Quyết làm cao tốc Vân Đồn–Móng Cái: Hàng Trung Quốc tràn lan?

Với cao tốc Vân Đồn – Móng Cái hay dự án khác cần phải siết chặt chủ đầu tư trong vấn đề vốn, không thể dễ dãi theo kiểu tay không bắt giặc.

Nguồn vốn quan trọng nhất

UBND tỉnh Quảng Ninh và các đối tác vừa thống nhất việc đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Vân Đồn – Móng Cái.

Theo đó, UBND tỉnh đã thống nhất chọn liên danh nhà đầu tư Cái Mép - Thái Sơn - Vinaconex E&C - BRJSC12 – Khánh An - Cienco1 là chủ đầu tư dự án đường cao tốc. Dự án có chiều dài khoảng 91,17km với tổng số vốn đầu tư 14.000 tỷ đồng với quy mô đường cao tốc 4 làn xe, vận tốc thiết kế 100km/h. Dự án sẽ được thực hiện theo hình thức BOT và thu hồi vốn trong 25 năm.

Trước thông tin trên, trao đổi với Đất Việt, ông Bùi Danh Liên – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng nếu Quảng Ninh có khả năng đầu tư và huy động vốn để xây dựng cao tốc thì nên ủng hộ.

“Đó là quyền của họ. Tuy nhiên về nguồn vốn đầu tư, tôi cho rằng chúng ta không nên phân biệt vốn trong nước hay vốn Trung Quốc. Việt Nam và Trung Quốc là láng giềng điều này không thể thay đổi được. Nếu họ có thiện tình hợp tác thì cá nhân tôi ủng hộ, cũng không nên có ác cảm.

Đây là phía Trung Quốc cho vay tiền để làm. Vay tiền nhưng chúng ta phải làm chủ công trình đó. Trước đây do chúng ta sơ xuất nên các công trình xây dựng phần thiệt đều thuộc về phía Việt Nam. Nếu không có ràng buộc về chính trị mà cho vay vốn, cùng kinh doanh có lãi thì nên hợp tác”, ông Liên khẳng định.

Với cao tốc Vân Đồn – Móng Cái hay các dự án khác cần phải siết chặt chủ đầu tư trong vấn đề vốn, không thể dễ dãi theo kiểu tay không bắt giặc. Ảnh minh họa

Cùng đưa ra quan điểm, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN khẳng định, việc một tỉnh như Quảng Ninh đứng đầu làm đường cao tốc là chuyện hết sức bình thường khi địa phương có nhu cầu và cảm thấy cần thiết. Tuy nhiên với phương án mà Quảng Ninh nêu ra, ông Thanh cho rằng cần chú ý đến thực lực của các nhà đầu tư trong nước.

“Sau khi xem xét cụ thể các khả năng nếu làm được thì chúng ta làm. Tôi nghĩ việc đó là bình thường, không phải là dũng cảm”, ông Thanh khẳng định.

Quyết làm cao tốc Vân Đồn-Móng Cái: Quảng Ninh quá kỳ vọng?

Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Quang Toản, Nguyên chủ nhiệm khoa Cầu đường, ĐHGTVT đánh giá việc Quảng Ninh huy động được nguồn lực trong nước thực hiện cao tốc Vân Đồn – Móng Cái thì đỡ phải vay vốn của nước ngoài cũng như chịu các điều kiện ràng buộc.

“Với dự án 14.000 tỷ đồng, tôi nghĩ các nhà thầu trong nước nếu có một đường lối tốt thì đều có thể thực hiện. Các nhà đầu tư cần xem xét đến yếu tố có khả năng thực hiện dự án hay không và họ có được những lợi ích như thế nào để đầu tư dự án có tính khả thi cao, thực hiện đúng tiến độ, chất lượng. Bài toán về nguồn vốn là quan trọng nhất”, ông Toản nhấn mạnh.

Không được ép dân thu tiền

Tiếp tục đưa ra phân tích, ông Toản cho rằng việc đầu tư xây dựng cao tốc ở Việt Nam đang đi khác với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Theo vị chuyên gia, đối với các nước, khi mạng lưới đường giao thông thông thường phát triển tốt, thỏa mãn được nhu cầu của người dân thì họ mới tính đến việc phát triển đường cao tốc. Những ai đi đường cao tốc đều tự nguyện và chấp nhận trả phí đi lại cho mục đích của mình.

Tuy nhiên ở Việt Nam hiện nay, hầu hết các tuyến đường thông thường còn chưa đáp ứng được các nhu cầu tối thiểu của người dân. Tuy nhiên, chúng ta vẫn bắt buộc phải phát triển đường cao tốc để phục vụ các mục tiêu lâu dài của đất nước.

“Cho nên nhiều khi chúng ta cảm thấy bất hợp lý, dân rất bó buộc khi làm đường cao tốc, nhất là chuyện đóng phí và khoảng cách các tuyến đường cao tốc. Thực ra khi đầu tư bằng vốn ngân sách dù bằng cách nào đi nữa thì một lần nữa chúng ta vẫn phải huy động sức dân để bảo đảm hệ thống đường. Việc thu phí qua trạm BOT cũng vậy”, ông Toản khẳng định.

Quảng Ninh tự tìm vốn cao tốc Vân Đồn-Móng Cái: Ai trả?

Với dự án đường cao tốc Vân Đồn – Móng Cái, vị chuyên gia cho rằng phải hết sức chú ý đến việc phát triển 2 tuyến đường song song để người dân được quyền lựa chọn.

“Việc người dân có sử dụng tuyến đường trên vào việc vận chuyển hàng hóa hay không, theo tôi hoàn toàn phụ thuộc vào kịch bản giao thương giữa 2 nước. Nhưng rõ ràng tuyến đường là sự kết nối với 1 vùng Quảng Đông, Quảng Tây của Trung Quốc dân số rất lớn, 1 thị trường có nhu cầu lớn về thiết bị hàng hóa của Việt Nam. Ngược lại, chúng ta cũng có rất nhiều nhu cầu với hàng hóa của Trung Quốc”, ông Toản nêu quan điểm.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Thanh lưu ý, khi làm đường cao tốc Quảng Ninh dứt khoát không thể dùng các biện pháp hành chính để dồn người dân đi qua trạm BOT thu phí.

Theo ông Thanh, nhiều hàng hóa Việt Nam đi sang Trung Quốc đang gặp khó khăn, thường xuyên bị ép giá. Vì vậy nếu người dân phải gánh phí quá nặng nề thì sẽ không thể chịu đựng được.

“Dứt khoát là không thể dùng các biện pháp hành chính để dồn người dân đi qua trạm BOT thu phí để thu tiền. Như vậy tự nhiên sẽ đẩy giá vận tải tăng cao lên. Đối với đường cao tốc, khi thấy hiệu quả đi lại, thời gian rút ngắn đi một nửa thì người dân sẽ lựa chọn.

Tôi lưu ý phải có đường cũ cho người dân đi song song với đường mới xây dựng. Đừng để xảy ra tình trạng như cầu Hạc Trì và Việt Trì (Phú Thọ) hay BOT trên đường độc đạo khiến người dân bức xúc thời gian qua”, ông Thanh khẳng định.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/quyet-lam-cao-toc-van-donmong-cai-hang-trung-quoc-tran-lan-3323650/