Quyết định của Tổng thống Trump đẩy Mỹ-Triều tới vòng xoáy nguy hiểm

Theo giới quan sát, quyết định của ông Trump hủy Thượng đỉnh Mỹ-Triều có thể đẩy quan hệ hai bên vào vòng xoáy nguy hiểm.

Ngày 24/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ tuyên bố hủy cuộc gặp với nhà lãnh đạo Kim Jong-un và úp mở nhắc đến một giải pháp quân sự. Nhiều nhà quan sát cho rằng, chính sách về gây sức ép tối đa về kinh tế mà Mỹ theo đuổi trước đó với Triều Tiên có thể không còn khả thi nữa vì vậy, chính quyền Mỹ vẫn để ngỏ một lựa chọn quân sự trên bàn. Tuy nhiên, quyết định này của ông Trump có thể đẩy quan hệ Mỹ Triều vào vòng xoáy nguy hiểm.

Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ tuyên bố hủy cuộc gặp với nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Ảnh: CNN.

Thất bại là điều dễ hiểu

Trên thực tế, các nhà lãnh đạo Mỹ, từ thời Tổng thống Nixxon (nhiệm kỳ 1969-1974) đến nay, đều nhận ra rằng sử dụng biện pháp quân sự, dù là vì bất cứ lý do nào đi chăng nữa đều rất nguy hiểm. Điều đó lại càng đúng trong bối cảnh hiện nay, khi Triều Tiên được cho là đã làm chủ công nghệ hạt nhân, thậm chí sở hữu những loại vũ khí với tầm tấn công vươn đến lục địa Mỹ. Các quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ cho rằng hoặc là Tổng thống Donald Trump chưa nhận thức được điều này hoặc là ông quá chủ quan cho Triều Tiên là một “gã khờ” chịu tác động của ngoại cảnh.

Ngay từ ban đầu chính quyền Tổng thống Donald Trump đã đặt quá nhiều kỳ vọng phi thực tế vào cuộc gặp này. Họ muốn thứ mà Triều Tiên sẽ chẳng bao giờ chấp nhận là yêu cầu Triều Tiên phải từ bỏ hoàn toàn kho vũ khí hạt nhân trước khi Mỹ đưa ra bất cứ nhượng bộ nào.

Thêm vào đó, ngay trong chính nội bộ của Tổng thống Donald Trump cũng có sự bất đồng quan điểm về cách tiếp cận với Triều Tiên. Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton một mực khẳng định, cách duy nhất để Triều Tiên trở thành một quốc gia bình thường đó là chấm dứt hoàn toàn chương trình hạt nhân. Còn Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thì lại có cách tiếp cận khác, ông cho rằng, mối quan tâm của Mỹ là ngăn chặn nguy cơ Triều Tiên phóng vũ khí hạt nhân vào lục địa Mỹ chẳng hạn như Washington, Los Angeles hay Denver.

Về phía Triều Tiên, giới quan sát nhận định nước này sẽ không dễ dàng từ bỏ vũ khí hạt nhân bởi họ hiểu cái giá mà họ phải trả là rất đắt.

Sau khi chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) tạm chấm dứt bằng Hiệp định Đình chiến, Mỹ cam kết bảo vệ đồng minh Hàn Quốc chống lại mọi mối đe dọa từ phía Triều Tiên và triển khai hàng chục nghìn binh sỹ Mỹ tại Hàn Quốc, như một lời nhắc nhở Bình Nhưỡng rằng, lực lượng quân đội mạnh nhất thế giới luôn sẵn sàng hành động khi cần thiết. Kết quả là toàn bộ chính sách đối ngoại và quân sự của Triều Tiên đều tập trung vào việc chống lại mối đe dọa từ Mỹ.

Chương trình hạt nhân Triều Tiên, bắt đầu từ những năm 1950, chính là câu trả lời cho vấn đề này. Cả 3 thế hệ lãnh đạo của gia tộc họ Kim đều cho rằng nếu có vũ khí hạt nhân trong tay, Triều Tiên sẽ ngăn chặn được bất cứ cuộc tấn công nào (nếu diễn ra) từ phía Mỹ, vì thế họ không có lý do gì để “e sợ” Mỹ. Nói cách khác, vũ khí hạt nhân được coi là “lá chắn” cuối cùng chống lại mọi âm mưu muốn thay đổi chế độ ở Triều Tiên. Đây là lý do tại sao Triều Tiên đầu tư rất nhiều nguồn lực, thậm chí bỏ qua các biện pháp trừng phạt quốc tế phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo.

Le lói hy vọng

Tuy nhiên, vẫn có có một tia hy vọng le lói khi nhà lãnh đạo Mỹ vẫn để ngỏ cánh cửa đối thoại với Triều Tiên. Trong bức thư gửi Lãnh đạo Kim Jong-un, ông Trump viết rằng: “Ở thời điểm hiện tại, tôi cảm thấy không phù hợp để tổ chức cuộc gặp. Song một ngày nào đó, tôi rất mong được gặp Ngài”.

Nguyên nhân Tổng thống Trump hủy bỏ thượng đỉnh có thể là vì lời chỉ trích của phía Triều Tiên đối với Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence về mô hình phi hạt nhân hóa theo kiểu Libya nghĩa là Triều Tiên phải từ bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân trước khi nhận được bất cứ nhượng bộ nào từ Mỹ. Một lý do khác là Triều Tiên chưa thực sự sẵn sàng từ bỏ vũ khí hạt nhân. Thêm vào đó ông cũng hiểu rằng, Mỹ sẽ gặp nhiều rủi ro hơn về chính trị khi theo đuổi một thỏa thuận với Triều Tiên so với thỏa thuận nước này từng ký với Iran.

Tuyên bố của ông Trump để ngỏ khả năng rằng Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, người đóng vai trò quan trọng trong tiến trình chính trị trên bán đảo Triều Tiên có thể tiếp tục làm cầu nối cho một cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ-Triều diễn ra cuối năm nay. Hoặc chí ít cũng dẫn đến một cuộc gặp cấp chuyên viên giữa các quan chức Mỹ và Triều Tiên.

Điều này không phải là không khả thi khi chỉ một ngày sau tuyên bố của ông Trump, hôm 25/5, hãng thông tấn KCNA dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Kim Kye Gwan bày tỏ “lấy làm tiếc” về quyết định của Mỹ. Ông Kim Kye Gwan nói, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã nỗ lực hết sức để xúc tiến một cuộc đối thoại với ông Trump và Triều Tiên sẵn sàng đối thoại với Mỹ bất cứ lúc nào. Vị quan chức này nhấn mạnh “tổ chức một Hội nghị Thượng đỉnh với Mỹ là cần thiết”.

Chuyên gia phân tích của tờ New York Times, ông Nicholas Kristof cho rằng, dù Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều có diễn ra hay không thì với Triều Tiên vẫn là một thắng lợi. Họ đã sử dụng sách lược ngoại giao để tái thiết quan hệ đồng minh với Bắc Kinh, có các cuộc thảo luận tích cực với Hàn Quốc, nới lỏng các biện pháp trừng phạt về kinh tế và giúp thế giới có cái nhìn cởi mở hơn với Triều Tiên./.

Hồng Anh/VOV.VNTheo VOX, NY Times

Nguồn VOV: http://vov.vn/the-gioi/quyet-dinh-cua-tong-thong-trump-day-mytrieu-toi-vong-xoay-nguy-hiem-766425.vov