm 202 thủ tục điều kiện kinh doanh trên tổng số 541 điều kiện kinh doanh còn lại, tập trung vào các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Theo đó, 8 lĩnh vực được lựa chọn là: Kinh doanh thực phẩm; kinh doanh sản phẩm thuốc lá, nguyên liệu thuốc lá, máy móc thiết bị thuộc chuyên ngành thuốc lá; lĩnh vực điện; kinh doanh rượu; hóa chất; khoáng sản; than; lĩnh vực sản xuất, nhập khẩu, bảo hành, bảo dưỡng ô tô.

Như vậy, với việc cắt giảm, đơn giản hóa lần 1 tại Nghị định số 08/2018/NĐ-CP là 55,5% cộng với dự kiến cắt giảm lần này thì tỷ lệ cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh của Bộ Công Thương sẽ tương ứng hơn 72% điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ và tương ứng với khoảng 14% số điều kiện kinh doanh của cả nước cần cắt giảm. “202 điều kiện mới được đề nghị cắt giảm quy định ở những ngành nghề khác nhau. Bộ Công Thương sẽ xây dựng nghị định cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh này, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành”, ông Nguyễn Anh Sơn khẳng định.

Chia sẻ với những quan điểm này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng nhiều lần bày tỏ: "Đây là quá trình không đơn giản, nhưng lãnh đạo bộ quyết tâm thực hiện, hướng tới mục tiêu phục vụ doanh nghiệp và người dân. Đã có những cuộc sinh hoạt chính trị rộng khắp trong toàn ngành để tạo thay đổi trong nhận thức của từng cán bộ, công chức. Việc rà soát, cắt giảm thủ tục được tiến hành công khai, minh bạch, qua nhiều lần, nhiều tầng, nấc chứ không chạy theo thành tích, cắt giảm phải có cơ sở và không được buông lỏng, vẫn phải đáp ứng được yêu cầu quản lý Nhà nước”.

Thực tế đã cho thấy, Bộ Công Thương đã thực sự chuyển động và cải cách mạnh mẽ theo đúng tinh thần của Đảng, Nhà nước và Chính phủ là kiến tạo, đổi mới, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp để phát triển kinh tế. Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, việc làm thiết thực này sẽ tạo ra cú hích, tạo ra bước đột phá cho một cuộc cải cách rộng khắp, để nhiều bộ, ngành học tập, làm theo.

KHÁNH AN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/quyet-liet-cat-giam-dieu-kien-kinh-doanh-nhung-khong-buong-long-quan-ly-552554