Quyết không 'sai, sót, lọt, chậm, hoang báo' mục tiêu

Trung đoàn Radar 293, Sư đoàn 361 (Quân chủng Phòng không-Không quân) được trang bị nhiều loại khí tài mới, hiện đại từ tầm thấp, cực thấp đến tầm cao và tầm xa. Đơn vị đóng quân trên nhiều tỉnh, thành phố, quản lý vùng trời rộng, tần suất bay qua vùng trời đơn vị quản lý ngày càng lớn. Những năm qua, dù còn nhiều khó khăn chi phối nhưng với tinh thần đoàn kết, sáng tạo, nỗ lực của cán bộ, chiến sĩ, đơn vị luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, không để sai, sót, lọt, chậm hay hoang báo mục tiêu.

Huấn luyện trên máy, trong sở

Những vạt nắng sớm xua tan dần sương mù đặc quánh, dàn ăng ten radar của Trạm Radar 35, Trung đoàn 293 hiện rõ, vươn cánh sóng sừng sững lên bầu trời. Tại trận địa, kíp chiến đấu (KCĐ) của đơn vị đang thực hành huấn luyện nội dung triển khai, thu hồi khí tài đài radar. Điều khiến chúng tôi ấn tượng là tất cả các thành viên trong KCĐ đều vận hành khí tài thuần thục, thông thuộc ngôn ngữ bằng tiếng nước ngoài trên các thiết bị.

Trò chuyện với Thiếu tá Lý Ngọc Dũng, Trạm trưởng Trạm Radar 35, chúng tôi được biết, đơn vị được biên chế loại khí tài thế hệ mới có khả năng phát hiện mục tiêu vượt trội so với các loại khí tài cũ; tích hợp nhiều hệ thống tự động hóa hỗ trợ việc phát hiện, thông báo mục tiêu nhanh chóng, chính xác. Để khai thác, làm chủ khí tài mới, đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch, thành lập các tổ giáo viên, lựa chọn cán bộ, kỹ thuật viên giỏi, trắc thủ radar nhiều kinh nghiệm tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn do quân chủng, sư đoàn tổ chức; tiến hành huấn luyện nghiêm túc, khoa học theo phương châm cấp trên bồi dưỡng cấp dưới, chỉ huy bồi dưỡng đơn vị. Đồng thời phát huy tính chủ động tự học, tự nghiên cứu của đội ngũ cán bộ, kỹ thuật viên. Vì thế, chỉ sau một thời gian ngắn, đơn vị đã làm chủ khí tài và thực hiện nhiệm vụ trực ban chiến đấu.

Cán bộ, chiến sĩ Trạm Radar 53, Trung đoàn 293 thực hành huấn luyện trên khí tài.

Cán bộ, chiến sĩ Trạm Radar 53, Trung đoàn 293 thực hành huấn luyện trên khí tài.

Các đơn vị radar của Trung đoàn 293 thời bình cũng như thời chiến luôn ở tuyến đầu, đơn vị đóng quân xa trung đoàn, khả năng độc lập tác chiến cao và phải trực ban chiến đấu, quản lý vùng trời 24/24 giờ, nhất là hiện nay xuất hiện nhiều phương tiện bay thấp, cực thấp; đơn vị được trang bị nhiều chủng loại khí tài, trong đó có nhiều khí tài mới, hiện đại. Thượng tá Nguyễn Toàn Thắng, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 293, cho biết: “Việc huấn luyện toàn diện, chuyên sâu, giúp bộ đội không chỉ nắm chắc tính năng kỹ thuật, chiến thuật các loại khí tài và phương tiện bay của một số nước mà còn phải thuần thục các phương án chiến đấu. Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, Trung đoàn 293 nghiên cứu, xây dựng hệ thống các bài tập, tổ chức huấn luyện sát thực tế, nâng cao khả năng hiệp đồng KCĐ từ đài radar, vọng quan sát mắt, sở chỉ huy trạm, trung đoàn. Hiệp đồng với lực lượng trinh sát trong khu vực để bảo đảm tình báo (chỉ thị) radar cho các lực lượng hỏa lực phòng không, đồng thời dẫn đường cho không quân tổ chức luyện tập, đánh địch đột nhập, tấn công đường không".

Ứng dụng các sáng kiến vào huấn luyện

Một trong những yếu tố góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện trong thời gian qua của Trung đoàn 293 chính là đơn vị đã tìm tòi, nghiên cứu đưa các sáng kiến, cải tiến kỹ thuật vào huấn luyện. Hàng chục sáng kiến về quy trình thao tác đài radar; mô hình huấn luyện khai thác, sử dụng thiết bị; thu hồi, triển khai ăng ten... đều được các đơn vị ứng dụng hiệu quả trong quá trình huấn luyện.

Thượng tá Lê Mạnh Thắng, Phó trung đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Trung đoàn 293 giới thiệu: "Với kinh phí hơn 20 triệu đồng, Ban Kỹ thuật trung đoàn đã nghiên cứu và chế tạo mô hình huấn luyện “Tủ điều khiển đài radar VRS-2DM” có kích thước, giao diện, chức năng cơ bản giống như tủ điều khiển trên đài thật, với khả năng thiết lập bản đồ số, thiết lập hành lang bay, trận địa radar, khu vực cấm bay, sóng địa vật tương ứng từng trận địa, tạo phát, tạo giả các mục tiêu; chế độ đảo pha, triệt nhiễu, các chế độ làm việc của đài radar, máy hỏi, tốc độ quay ăng ten... không chỉ sát với thực tế và còn có tính linh hoạt cao. Qua đó, giúp cho đội ngũ cán bộ, đài trưởng, kỹ sư, kỹ thuật viên, trắc thủ nắm chắc được quy trình thao tác mà không gây ảnh hưởng tới khí tài chiến đấu, góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện khí tài mới VRS-2DM và giữ hệ số sẵn sàng chiến đấu của khí tài ổn định. Mô hình được đưa vào huấn luyện từ đầu năm 2020, giúp nâng cao trình độ huấn luyện của các KCĐ".

Theo thống kê, từ năm 2016 đến nay, Trung đoàn 293 có 12 sáng kiến, mô hình huấn luyện đoạt giải thưởng “Sáng tạo trẻ” của Quân chủng Phòng không-Không quân. Việc ứng dụng các mô hình vào huấn luyện giúp tiết kiệm được thời gian huấn luyện, điện năng, nhiên liệu, hạn chế ảnh hưởng của khí tài, đồng thời có thể tổ chức huấn luyện trong mọi điều kiện không gian, thời gian.

Bài và ảnh: CHÍ HÒA

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/quyet-khong-sai-sot-lot-cham-hoang-bao-muc-tieu-658461