Quyết liệt bảo vệ rừng

Vài cơn mưa trái mùa tuy giúp phần nào giải hạn mùa khô, nhưng nhiều diện tích rừng trên địa bàn An Giang vẫn đối mặt nguy cơ cháy cao. Để bảo vệ rừng hiệu quả, cùng với nỗ lực của tỉnh, cần thêm sự hỗ trợ từ Trung ương, đặc biệt là nguồn kinh phí và trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy hiện đại.

Triển khai đồng bộ các phương án

Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm An Giang Trần Phú Hòa cho biết, tổng diện tích rừng và đất quy hoạch lâm nghiệp của tỉnh là 16.868ha, gồm: rừng đặc dụng 1.577ha, rừng phòng hộ 11.550ha, rừng sản xuất 3.741ha. Tỷ lệ che phủ rừng năm 2019 đạt 3,6%.

Rừng và đất rừng tỉnh An Giang chủ yếu nằm trên địa bàn các huyện: Tri Tôn, Tịnh Biên, Thoại Sơn và một phần TP. Châu Đốc, tuy diện tích không quá lớn nhưng có vai trò rất quan trọng trong việc phòng hộ bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ đa dạng sinh học, thúc đẩy phát triển du lịch cũng như phục vụ cho quốc phòng - an ninh biên giới.

Tăng cường lực lượng kiểm tra, bảo vệ rừng. Ảnh: ĐỨC TOÀN

Dự báo mùa khô 2019-2020 diễn ra khắc nghiệt, An Giang đã triển khai nhiều biện pháp phòng, chống cháy rừng như: kiện toàn Ban Chỉ đạo về chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh, Ban Chỉ huy các huyện, xã có rừng trên địa bàn tỉnh; triển khai tuyên truyền thường xuyên, sâu rộng trong hệ thống chính trị, các tổ chức, cá nhân có rừng và trong cộng đồng dân cư về các quy định bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR). Khi tổ chức thăm các chùa Khmer trên địa bàn 2 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên nhân lễ, Tết cổ truyền của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer, các địa phương, ngành chức năng đã kết hợp tuyên truyền công tác bảo vệ và phát triển rừng.

Ngày 11-12-2019, Ban Chỉ đạo về chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh đã ban hành Công văn số 01/BCĐ, yêu cầu tăng cường công tác bảo vệ rừng và PCCCR. Ông Trần Phú Hòa cho biết, đến nay, trên địa bàn tỉnh đã tổng kết và xây dựng, triển khai 37/37 phương án, kế hoạch bảo vệ rừng và PCCCR. Trong đó, cấp tỉnh triển khai 2 kế hoạch (Ban Chỉ huy cấp tỉnh và Kế hoạch hiệp đồng phòng, chống cháy nổ, cháy rừng và cứu sập của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh). Đối với cấp huyện, có 8 kế hoạch được triển khai, còn cấp xã là 24 kế hoạch. Riêng các tổ chức có quản lý rừng thực hiện 3 phương án (Lâm trường Tỉnh đội; Ban quản lý rừng phòng hộ đặc dụng tỉnh; Chi cục Kiểm lâm).

Cùng với thực hiện các biện pháp kỹ thuật, các huyện, xã có rừng còn xây dựng kế hoạch diễn tập chữa cháy rừng tại địa phương với quy mô nhỏ trong khả năng kinh phí cho phép.

Tăng cường lực lượng

Đến nay, UBND các huyện: Tri Tôn, Tịnh Biên, Thoại Sơn và TP. Châu Đốc đã kiện toàn Ban Chỉ huy Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững cấp huyện để chỉ đạo, điều hành công tác bảo vệ và phát triển rừng. Trong khi đó, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Kiểm lâm sẵn sàng tham gia chữa cháy khi có cháy rừng xảy ra. Các lực lượng bảo đảm thông tin liên lạc để kịp thời ứng phó. Đối với Chi cục Kiểm lâm, Ban Quản lý rừng, bố trí lực lượng thường trực, tiếp tục duy trì hoạt động các tổ hợp tác bảo vệ rừng và vận động cộng đồng dân cư tại chỗ tham gia chữa cháy.

Về phương tiện, toàn tỉnh đã trang bị được 4 xe tải phục vụ chuyển quân (3 xe tải 5,5 tấn và 1 xe tải 1,25 tấn), 1 xe chuyên dùng cơ động của Hạt Kiểm lâm liên huyện Tịnh Biên - Châu Đốc, 1 xe 15 chỗ của Hạt Kiểm lâm liên huyện Tri Tôn - Thoại Sơn, 59 xuồng và vỏ lãi. Về công cụ, đã trang bị 122 máy chữa cháy (68 máy chữa cháy đồi núi cải tiến, 54 máy chữa cháy đồng bằng), 167 máy chữa cháy đeo vai và 7.535 dụng cụ các loại (thùng chứa nước, bình xịt, can đựng nước, bàn đập lửa, bàn cào, dao quéo, thùng thiếc, kẻng báo động…). Hiện nay, đã trang bị được 5 máy bơm công suất lớn (70HP) và 4 máy phao (11HP) bố trí tại rừng tràm Trà Sư, rừng tràm Tỉnh đội, rừng tràm Bình Minh và rừng tràm Tân Tuyến để ứng phó với các tình huống cháy lớn; bố trí các phương tiện, máy móc và dụng cụ thô sơ phục vụ công tác PCCCR theo phương châm 4 tại chỗ tại 230 điểm. Ngành kiểm lâm đã định vị, rà soát thống kê toàn bộ 190 hồ đập, bồn chứa nước phục vụ dân sinh và PCCCR khu vực đồi núi (dung tích từ 1m3/điểm trở lên); hợp đồng 76 người tham gia tuần tra bảo vệ rừng...

Nhờ chủ động trong công tác ứng phó nên từ đầu năm 2020 đến nay, trên địa bàn tỉnh chỉ xảy ra 1 vụ vi phạm sử dụng lửa gây cháy 300m2 lò ảng, dây leo, được phát hiện và dập tắt kịp thời nên không ảnh hưởng đến rừng. Nguyên nhân nghi vấn do người dân đốt tổ ong lấy mật.

Để thực hiện hiệu quả công tác bảo vệ rừng và PCCCR, An Giang kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục phân bổ kinh phí bảo vệ rừng và phát triển rừng theo chương trình 661 (ngưng bố trí từ năm 2016); hỗ trợ nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, thiết bị bay điều khiển từ xa (drone) phục vụ chữa cháy rừng đồi núi; tham mưu điều chỉnh một số điều của Nghị định số 06/2019/NĐ-CP theo hướng phù hợp thực tế hơn…

NGÔ CHUẨN

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/quyet-liet-bao-ve-rung-a264907.html