Quyết định hợp lòng dân

Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh vừa ban hành Quyết định số 60/2017/QÐ-UBND (thay thế Quyết định số 33/2014) quy định về diện tích tối thiểu được tách thửa. Ðây là quyết định được người dân đồng tình ủng hộ, bởi quyền lợi của người dân đã được 'cởi trói' sau nhiều năm bị 'treo'.

Từ quyết định này, người dân có thể chia đất, chuyển đổi mục đích sử dụng, xây nhà cho con cái hoặc mua, bán để cải thiện đời sống. Mừng nhất là những hộ dân sống trong vùng quy hoạch "treo", bởi quyết định nêu rõ: Sau ba năm, kể từ ngày phê duyệt quy hoạch mà chính quyền địa phương chưa có kế hoạch sử dụng đất hằng năm hoặc chưa có thông báo thu hồi đất… thì vẫn được tách thửa bình thường. Quyết định 60 còn giúp hạn chế tình trạng trục lợi từ quy định tách thửa. Cụ thể, tại các quận: 2, 7, 9, 12, Thủ Ðức diện tích đất tối thiểu được tách thửa phải là 50 m², chiều rộng mặt tiền không nhỏ hơn 4m. Tại các huyện ngoại thành như Bình Chánh, Nhà Bè, Củ Chi, Cần Giờ và Hóc Môn có diện tích tối thiểu được tách thửa là 80 m², chiều rộng mặt tiền không nhỏ hơn 5 m. Ðiểm mới của quyết định này là đã bỏ hẳn khái niệm có nhà hoặc không có nhà để xếp vào tiêu chí được tách thửa. (Quyết định 33 trước đó vẫn cho phép những khu đất dù không đủ diện tích nhưng có nhà trên đất vẫn được tách thửa dẫn đến tình trạng nhiều tổ chức, cá nhân lách luật bằng cách xây nhà tạm để chia lô bán nền, gây lộn xộn bộ mặt đô thị).

Một quy định khác trong Quyết định 60 được người dân ủng hộ. Ðó là, đối với những trường hợp đã nhận hồ sơ về tách thửa trước ngày quyết định mới có hiệu lực thi hành mà chưa giải quyết thì UBND quận, huyện xem xét tách thửa theo Quyết định 33 để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định. Trường hợp người dân yêu cầu giải quyết theo quy định mới thì UBND quận, huyện căn cứ vào quy định mới để giải quyết. Quyết định 60 cũng nêu rõ, các quận, huyện phải thành lập tổ liên ngành để xem xét tách thửa cho các gia đình thuộc chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo hoặc có hoàn cảnh khó khăn. Theo đó, diện tích thửa đất mới được hình thành và thửa đất còn lại có diện tích không nhỏ hơn 25 m², chiều ngang mặt tiền thửa đất không nhỏ hơn 3 m đối với đất ở và không nhỏ hơn 30 m² đối với đất nông nghiệp.

Mặc dù quy định mới có nhiều tiến bộ nhưng không ít ý kiến cũng lo ngại cho phép diện tích tối thiểu 36 m2 ở khu vực 1 (gồm các quận 1, 3, 4, 5, 6, 8, Bình Tân, Bình Thạnh, Gò Vấp) là quá nhỏ, sẽ gây ra tình trạng nhà ổ chuột, trong khi thành phố đang hạn chế loại nhà này. Do vậy, nếu không phá bỏ được những căn nhà không đủ điều kiện thì nên quy định diện tích tối thiểu được tách thửa là 45 m2. Ðây cũng là một giải pháp nhằm giảm áp lực dân số tại khu vực trung tâm, giảm ùn tắc giao thông. Tuy nhiên dù chính sách tốt nhưng nếu tổ chức thực hiện kém hoặc buông lỏng quản lý thì sẽ dẫn tới hậu quả nặng nề. Thực tế cho thấy, hàng loạt lô đất, căn nhà không đủ chuẩn vẫn được tách thửa, mọc lên. Do vậy, dù TP Hồ Chí Minh đã cho tách thửa theo quy định mới nhưng vẫn phải kiểm soát chặt theo đúng quy định của pháp luật. Ngoài ra, việc cấp phép xây dựng cho thửa đất sau khi tách cũng buộc phải dựa trên cơ sở quy hoạch được duyệt, đồng bộ và bảo đảm hạ tầng kỹ thuật. Ðể bảo đảm người dân thực hiện đúng quy định, lãnh đạo các địa phương cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát để tránh tình trạng đầu cơ đất, chia lô bán nền, khiến những khu dân cư tự phát mọc lên mà chưa hoàn thiện hạ tầng giao thông, điện, nước…

AN VŨ NGUYÊN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/item/34974302-quyet-dinh-hop-long-dan.html