Quyết định thành lập 3 thị xã thuộc tỉnh Thanh Hóa, Phú Yên và Bình Định

Thực hiện Chương trình làm việc Phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc thành lập 3 thị xã Nghi Sơn (Thanh Hóa), Đông Hòa (Phú Yên) và Hoài Nhơn (Bình Định) với 100% thành viên tán thành.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trình bày Tờ trình của Chính phủ, cho biết việc thành lập 3 thị xã này là 3 đề án nâng cấp đô thị thành lập thị xã và phường trên cơ sở nguyên trạng các đơn vị hành chính cùng cấp.

Cụ thể, tỉnh Bình Định đề nghị thành lập thị xã Hoài Nhơn và 11 phường thuộc thị xã Hoài Nhơn. Huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định có nhiều lợi thế để phát triển, có quốc lộ 1A, đường sắt Bắc - Nam và 24 km bờ biển chạy dọc theo chiều dài của huyện. Thời gian qua, tỉnh Bình Định đã tập trung đầu tư để huyện Hoài Nhơn phát triển toàn diện về kinh tế - xã hội và cơ sở hạ tầng, phù hợp với Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chương trình phát triển đô thị quốc gia giai đoạn 2012-2020.

UBTVQH biểu quyết thông qua Nghị quyết về thành lập 3 thị xã thuộc tỉnh Thanh Hóa, Phú Yên và Bình Định.

UBTVQH biểu quyết thông qua Nghị quyết về thành lập 3 thị xã thuộc tỉnh Thanh Hóa, Phú Yên và Bình Định.

Trong những năm qua, kinh tế của huyện Hoài Nhơn tăng trưởng theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và thương mại, dịch vụ, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp; tổng giá trị sản xuất trên địa bàn năm 2018 đạt 19.418,2 tỷ đồng, tăng 61,7% so với năm 2015. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 106,94 triệu USD; thu nhập bình quân đầu người đạt 50 triệu đồng/người/năm… Việc thành lập thị xã Hoài Nhơn là thật sự cần thiết, nhằm tạo cơ sở pháp lý để chuyển đổi mô hình tổ chức quản lý từ chính quyền địa phương ở nông thôn sang chính quyền địa phương ở đô thị trên địa bàn huyện Hoài Nhơn và các xã, thị trấn.

Cũng theo Tờ trình của Chính phủ, Đông Hòa là huyện nằm ở phía Nam tỉnh Phú Yên, có Quốc lộ 1A đi qua kết nối với Quốc lộ 29 đi Tây Nguyên, có 2 tuyến tỉnh lộ, 9 tuyến đường huyện, 22 tuyến đường đô thị và 647 tuyến đường xã; có tuyến đường ven biển từ Đèo Cả - Vũng Rô kết nối với Cảng hàng không và TP Tuy Hòa; có cảng biển Vũng Rô, cảng cá Phú Lạc, 2 ga đường sắt và 2 khu công nghiệp.

Thực hiện quy hoạch Khu kinh tế Nam Phú Yên, quy hoạch chung xây dựng đô thị Đông Hòa, đến nay kinh tế - xã hội huyện Đông Hòa đã có những bước phát triển vượt bậc. Tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn huyện Đông Hòa trung bình 03 năm là 11,37%. Tổng thu ngân sách trên địa bàn huyện năm 2018 là 1.090,65 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt 56,71 triệu đồng/người.

Huyện Đông Hòa đã được Bộ Xây dựng công nhận là đô thị loại IV, trong đó khu vực nội thị gồm thị trấn Hòa Vinh, Hòa Hiệp Trung và các xã Hòa Hiệp Bắc, Hòa Hiệp Nam, Hòa Xuân Tây. Với những điều kiện thuận lợi nêu trên, việc thành lập thị xã Đông Hòa và các phường thuộc thị xã Đông Hòa là cần thiết, phù hợp với chiến lược phát triển mạng lưới đô thị của tỉnh Phú Yên trong giai đoạn hiện nay.

Huyện Tĩnh Gia nằm ở phía Nam và cách trung tâm tỉnh Thanh Hóa khoảng 45 km. Địa bàn huyện có Quốc lộ 1A, đường sắt Bắc - Nam chạy qua; cảng biển quốc tế Nghi Sơn có vai trò kết nối với các đô thị, khu công nghiệp, khu du lịch, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế.

Để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của huyện Tĩnh Gia, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa và điều chỉnh xây dựng vùng Nam Thanh – Bắc Nghệ. Đến nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 59,39%; tỷ trọng phi nông nghiệp chiếm 88,64% trong cơ cấu kinh tế, thu nhập bình quân đầu người đạt 40,30 triệu đồng/người/năm.

Huyện Tĩnh Gia với hạt nhân tăng trưởng là Khu kinh tế Nghi Sơn, đến năm 2018 đã thu hút được 192 dự án đầu tư trong nước và 19 dự án FDI với vốn thực hiện đạt hơn 48.637 tỷ đồng và hơn 9,44 tỷ USD. Trong đó, các dự án quan trọng như: Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn, xi măng Nghi Sơn, cảng nước sâu Nghi Sơn...

Quá trình phát triển kinh tế - xã hội và đô thị trên địa bàn huyện Tĩnh Gia trong thời gian qua dẫn đến sự cần thiết phải thành lập thị xã Nghi Sơn để đáp ứng yêu cầu quản lý hành chính Nhà nước trên địa bàn. Việc lấy tên đơn vị hành chính mới là Nghi Sơn thể hiện tiềm năng, lợi thế, động lực phát triển gắn với sự phát triển của Khu kinh tế Nghi Sơn, trong tứ giác tăng trưởng “tứ sơn” của tỉnh Thanh Hóa; phù hợp quy hoạch phát triển đô thị và nhận được sự đồng thuận của nhân dân trên địa bàn huyện Tĩnh Gia.

Huyện Tĩnh Gia đã được đánh giá đạt tiêu chí đô thị loại IV, có phạm vị khu vực là nội thị dự kiến bao gồm 16 xã, thị trấn nêu trên. Như vậy, việc thành lập các phường sẽ tạo tiền đề pháp lý cho việc hình thành bộ máy quản lý đô thị theo hướng thống nhất, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động…
Nghị quyết chính thức có hiệu lực từ ngày 1-6-2020.

Thẩm tra Tờ trình của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Pháp luật đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc thành lập các thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định, thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa và các phường thuộc các thị xã với những nội dung nêu trong Tờ trình, Đề án của Chính phủ và đề nghị của Chánh án TAND TC, Viện trưởng VKSND tối cao.

Hải Lý

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/quyet-dinh-thanh-lap-3-thi-xa-thuoc-tinh-thanh-hoa-phu-yen-va-binh-dinh-190518.html