Quyết giữ nền độc lập

Trong hồi ức của ông Trương Thành Hỷ (Hai Hỷ, 93 tuổi, ngụ thị trấn Hóc Môn, TPHCM) thì những ngày Sài Gòn - Nam bộ với tầm vông vạt nhọn nhất tề đứng lên đánh đuổi quân Pháp xâm lược là những ngày sôi nổi, tự hào nhất.

Ông Hai Hỷ kể lại những ngày tháng lịch sử ở Sài Gòn 72 năm trước

Ông Hai Hỷ kể lại những ngày tháng lịch sử ở Sài Gòn 72 năm trước

Ngày đó, chàng thanh niên Hai Hỷ mới 21 tuổi đã là Bí thư Đoàn Thanh niên Cứu quốc quận Hóc Môn, trực tiếp cùng quân và dân Sài Gòn - Gia Định tham gia cuộc kháng chiến, quyết giữ nền độc lập non trẻ của nước nhà.

Ông Hai Hỷ nhớ lại: 72 năm trước, thế hệ chúng tôi ai cũng giữ lấy lời thề “Độc lập hay là chết” và luôn cất vang tiếng hát “Ta nguyện đồng lòng điểm tô non sông…”, sẵn sàng hy sinh tính mạng, của cải cho Tổ quốc…

Súng nổ trong những ngày Sài Gòn độc lập

Sau ngày tuyên bố độc lập 2-9-1945, ở Sài Gòn tiếng súng đã nổ vang tại nhiều khu vực, giữa lực lượng cách mạng với bọn phản cách mạng và quân Pháp xâm lược. Những ngày hào hùng lịch sử đó, ông Hai Hỷ được giao giữ nhiệm vụ Bí thư Đoàn Thanh niên Cứu quốc quận Hóc Môn. Ông kể: “Lúc này, ở Hóc Môn, thanh niên tập trung cho tập luyện quân sự, chuẩn bị lực lượng theo biên chế thành các chi đội. Tôi và đồng chí Bê, đồng chí Châu tham gia đội trinh sát của quận, hàng ngày đi nắm thông tin, tình hình ở Sài Gòn. Khi quân Pháp nổ súng ở Sài Gòn vào đêm 22-9, lực lượng cách mạng ở Hóc Môn đã lớn mạnh, ai cũng có nhiệm vụ - không giao liên, trinh sát thì tham gia vào các tiểu đội, chi đội, hoặc phục vụ nấu ăn, tiếp tế hậu cần. Ngày đó, tuyến đường sắt Hóc Môn - Sài Gòn đi qua Gò Vấp trở thành đường dây liên lạc giữa các cánh quân của Hóc Môn với các mặt trận ở cầu Tham Lương, cầu Bông, cầu Thị Nghè, Bà Quẹo, cầu Bến Phân… Đoàn Thanh niên Cứu quốc quận Hóc Môn có nhiệm vụ liên lạc, trinh sát nắm tình hình trên dọc tuyến qua đường dây điện thoại của đường sắt. Mỗi điểm có một tổ kịp thời thông tin đến các mặt trận để bố trí lực lượng đánh trả quân Pháp. Nhờ vậy, mặt trận cầu Tham Lương được giữ vững hơn 3 tháng, đến đầu tháng 1-1946 ta mới rút ra”.
Tại Sài Gòn, ngày 23-9-1945, sau khi Ủy ban Kháng chiến Nam bộ được thành lập, lực lượng cách mạng đã tổ chức thành 4 mặt trận vây quanh nội thành, gồm: Mặt trận tiền tuyến miền Đông, Mặt trận phía Tây, Mặt trận phía Nam và Mặt trận phía Tây Bắc. Trong nội thành Sài Gòn, quân Pháp bị bao vây chặt, các cuộc chiến đấu diễn ra suốt ngày đêm, kéo dài tới cuối tháng 9-1945; ác liệt nhất là tại các mặt trận cầu Bông, cầu Kiệu, cầu Thị Nghè…, quân ta diệt hàng trăm tên giặc. Như vậy, tính từ ngày 2-9-1945, Sài Gòn chỉ được hưởng 29 ngày độc lập trong tiếng súng rền vang khắp nơi, và máu tiếp tục đổ để quyết giữ lấy nền độc lập non trẻ.

Sài Gòn - miền Nam bước vào cuộc kháng chiến

Theo ông Hai Hỷ, ngày 19-12-1946, tại Hà Nội, Bác Hồ ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Thế nhưng, tại Sài Gòn và các tỉnh Nam bộ, cuộc kháng chiến đã bắt đầu từ sau ngày 23-9-1945. “Lúc này, vùng Hóc Môn đã được bố trí thành 5 khu: Khu 1 gồm 6 làng xung quanh quận Hóc Môn do đồng chí Lê Phẩm Thinh phụ trách, sau đó đồng chí Huỳnh Tấn Chùa là Khu trưởng; Khu 2 gồm 5 làng phía Đông do đồng chí Võ Văn Tuấn phụ trách, sau do đồng chí Tô Ký làm Khu trưởng; Khu 3 gồm 4 làng phía Đông Bắc do đồng chí Cao Đức Luốt phụ trách, sau đó đồng chí Bảy Sanh làm Khu trưởng; Khu 4 gồm 5 làng phía Tây Nam, dọc quốc lộ 1 ngày nay, do đồng chí Mứt và đồng chí Tia phụ trách, sau đó là đồng chí Trần Lâm làm Khu trưởng; Khu 5 gồm 5 làng phía Bắc do đồng chí Vốn phụ trách, sau đó đồng chí Lê Bình Đẳng làm Khu trưởng. Dưới sự chỉ đạo của Quận ủy Hóc Môn, 5 khu quân sự đều tích cực phát triển lực lượng võ trang của khu mình. Ở mỗi làng đều tổ chức các đội tự vệ khá mạnh, trong đó có các làng Tân Thới Tam, Trung Mỹ Tây, Tân Đông Trung, Tân Thới Nhất… Lực lượng này thường xuyên được bổ sung cho lực lượng vũ trang của 5 khu thuộc quận Hóc Môn và các mặt trận xung quanh Sài Gòn”, ông Hai Hỷ nhớ lại.

Theo sử sách còn lưu lại, sau ngày 23-9-1945, ta chủ trương tập trung bằng mọi giá giữ cho được mặt trận cầu Tham Lương để lực lượng ta rút từ nội thành ra ngoài, tập hợp lại thành lập Giải phóng quân liên quận Hóc Môn - Bà Điểm - Đức Hòa, do đồng chí Tô Ký làm Tư lệnh. Bộ chỉ huy Giải phóng quân đóng trên địa bàn Mỹ Hạnh, Đức Hòa. Đến ngày 6-1-1946, quân Pháp tập trung tấn công, đánh bật lực lượng ta ra khỏi Sài Gòn. Lực lượng Giải phóng quân lúc này phải chia nhỏ thành từng cánh rút về Tân Uyên lập Chiến khu D, rồi xuống Đức Hòa, Long An…, tiếp tục cuộc kháng chiến 9 năm trường kỳ ở Nam bộ.

HOÀI NAM

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/quyet-giu-nen-doc-lap-470799.html