Quyết định không khen thưởng 2 công dân cùng cứu người dưới gầm xe Mercedes gây tai nạn kinh hoàng rồi bốc cháy ở Hà Nội

Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia quyết định không có thư khen 2 công dân cứu người trong vụ xe Mercedes gây tai nạn liên hoàn và bốc cháy ở cầu Hòa Mục (Hà Nội) bởi không đủ căn cứ.

Về vụ xe Mercedes gây tai nạn liên hoàn vào ngày 20/11, tại cầu Hòa Mục (Cầu Giấy, Hà Nội), ngày 30/12, thông tin tới PV Báo Gia đình & Xã hội, đại diện Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia (ATGTQG) cho biết, đơn vị quyết định không có thư khen cho hai công dân đã xả thân cứu nạn nhân mắc kẹt dưới gầm xe Mercedes rực lửa.

Video: Người dân kể lại giây phút cùng CSGT cứu nạn nhân mang áo Grab mắc kẹt dưới gầm xe Mercedes rực lửa

Đại diện Ủy ban ATGTQG cho hay: "Trường hợp hai công dân thì rất là tốt thôi, hành động rất đáng biểu dương thôi nhưng Ủy ban ATGTQG quyết định không có thư khen vì chưa quá đặc biệt. Bởi vì cũng còn có rất nhiều vụ đặc biệt nghiêm trọng khác.

Còn việc đồng chí CSGT được tặng thư khen là Phó Thủ tướng đề nghị khen Đội đó (Đội CSGT số 3, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội - PV), vì đội đó có đồng chí đó, vì vụ tai nạn không nằm trong khu vực của đội 3, mà là khu vực của đội 7 phụ trách".

Hiện trường vụ xe Mercedes GLC 250 gây tai nạn liên hoàn tại cầu Hòa Mục (Hà Nội), sáng ngày 20/11.

Hiện trường vụ xe Mercedes GLC 250 gây tai nạn liên hoàn tại cầu Hòa Mục (Hà Nội), sáng ngày 20/11.

Đại diện Ủy ban ATGTQG nhấn mạnh: "Còn rất nhiều công dân có nhiều hành động khác, trước đây, Ủy ban ATGTQG chỉ thư khen với những trường hợp như dìu xe qua đèo, cứu nạn nhân…".

Trước đó, vụ tai nạn liên hoàn xảy ra vào khoảng hơn 7h sáng ngày 20/11. Cú kéo lê liên hoàn của xe Mercedes GLC 250 khiến 1 người tử vong tại chỗ, 2 nạn nhân bị thương nặng. Trong đó, nạn nhân Phạm Văn Út (SN 1991, trú tại Thanh Oai, Hà Nội) đã may mắn được cứu sống từ gầm xe Mercedes đang bắt đầu cháy rực.

Xe Mercedes gây tai nạn liên hoàn và bốc cháy.

Sở dĩ anh Út thoát chết trong vụ tai nạn này, là nhờ sự nhanh chí, dũng cảm của Trung tá Vũ Xuân Hà Thái (Đội CSGT số 3 Công an TP Hà Nội). Mặc dù không nằm trong địa phận tuần tra nhưng lúc tai nạn xảy ra, anh Thái đã kịp thời lao vào giải cứu. Hành động của Trung tá Thái đã nhận được lời khen của dư luận, đồng thời được Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban ATGTQG gửi thư biểu dương.

Tuy nhiên, khi xem lại clip hiện trường vụ tai nạn, nghe lời kể của một số nhân chứng, phóng viên Báo Gia đình & Xã hội nhận thấy, trong việc cứu sống anh Út, còn có sự tham gia của những người khác. Những người này rất dũng cảm, xứng đáng được xã hội ghi nhận.

Nạn nhân Phạm Văn Út tại bệnh viện.

Sau quá trình trở lại hiện trường, lần tìm theo các manh mối, phóng viên Báo Gia đình & Xã hội đã tìm được những thông tin ban đầu về hai người có tên Lê Duy Trung (SN 1969) và Hoàng Sỹ Thắng (SN 1978), cùng quê ở xã Quảng Lợi, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa. Ông Trung và ông Thắng đang làm nghề xe ôm tại Hà Nội.

Khi cơ hội sống sót của nạn nhân bị mắc kẹt dưới gần xe Mercedes đang bốc cháy chỉ được tính bằng giây, thì việc xả thân, bất chấp nguy hiểm để cứu sống nạn nhân trong khoảng khắc "sinh tử" ấy là rất đáng được nêu danh và lan tỏa.

Ông Lê Duy Trung (SN 1969) và Hoàng Sỹ Thắng (SN 1978), cùng quê ở xã Quảng Lợi, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa đã cứu nạn nhân Phạm Văn Út mắc kẹt dưới gầm xe Mercedes đang bốc cháy.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc xả thân cứu người của Trung tá Vũ Xuân Hà Thái là đáng biểu dương nhưng đây cũng là một trong những trách nhiệm của chiến sĩ công an nhân dân. Song, hành động của những công dân đã cùng hợp sức để gỡ và kéo nạn nhân bị kẹt dưới gầm xe đang bốc cháy ra càng đáng được biểu dương.

Vì vậy, bằng những thông tin thu thập được trong quá trình tác nghiệp, PV Báo Gia đình & Xã hội đã cung cấp đến Ủy ban ATGTQG để tổ chức này xem xét biểu dương và lan tỏa hơn nữa những hành động nhân ái. Tuy nhiên, sáng ngày 31/12, xác nhận lại với PV, ông Lê Duy Trung khẳng định là không nhận được bất cứ liên hệ nào liên quan đến việc cứu người trong vụ tai nạn liên hoàn xảy ra tại cầu Hòa Mục ngày 20/11.

Ông Hoàng Sỹ Thắng – người đã cùng ông Trung cứu nạn nhân Út, cho hay: "Nạn nhân Phạm Văn Út đã liên hệ với chúng tôi để nói lời cảm ơn và mời chúng tôi một bữa cơm thân mật nhưng chúng tôi từ chối, tôi chỉ nhận lời cảm ơn".

Đánh giá vấn đề ở góc độ xã hội, ĐBQH Dương Trung Quốc cho biết: "Về góc độ cá nhân thì tôi cho rằng bản thân người dân thành tâm cứu người thì họ cũng không cần một lời khen. Tuy nhiên, ở góc độ xã hội thì không riêng cá nhân tôi, mà hầu hết dư luận đều đồng tình về những hành động bất chấp nguy hiểm, xả thân cứu người là cần được tuyên dương và lan tỏa".

Theo ĐBQH Dương Trung Quốc: "Bất kỳ người nào làm việc tốt mà có thể khen được thì cần lan tỏa nhưng cứu như thế nào, tình tiết nguy hiểm ra sao và đặc biệt là qua những thông tin mà báo chí khai thác thì trước khi tiến hành khen hoặc thưởng thì đơn vị, tổ chức khen, thưởng đó cũng cần phải đo kiểm thông tin".

Bảo Loan

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/quyet-dinh-khong-khen-thuong-2-cong-dan-cung-cuu-nguoi-duoi-gam-xe-mercedes-gay-tai-nan-kinh-hoang-roi-boc-chay-o-ha-noi-20191231121554356.htm