Quyết định đau đớn của hải quân Nga: Tháo dỡ siêu tuần dương hạm hạt nhân lớp Kirov

Những vướng mắc trong công tác đại tu lò phản ứng hạt nhân cùng nền tảng thiết kế tỏ ra đã quá lạc hậu và khó khăn về nguồn vốn là lý do chính dẫn tới quyết định đầy đau đớn vừa được hải quân Nga đưa ra.

Kirov là lớp tuần dương hạm hạt nhân duy nhất của Hải quân Liên Xô trước kia và Hải quân Nga ngày nay, nó cũng đồng thời là lớp tuần dương hạm hạt nhân kích thước lớn nhất thế giới.

Có 4 chiếc Kirov được đóng trong giai đoạn 1974 - 1986 gồm: Kirov (đổi tên thành Đô đốc Ushakov), Frunze (đổi tên thành Đô đốc Lazarev), Kalinin (đổi tên thành Đô đốc Nakhimov) và Yury Andropov (đổi tên thành Pyotr Velikiy).

Tuần dương hạm lớp Kirov có chiều dài 252 m; chiều rộng 28,5 m; lượng giãn nước đầy tải 28.000 tấn. Tàu được trang bị lò phản ứng hạt nhân KN-3 cho phép đạt tới tốc độ tối đa 32 hải lý/h, tầm hoạt động không giới hạn.

Được gọi là "Sát thủ tàu sân bay" Kirov mang theo một kho vũ khí khủng khiếp với 1 pháo hạm AK-130 2 nòng cỡ 130 mm (tàu Nguyên soái Ushakov trang bị 2 pháo AK-100 thay cho AK-130), 20 tên lửa chống hạm P-700 Granit.

Để chống lại các cuộc tập kích đường không, Kirov mang theo 96 tên lửa phòng không tầm xa của hệ thống S-300F, 40 tên lửa phòng không tầm ngắn OSA-MA hoặc 192 tên lửa 9K311 Tor.

Ngoài ra tuần dương hạm lớp Kirov còn được trang bị 6 hệ thống CIWS Kashtan (trên 2 tàu Pyotr Velikiy và Đô đốc Nakhimov), hoặc 8 hệ thống CIWS AK-630 (trên 2 tàu Nguyên soái Ushakov và Đô đốc Lazarev).

Vũ khí chống ngầm của Kirov gồm 10 ống phóng ngư lôi cỡ 533 mm cùng 2 cụm rocket RBU-6000, tàu có sàn đáp và hầm chứa trực thăng săn ngầm Ka-27 ở đuôi (nhà chứa trực thăng ở bên dưới sàn đáp trực thăng).

Mặc dù được coi là "kho tên lửa trên biển" nhưng khi bước vào thời kỳ mới, những con tàu được thiết kế theo học thuyết Chiến tranh Lạnh đã tỏ rõ sự lạc hậu.

Những điểm yếu của chiếc Kirov được chỉ ra bao gồm diện tích phản xạ radar quá lớn do kích thước cồng kềnh, vũ khí khó phát huy tác dụng trong chiến tranh hiện đại, khiến Nga phải quyết định nâng cấp chúng.

Hiện tại hải quân Nga đang tiến hành công việc hiện đại hóa với chiếc Đô đốc Nakhimov, con tàu sẽ được trang bị tổ hợp tên lửa hành trình chống hạm siêu âm hiện đại Kalibr có năng lực tác chiến vượt trội Granit.

Bên cạnh đó, hệ thống phòng không Poliment - Redut với đạn đánh chặn 9M96, có tùy chọn bổ sung đạn tên lửa 40N6 của S-400 trong tương lai sẽ thay thế S-300F Fort.

Dự kiến sau khi hoàn thành việc nâng cấp tuần dương hạm Đô đốc Nakhimov thì chiếc thứ hai thuộc lớp mang tên Peter Đại Đế cũng sẽ được tiến hành cải tiến.

Tuy nhiên điều này đang trở nên chưa chắc chắn khi mới đây tập đoàn năng lượng hạt nhân nhà nước Nga (Rosatom) cho biết họ chuẩn bị tiến hành công việc tháo dỡ 2 tàu thuộc lớp này.

Cụ thể theo kế hoạch của Rosatom, 2 tuần dương hạm hạt nhân lớp Kirov là Đô đốc Ushakov (tên cũ Kirov) và Đô đốc Lazarev (tên cũ Frunze) sẽ bị tháo dỡ vào năm 2021.

Dự kiến ngân sách sẽ phải chi ra 400 triệu RUB để tháo dỡ chiếc thứ nhất và 350 triệu RUB cho chiếc thứ 2, ngoài ra 4 tàu ngầm hạt nhân khác cũng sẽ bị tháo dỡ.

Như vậy hiện nay hạm đội Thái Bình Dương của hải quân Nga đã không còn một chiến hạm mặt nước nào sử dụng lò phản ứng hạt nhân để tạo động lực nữa, đây rõ ràng là một bước tụt lùi đáng kể.

Phương án thay thế những chiếc tuần dương hạm hạt nhân lớp Kirov này đã được xác định là khu trục hạm hạt nhân lớp Lider, tuy nhiên công việc đang triển triển rất chậm chạp.

Với tình hình năng lực ngành đóng tàu Nga hiện nay, dự báo sẽ phải mất hàng chục năm nữa họ mới có thể đưa được chiếc Lider đầu tiên vào biên chế, nếu vậy nó sẽ lạc hậu ngay khi hoàn thành.

Việt Dũng

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-quyet-dinh-dau-don-cua-hai-quan-nga-thao-do-sieu-tuan-duong-ham-hat-nhan-lop-kirov/807886.antd