Quyết làm rõ việc tài xế Mercedes bán nhà khi bị tạm giam

Dư luận nghi vấn bị cáo Nguyễn Trần Hoàng Phong tẩu tán tài sản để né trách nhiệm bồi thường; VKSND TP.HCM yêu cầu VKSND quận Phú Nhuận xác minh chuyện bị cáo này ký bán căn hộ cho mẹ ruột khi đang bị tạm giam.

VKSND TP.HCM yêu cầu VKSND quận Phú Nhuận xác minh chuyện bị cáo Nguyễn Trần Hoàng Phong ký bán căn hộ cho mẹ ruột trong thời gian đang bị tạm giam.

Ba ngày trước phiên xử phúc thẩm (tức ngày 6-4), VKSND TP.HCM đã có văn bản yêu cầu VKSND quận Phú Nhuận xác minh chuyện bị cáo Nguyễn Trần Hoàng Phong ký bán căn hộ cho mẹ ruột trong thời gian Phong đang bị tạm giam. Thông tin này đã làm nức lòng dư luận, dù phiên xử phúc thẩm vào ngày 9-4 vừa qua phải hoãn do luật sư bào chữa cho bị cáo Phong vắng mặt không lý do.

Bị cáo Phong là người không có bằng lái điều khiển xe Mercedes tốc độ 84 km/giờ gây ra tai nạn kinh hoàng vào rạng sáng mùng 6 tết Canh Tý khiến chị Nguyễn Thị Bích Hường (nữ tiếp viên hàng không) bị thương tật 79% và một tài xế xe ôm công nghệ tử vong.

Trước đó, khi vụ án được TAND quận Phú Nhuận đưa ra xét xử sơ thẩm hồi tháng 12-2020, nhiều người ngỡ ngàng với tình tiết mẹ của Phong và công chứng viên được tạo điều kiện vào trại tạm giam gặp Phong để Phong ký công chứng chuyển nhượng căn hộ của mình cho mẹ với giá hơn 1 tỉ đồng.

Dư luận đặt nghi vấn đây là hành vi Phong cố tình tẩu tán tài sản duy nhất là căn hộ nhằm né tránh trách nhiệm bồi thường cho hai bị hại.

Bị cáo Nguyễn Trần Hoàng Phong tại tòa phúc thẩm. Ảnh: NGUYỆT NHI

Bị cáo Nguyễn Trần Hoàng Phong tại tòa phúc thẩm. Ảnh: NGUYỆT NHI

Tòa sơ thẩm tuyên phạt Phong bảy năm sáu tháng tù và buộc bồi thường 1,4 tỉ đồng cho chị Hường và 477 triệu đồng cho gia đình người lái xe ôm công nghệ. Tuy nhiên, tòa đã bác yêu cầu của chị Hường về việc kê biên tài sản mà Phong đã chuyển nhượng cho mẹ với nhận định rằng bị hại có thể yêu cầu tuyên bố giao dịch dân sự giữa mẹ con bị cáo là vô hiệu. Sau đó bị hại có thể đề nghị kê biên các tài sản thuộc quyền sở hữu của bị cáo để đảm bảo việc thi hành án.

Lẽ ra tòa sơ thẩm có thể trả hồ sơ yêu cầu làm rõ có hay không việc bị cáo tẩu tán tài sản nhưng lại không làm. Do đó, sau phiên xử sơ thẩm, việc VKSND TP.HCM yêu cầu VKSND cấp dưới làm rõ việc này đã được dư luận đồng tình ủng hộ.

Sau khi nhận được chỉ đạo, VKSND quận đã liên hệ CQĐT cùng cấp thu thập tài liệu liên quan. Bước đầu, VKSND quận thông tin rằng suốt quá trình tố tụng CQĐT đã không thông tin cho VKS về việc Phong bán căn hộ cho người mẹ.

Điều 128 BLTTHS hiện hành quy định biện pháp kê biên tài sản được áp dụng đối với bị can, bị cáo bị truy tố về tội có quy định hình phạt tiền hoặc có thể bị tịch thu tài sản hoặc để bảo đảm bồi thường thiệt hại. Những người có thẩm quyền ra lệnh, quyết định bắt bị can, bị cáo để tạm giam theo khoản 1 Điều 113, BLTTHS (trong đó đó thủ trưởng, phó thủ trưởng CQĐT, viện trưởng, phó viện trưởng VKSND các cấp) có quyền ra lệnh kê biên tài sản.

Theo quy định trên thì trường hợp của Phong thuộc một trong ba trường hợp cần kê biên tài sản để đảm bảo vấn đề bồi thường thiệt hại dân sự. Phong bị truy tố về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ gây thiệt hại tài sản, sức khỏe người khác, điều dĩ nhiên trách nhiệm bồi thường dân sự phải được đặt ra và giải quyết trong vụ án hình sự. Thế nhưng vì sao CQĐT lại không thực hiện việc này?

Chị Nguyễn Thị Bích Hường tại phiên xử phúc thẩm ngày 6-4. Ảnh: NGUYỆT NHI

Còn nhớ tại phiên tòa sơ thẩm, Phong khai thời điểm đó có một người ở phòng công chứng và cán bộ công an đến, mang giấy tờ yêu cầu ký. Còn hồ sơ thì thể hiện gày 18-6-2020, mẹ bị cáo Phong có đơn gửi Cơ quan CSĐT Công an quận Phú Nhuận với nội dung xin cho bà và người của văn phòng công chứng vào trại tạm giam để Phong ký chuyển nhượng căn hộ cho bà.

Như vậy không những không thực hiện đúng quy định tố tụng hình sự về việc kê biên tài sản mà CQĐT còn tạo điều kiện rõ ràng để mẹ con bị cáo Phong thực hiện việc công chứng hợp đồng mua bán nhà ngay trong trại tạm giam.

Hình ảnh chị Nguyễn Thị Bích Hường trút bỏ được đôi nạng gỗ, kiên cường lê từng bước chân đến phiên tòa phúc thẩm khiến người theo dõi không thể cầm lòng. Một vụ tai nạn giao thông đau lòng, hậu quả rất nặng nề nhưng phần bồi thường dân sự nhằm bù đắp phần nào những mất mát mà phía bị hại phải gánh chịu bị đẩy vào ngõ cụt vì bị cáo đã kịp tẩu tán xong tài sản duy nhất của mình.

Chị Hường và gia đình người lái xe ôm công nghệ đều kháng cáo đề nghị tăng án với Phong và xem xét hành vi tẩu tán tài sản, đề nghị tòa kê biên để đảm bảo thi hành án phần dân sự. Tất cả đang hướng về, đang chờ đợi kết quả xét xử của tòa phúc thẩm tại phiên tòa phúc thẩm được mở lại vào ngày 22-4 tới đây.

Nguồn PLO: https://plo.vn/phap-luat/quyet-lam-ro-viec-tai-xe-mercedes-ban-nha-khi-bi-tam-giam-978309.html