Quyết liệt các giải pháp thu hồi nợ thuế những tháng cuối năm

Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, nợ thuế đến 30/9 đã giảm gần 2.500 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2018. Kết quả trên cho thấy, những nỗ lực của cả hệ thống thuế trong việc thực hiện quyết liệt các giải pháp quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế mà Bộ Tài chính chỉ đạo.

Bộ phận “một cửa” Chi cục Thuế khu vực Phú Lương - Định Hóa (Thái Nguyên).

Bộ phận “một cửa” Chi cục Thuế khu vực Phú Lương - Định Hóa (Thái Nguyên).

Nợ thuế không có khả năng thu chiếm tỷ trọng 48,7%

Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, tổng số tiền thuế nợ tính đến cuối tháng 9/2019 là 80.786 tỷ đồng, giảm 3% so với cùng kỳ năm 2018, giảm 2,4% so với thời điểm 31/8/2019. Trong đó, tiền thuế nợ có khả năng thu là 41.472 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 51,3% tổng số tiền thuế nợ, giảm 12,5% so với cùng kỳ năm 2018, giảm 5% so với thời điểm 31/8/2019. Cụ thể, các khoản thuế, phí người nộp thuế còn nợ là 13.636 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 16,9% tổng số tiền thuế nợ. Các khoản nợ liên quan đến đất là 10.714 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 13,3% tổng số tiền thuế nợ. Các khoản phạt vi phạm hành chính và tiền chậm nộp thuế là 17.122 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 21,2% tổng số tiền thuế nợ.

Tiền thuế nợ không còn khả năng thu hồi của người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, liên quan đến trách nhiệm hình sự, đã tự giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động sản xuất kinh doanh, không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh là 39.314 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 48,7% tổng tiền thuế nợ, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2018.

Xây dựng cơ chế chính sách về xử lý nợ thuế

Để xử lý dứt điểm các khoản nợ thuế không có khả năng thu hồi, Bộ Tài chính đã và đang hoàn thiện về cơ chế chính sách để xử lý nợ, trong đó đã đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý nợ thuế, cưỡng chế nợ, xóa nợ thuế, khoanh nợ thuế, xử lý nợ thuế trong Luật Quản lý thuế sửa đổi để phù hợp với thực tế phát sinh và theo thông lệ quốc tế, quản lý thu hiệu quả số tiền nợ thuế. Đối với các khoản nợ thuế không còn khả năng thu, Bộ Tài chính đang tiếp tục hoàn thiện dự thảo nghị quyết của Quốc hội về xử lý tiền thuế nợ đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước để trình Chính phủ trình Quốc hội khóa 14 xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2019).

Chia sẻ về công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế, ông Đoàn Xuân Toản - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế (Tổng cục Thuế) cho biết, do tập trung đôn đốc thu hồi nợ thuế, nên số tiền nợ thuế thu được đã tăng so với cùng kỳ. Báo cáo cho thấy, đến cuối tháng 9/2019, cơ quan thuế các cấp đã thực hiện các biện pháp đôn đốc thu nợ tại thời điểm 31/12/2018 đạt 24.767 tỷ đồng, bằng 63,9% tổng nợ đến 90 ngày và trên 90 ngày tại thời điểm 31/12/2018. Trong đó, thu bằng biện pháp quản lý nợ là 15.803 tỷ đồng; thu bằng biện pháp cưỡng chế nợ là 8.964 tỷ đồng.

Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu

Mặc dù số tiền nợ thuế đang có chiều hướng giảm, tuy nhiên tổng số tiền nợ thuế vẫn còn cao so với tổng thu ngân sách. Đại diện cơ quan quản lý nợ thuế của Tổng cục Thuế cho biết, từ nay đến cuối năm, Tổng cục Thuế tiếp tục tăng cường công tác quản lý nợ và cưỡng chế thu hồi nợ thuế, qua đó giảm tiền thuế nợ đọng theo chỉ đạo của Bộ Tài chính tại Chỉ thị số 04/CT-BTC. “Đến nay, cơ quan thuế các cấp vẫn đang triển khai quyết liệt các giải pháp thu hồi nợ đọng thuế; đồng thời phối hợp chặt chẽ với các sở ban ngành trên địa bàn để phối hợp thu hồi, xử lý nợ đọng thuế” - ông Toản nói.

Ông Đoàn Xuân Toản cũng cho biết, theo chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đang tiếp tục tăng cường chỉ đạo các cục thuế đẩy mạnh các giải pháp quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu và của từng cán bộ, công chức trong việc thu hồi nợ thuế, nhằm giảm nợ đọng thuế theo chỉ tiêu đã giao.

Cùng với đó, cơ quan thuế các cấp tiếp tục đánh giá, phân loại, chuẩn hóa dữ liệu nợ thuế, trên cơ sở đó đề ra các giải pháp thu nợ phù hợp; thực hiện triệt để các biện pháp thu hồi nợ thuế của cơ quan quản lý thu đã đề ra như: trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản, thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng, kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên, thu hồi giấy phép kinh doanh và công khai thông tin người nợ thuế trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt tập trung đối với các doanh nghiệp cố tình chây ỳ nợ thuế; tập trung thu hồi các khoản nợ đọng thuế mới phát sinh, không để phát sinh số nợ thuế mới.

“Chúng tôi đã yêu cầu các cục thuế phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương trên địa bàn trong việc thu hồi nợ đọng thuế; thành lập ban chỉ đạo chống thất thu, thu hồi nợ đọng, tập trung thu hồi các khoản nợ liên quan đến đất của các dự án do chính quyền địa phương quản lý” - ông Toản nói.

Bên cạnh các giải pháp chủ yếu nêu trên, đại diện cơ quan quản lý nợ thuế của Tổng cục Thuế cho biết thêm, Tổng cục Thuế cũng yêu cầu cơ quan thuế các cấp tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế, cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người nộp thuế.

Theo Nhật Minh/Thời báo Tài chính Việt Nam

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/quyet-liet-cac-giai-phap-thu-hoi-no-thue-nhung-thang-cuoi-nam/20191016112337327