Quyết định thi hành án với pháp nhân cần thông tin đại chúng

'Cần quy định trong luật về thi hành hình phạt tiền đối với pháp nhân thương mại' là góp ý của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) vào Dự thảo Luật Thi hành án hình sự sửa đổi, chuẩn bị được trình Quốc hội xem xét.

Xác định rõ cơ quan quản lý nhà nước đối với pháp nhân

Một trong những vấn đề quan trọng được bổ sung vào Dự thảo Luật Thi hành án hình sự sửa đổi lần này là quy định về thi hành án hình sự với pháp nhân thương mại để phù hợp với quy định của Bộ luật Hình sự. Đai diện cho cộng đồng DN, VCCI cho rằng, nội dung này còn một số vấn đề cần chỉnh sửa để phù hợp với thực tiễn, bảo đảm tính khả thi.

Dự thảo giải thích: “Cơ quan quản lý Nhà nước đối với pháp nhân thương mại là cơ quan có thẩm quyền quản lý Nhà nước chuyên ngành liên quan trực tiếp đến hình phạt và biện pháp tư pháp mà pháp nhân thương mại phải chấp hành, được tòa án giao thực hiện một số nhiệm vụ thi hành hình phạt và áp dụng biện pháp tư pháp đối với pháp nhân thương mại trong Quyết định thi hành án, Quyết định áp dụng biện pháp tư pháp”.

Tuy nhiên, VCCI cho rằng, trong nhiều trường hợp sẽ rất khó xác định được cơ quan quản lý Nhà nước đối với pháp nhân là cơ quan nào. Ví dụ, khi một DN kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất dược phẩm, phạm tội vi phạm quy định về cạnh tranh và bị phạt tiền, thì cơ quan quản lý ở đây là cơ quan quản lý dược, cơ quan quản lý cạnh tranh hay cơ quan thu ngân sách?

Vì vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo sửa quy định “cơ quan quản lý Nhà nước đối với pháp nhân thương mại” thành “cơ quan quản lý Nhà nước liên quan đến thi hành hình phạt”, đồng thời bổ sung quy định về việc xác định cơ quan này tương ứng với từng loại hình phạt và biện pháp tư pháp.

VCCI cho rằng, cơ quan soạn thảo cần bổ sung quy định về thi hành hình phạt tiền đối với pháp nhân thương mại. Ảnh tư liệu

Bổ sung quy định về thi hành hình phạt tiền

Cũng theo VCCI, cần phân biệt trường hợp đình chỉ vĩnh viễn hoạt động trong một số lĩnh vực và đình chỉ vĩnh viễn toàn bộ pháp nhân. Vì mặc dù cùng một hình phạt là đình chỉ vĩnh viễn, song hệ quả pháp lý của việc đình chỉ vĩnh viễn hoạt động trong một số lĩnh vực và đình chỉ vĩnh viễn toàn bộ pháp nhân thương mại rất khác nhau.

Khi bị đình chỉ vĩnh viễn hoạt động trong một số lĩnh vực thì pháp nhân đó vẫn tồn tại và vẫn có thể hoạt động trong những lĩnh vực khác không bị đình chỉ. Địa vị pháp lý về dân sự và địa vị pháp lý về hành chính trong những lĩnh vực khác của DN không bị ảnh hưởng.

Trong trường hợp bị đình chỉ vĩnh viễn toàn bộ pháp nhân, pháp nhân buộc phải bị xóa bỏ và cần được xử lý theo thủ tục giải thể thụ động theo quyết định của cơ quan Nhà nước. Việc xử lý chấm dứt hoặc kế thừa địa vị pháp lý của DN được đặt ra. Do đó, cần phân biệt hai trường hợp này để có những quy định phù hợp.

Đồng thời, cần cân nhắc bổ sung quy định rõ từng hoạt động nào DN bị cấm và không bị cấm thực hiện trong quá trình thi hành án đình chỉ hoạt động, tương ứng với từng tội danh. Ví dụ, các hoạt động trong mối quan hệ với người lao động, những hoạt động trong quan hệ với cổ đông, người góp vốn vào DN cũng không bị đình chỉ (trừ khi DN bị kết án theo Tội thao túng chứng khoán và Tội rửa tiền), thực hiện những nghĩa vụ đối với Nhà nước, đối với người tiêu dùng, khách hàng, chủ nợ theo hợp đồng đã ký kết trước khi bản án có hiệu lực sẽ không bị đình chỉ.

Bên cạnh đó, Dự thảo hiện không có quy định về thi hành hình phạt tiền đối với pháp nhân thương mại. Vì vậy, VCCI cho rằng, cơ quan soạn thảo cần bổ sung quy định này và đặc biệt cần xử lý tình huống DN không chủ động nộp phạt mà phải cưỡng chế thi hành án.

Dự thảo hiện đang được quy định theo hướng nếu DN không tự thi hành án thì cơ quan thi hành án sẽ cưỡng chế theo quy định của Chính phủ và pháp luật có liên quan. Theo VCCI, quy định như vậy là chưa bảo đảm tính minh bạch vì đây là những nội dung rất quan trọng.

Khi thi hành các hình phạt đối với pháp nhân, cơ quan Nhà nước có hai nhiệm vụ chính: theo dõi tình hình tự thi hành án của pháp nhân và cưỡng chế thi hành khi quá một thời gian nhất định mà pháp nhân không tự thi hành án. Vì vậy, cần quy định rõ cả hai nội dung này trong luật, không quy định trong văn bản dưới luật.

Ngoài ra, quyết định thi hành án phải cần được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng và gửi đến đại diện người lao động tại DN (công đoàn cơ sở) và công đoàn cấp trên của công đoàn cơ sở DN đó nhằm cung cấp thông tin cho người lao động.

Phương Thảo

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/quyet-dinh-thi-hanh-an-voi-phap-nhan-can-thong-tin-dai-chung-121846.html