Quyết đốc thúc nhà băng lên sàn

Tất cả ngân hàng thương mại (NHTM) phải niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán (TTCK) là yêu cầu được đặt ra cách đây 7-8 năm, nhưng đến nay mới hơn nửa số lượng NH tuân thủ. Theo quy định mới nhất, hạn chót cuối năm nay tất cả nhà băng phải niêm yết trên sàn chính thức. Tuy nhiên, nếu không có sự giám sát, hối thúc cộng với chế tài xử phạt nghiêm, việc hoàn thành mục tiêu trên khá mong manh.

OCB là 1 trong 17 NHTM buộc phải lên sàn trong năm 2020.

OCB là 1 trong 17 NHTM buộc phải lên sàn trong năm 2020.

Niêm yết đầy khó khăn

Theo Đề án Cơ cấu lại TTCK và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến 2025, đến hết năm 2020 toàn bộ NH niêm yết, đăng ký giao dịch trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) và Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE).

Hiện trong 35 NH đang hoạt động có 18 NH niêm yết trên sàn HNX, HOSE và đăng ký giao dịch trên UPCoM: 10 NH niêm yết trên sàn HOSE gồm: Vietcombank, VietinBank, BIDV, MB, Eximbank, Sacombank, Techcombank, HDBank, TPBank và VPBank; 3 NH niêm yết trên HNX gồm: ACB, SHB và NCB, 5 NH giao dịch trên UPCoM là LienVietPostBank, VIB, VietBank, BacABank, Kienlongbank.

Như vậy chỉ còn chưa đến 11 tháng nữa để 5 NH đăng ký giao dịch trên UPCoM và 17 NH chưa niêm yết buộc phải lên HNX hoặc HOSE.

Nhìn lại lộ trình niêm yết của NH các năm qua rất khó lạc quan. Trước đây, theo Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) giai đoạn 2011-2015 (ban hành kèm theo Quyết định 254/QĐ-TTg ngày 1-3-2012 của Thủ tướng Chính phủ), niêm yết cổ phiếu của các NHTMCP trên TTCK là một trong các giải pháp đã được yêu cầu thực hiện để củng cố và đổi mới hệ thống quản trị NH phù hợp với các thông lệ chuẩn mực quốc tế.

Từ năm 2012, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hối thúc các NHTMCP đại chúng lên sàn để tăng cường kiểm soát và bóc tách tình trạng sở hữu chéo. Sau đó, Chính phủ đã chỉ đạo NHNN buộc các NHTM phải niêm yết.

Qua 3 lần đốc thúc niêm yết của NHNN trong giai đoạn 2011-2015, hàng loạt NHTM lớn nhỏ lên kế hoạch niêm yết, nhưng cuối cùng chỉ duy nhất BIDV niêm yết.

Cuối năm 2015, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 180/2015 yêu cầu các công ty đã là công ty đại chúng và công ty đại chúng đã hủy niêm yết trước thời điểm thông tư này có hiệu lực, phải hoàn tất thủ tục đăng ký giao dịch và đưa cổ phiếu lên sàn UPCoM vào cuối năm 2016. Các đối tượng này bao gồm cả các NHTM.

Dù vậy, niêm yết cổ phiếu của các NHTM vẫn là câu chuyện “biết rồi nói mãi” nhưng vẫn không làm xong. Cho đến cuối năm 2017, làn sóng niêm yết của nhóm NH mới trở nên sôi động. Việc hàng loạt NH chào sàn những tưởng sẽ tạo đà cho ngành NH hoàn thành mục tiêu này. Rất tiếc xu hướng này chỉ kéo dài trong nửa cuối năm 2017 và đầu năm 2018, sau đó chững lại cho đến nay.

Cần quy trách nhiệm người đứng đầu

Để hoàn thành mục tiêu toàn bộ NHTM lên sàn trong năm nay, NHNN và UBCKNN cần quyết liệt hơn trong việc thúc ép, có chế tài xử phạt nghiêm khắc người đứng đầu NH chây ì lên sàn.

Trong năm 2019, chỉ có VietBank chính thức giao dịch trên sàn UPCoM. Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) nhận lưu ký 317,1 triệu cổ phiếu BVB của Viet Capital Bank từ ngày 16-9-2019, nhưng đến nay NH này vẫn chưa đưa cổ phiếu vào giao dịch. OCB dự kiến niêm yết trong năm 2019 nhưng rồi lại tiếp tục dời sang năm 2020.

Còn lãnh đạo ABBank cho biết sau khi thực hiện chi trả cổ tức năm 2017 cho cổ đông bằng cổ phiếu thưởng sẽ tiến hành chốt danh sách cổ đông để lưu ký tập trung toàn bộ cổ phiếu tại VSD và nộp hồ sơ niêm yết cho HOSE. Việc chia cổ tức này đã hoàn thành trong tháng 7-2019, nhưng thông tin liên quan đến niêm yết vẫn chưa có.

Tương tự, MSB đưa ra kế hoạch lên sàn từ năm 2016, lùi dần đến quý I-2019 rồi quý III-2019. Song đến cuối tháng 11-2019, HOSE mới thông báo về việc nhận hồ sơ đăng ký niêm yết lần đầu của NH này và không hoàn thành kế hoạch trong năm qua.

Các NH như NamABank, SeABank… cũng đang để việc niêm yết nằm trong kế hoạch. Đáng chú ý, một số NH không có động thái về việc sẽ niêm yết để đáp ứng đúng thời hạn đặt ra.

Hầu hết NH chưa niêm yết đều trần tình lý do TTCK chưa thuận lợi. Còn theo góc nhìn của các chuyên gia, lý do đến từ việc một số NH có kết quả kinh doanh chưa thuận lợi, những người thuộc nhóm nòng cốt cũng phải tính toán để khi niêm yết họ vẫn làm chủ được NH, tránh cổ phiếu bị bán hoặc bị nhóm khác thâu tóm. Hay một số nhà băng ngại niêm yết chính thức vì phải công khai minh bạch toàn bộ thông tin, hoạt động luôn nằm trong sự giám sát của dư luận và nhà đầu tư.

Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa khiến NH chây ì niêm yết vì họ biết cơ quan quản lý chỉ đốc thúc, không đạt được sẽ dời thời gian. Do vậy, nhiều NH vẫn đối phó bằng cách biểu quyết lên xuống hàng năm nhưng vẫn không chịu lên sàn.

Theo ý kiến từ một số chuyên gia kinh tế, với những NHTM có vốn nhà nước, việc chậm niêm yết trách nhiệm chính thuộc về lãnh đạo phụ trách NH đó. Tuy nhiên, việc những NH trên không niêm yết một phần còn do lỗi của UBCKNN không làm nghiêm. Với những công ty cổ phần đại chúng bình thường UBCKNN thúc giục yêu cầu lên sàn, trong khi NH có quy mô cổ đông nhiều hơn nhưng lại không bắt buộc niêm yết theo luật định.

Như vậy, để các nhà băng hoàn thành mục tiêu này trong năm nay, trách nhiệm của NHNN và UBCKNN trong việc giám sát, thúc ép các NH lên sàn là điều kiện tiên quyết. Kèm theo đó, chế tài xử phạt nghiêm khắc đối với các nhà băng chây ì lên sàn, cụ thể là chế tài xử phạt đối với người đứng đầu NH cũng là điều cần thiết để tránh lặp lại tình trạng dời đi dời lại thời hạn như trước đây.

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/tai-chinh/quyet-doc-thuc-nha-bang-len-san-76634.html