Quyết định đăng cai tổ chức Thế vận hội 2032 'gây sốc'

Salla là thị trấn nhỏ nằm trong tỉnh Lapland của Phần Lan. Mới đây, chính quyền thị trấn Salla đã gây sốc khi phát hành một video ngắn tuyên bố tranh cử đăng cai tổ chức Thế vận hội Mùa hè năm 2032. Một sự ứng cử bất thường bởi lẽ Salla là vùng lạnh nhất ở Phần Lan, nơi mỗi năm có tới 6 tháng tuyết bao phủ. Đáng chú ý, năm 2032 không phải là sự lựa chọn ngẫu nhiên của Salla.

Trong video trên, người dân Salla đóng vai vận động viên luyện tập các môn thể thao thi đấu trong Thế vận hội mùa hè như: Bơi lội, lướt sóng, bóng rổ hoặc thậm chí là ném bóng... Các buổi luyện tập đều diễn ra dưới tuyết hay hồ nước đóng băng. Năm 2032 cũng không phải ngẫu nhiên được lựa chọn mà để nhấn mạnh sự thật rằng, con người sẽ đối mặt với nhiều biến động lớn do tình trạng nóng lên toàn cầu đang diễn ra rất nhanh, thậm chí quá nhanh. Salla sử dụng thời hạn năm 2032 để nói rằng, với quán tính của sự nóng lên toàn cầu thì tất cả băng sẽ tan chảy đủ để tổ chức Thế vận hội Mùa hè.

Báo cáo mới nhất của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) cảnh báo rằng nhiệt độ toàn cầu sẽ tăng 1,5oC vào khoảng năm 2030. Mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu nhằm ngăn chặn sự gia tăng nhiệt độ của hành tinh dưới 2oC so với mức trước cách mạng công nghiệp, dường như đã bị xâm phạm, nếu không muốn nói là vượt quá khả năng.

Hình ảnh trong video tranh cử đăng cai tổ chức Thế vận hội Mùa hè năm 2032 của thị trấn Salla. Ảnh: msn.com

Hình ảnh trong video tranh cử đăng cai tổ chức Thế vận hội Mùa hè năm 2032 của thị trấn Salla. Ảnh: msn.com

Ở Lapland, người dân địa phương nhận thấy mùa đông ngày càng ngắn và các hồ băng bắt đầu tan chảy. Sự cân bằng hiện tại của các hệ sinh thái lạnh đang bị mất ổn định, gây ra hậu quả cho việc tiếp cận thức ăn, đặc biệt là đối với tuần lộc. Cùng với đó, Sami, một dân tộc gồm 80.000 người sống ở Lapland với nền văn hóa dựa trên việc chăn nuôi tuần lộc cũng đang bị đe dọa.

Đây không phải là lần đầu tiên một thành phố hoặc chính phủ sáng tạo trong việc nêu bật tính cấp bách của biến đổi khí hậu. Ngay từ năm 2009, Chính phủ Maldives đã tổ chức cuộc họp nội các dưới nước. Một bức ảnh của chính phủ, với mặt nạ và bình oxy, đã được công bố tố cáo hiện tượng nước biển dâng đang đe dọa các quần đảo ở Thái Bình Dương. Vào năm 2019, một cuộc tuần hành cũng được tổ chức ở Thụy Sĩ để thương tiếc sông băng Pizol, bị tan chảy bởi sự nóng lên toàn cầu.

VŨ PHƯƠNG LINH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/su-kien/quyet-dinh-dang-cai-to-chuc-the-van-hoi-2032-gay-soc-651751