Quyết định của bà Ardern gợi nhớ tới tổng thống Mỹ đầu tiên

Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern lựa chọn từ bỏ quyền lực thay vì đợi đến thời khắc không còn lựa chọn nào khác là dừng bước. Bà khẳng định: 'Đối với tôi, đã đến lúc rời đi'.

Bà Jacinda Ardern là nhà lãnh đạo hiếm hoi lựa chọn rời khỏi sân khấu chính trị, thay vì chờ đợi tới lúc không còn lựa chọn nào khác là dừng bước.

Hôm 19/1, thủ tướng New Zealand bất ngờ tuyên bố sẽ rời nhiệm sở trước ngày 7/2 và không tham gia tranh cử trong cuộc tổng tuyển cử ngày 14/10, vì "không còn đủ nguồn năng lượng để tiếp tục công việc", Guardian đưa tin.

Không giống như những nhà lãnh đạo lâu năm - những người bị đối thủ thế chỗ, bị chính đảng của họ bỏ rơi, bị cử tri quay lưng hay từ chối thừa nhận họ đã thua trong cuộc bầu cử, tính toán kế hoạch tái xuất, quyền lực của bà Ardern đã được tăng cường khi quyết định dừng bước.

Tâm lý này của bà trở thành thương hiệu của một chính trị gia mang biểu tượng tiến bộ toàn cầu, giữa lúc chủ nghĩa dân túy bản ngã theo phong cách cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump lan rộng, theo CNN. Khả năng lãnh đạo của bà trong đại dịch Covid-19 và sau vụ xả súng hàng loạt tại hai nhà thờ Hồi giáo năm 2019 đã giành được cảm tình của công chúng khắp New Zealand.

Cái giá đắt

Một số người hoài nghi có thể lập luận bà Arden nhìn thấy một số viễn cảnh tồi tệ phía trước: Sự nổi tiếng của vị thủ tướng cầm quyền 6 năm và Công đảng đã giảm sút trong các cuộc thăm dò trong bối cảnh tội phạm gia tăng, lạm phát cao và giá nhà giảm. Tuy nhiên, vẫn còn thời gian để bà Arden quay trở lại trước cuộc tổng tuyển cử vào tháng 10 tới.

Cái giá bà Ardern phải trả thật đắt. Thủ tướng phải đối mặt với sự lạm dụng và các mối đe dọa liên quan đến giới tính và tuổi đời tương đối trẻ (42 tuổi). Năm 2017, bà Ardern trở thành nữ nguyên thủ quốc gia trẻ nhất thế giới tại chức, đồng thời là người phụ nữ thứ hai trong lịch sử sinh con khi đang trong nhiệm kỳ, theo Guardian.

Bà có một cô con gái nhỏ và muốn kết hôn với người bạn đời. Dành thời gian cho gia đình không chỉ là cái cớ để giữ thể diện cho các chính trị gia cổ điển.

 Thủ tướng New Zealand và vị hôn phu hôm bà tuyên bố từ chức. Ảnh: AP.

Thủ tướng New Zealand và vị hôn phu hôm bà tuyên bố từ chức. Ảnh: AP.

Đối với nhiều tổng thống và thủ tướng, tham vọng và động lực đưa họ lên đến đỉnh cao đồng nghĩa họ phải đấu tranh để suy nghĩ về điểm dừng chân.

Năm 1987, Thủ tướng Anh Margaret Thatcher cho biết bà hy vọng sẽ tiếp tục cầm quyền trong thời gian dài. Ba năm sau, bà buộc phải từ bỏ quyền lực sau xáo động bên trong đảng Bảo thủ suốt nhiều năm cầm quyền.

"Chính trị gia cũng là con người"

Đôi khi, giới hạn nhiệm kỳ đưa ra quyết định giúp một số nhà lãnh đạo. Ví dụ, cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, Bill Clinton và Ronald Reagan khiến các cử tri mong muốn nhiều hơn nữa sau khi đạt tối đa hai nhiệm kỳ.

Trong khi đó, các tổng thống khác phải chịu nỗi tiếc nuối, như ông Jimmy Carter, George H.W. Bush và Donald Trump - những người thất bại trong cuộc đua tái tranh cử.

Mặc dù nếu hỏi ông Trump - người từ chối kết quả bầu cử, hẳn chính trị gia sẽ nghĩ đáng nhẽ ông đang đi được một nửa chặng đường trong nhiệm kỳ thứ 2, tạo nên nỗi xấu hổ chính trị thời hậu quyền lực. Lời nguyền một nhiệm kỳ cũng ám ảnh các Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Francois Hollande - những người không được lòng dân vào cuối nhiệm kỳ khiến mọi giấc mơ tái tranh cử tan vỡ.

Hiện tại, dù xu hướng này ít phổ biến, số phận cũng đưa ra lựa chọn cho các chính trị gia. Cả ông Abraham Lincoln và John F. Kennedy đều bị ám sát, trong khi ông Franklin Roosevelt qua đời khi đang ở nhiệm kỳ thứ 4.

Trên chính trường Mỹ cũng từng có những nhà lãnh đạo không muốn nhưng buộc phải từ chức do hoàn cảnh chính trị. Chẳng hạn, danh tiếng sụt giảm đã thuyết phục Tổng thống Lyndon Johnson nói với người Mỹ rằng: “Tôi sẽ không tìm cách hay chấp nhận đề cử tranh cử tổng thống từ đảng” trong thông báo gây sốc vào năm 1968 giúp xác định di sản của ông.

Chính trường luôn chứa đựng nhiều cạnh tranh.

Điều này xảy ra ở Canada vào đầu thế kỷ này, khi chiến dịch của Bộ trưởng Tài chính Paul Martin nhằm buộc Thủ tướng Jean Chretien nghỉ hưu đã thành công. Tuy nhiên, nhiệm kỳ thủ tướng của ông Martin ngắn ngủi, đầy rắc rối và không đạt được thành tựu như vị trí trước đây.

Thủ tướng Anh Liz Truss tuyên bố từ chức hôm 20/10/2022. Ảnh: Reuters.

Điều tương tự cũng xảy ra ở Vương quốc Anh, khi Thủ tướng Gordon Brown đánh bại đồng nghiệp Tony Blair sau một thập kỷ ông nắm quyền ở số 10 Phố Downing vào năm 2007.

Tuy nhiên, ông Brown trải qua nhiệm kỳ thủ tướng không mấy tốt đẹp và thua cuộc vào năm 2010. Thất bại này mở đường cho thời kỳ cầm quyền lâu dài của đảng Bảo thủ kéo dài tới tận hiện tại.

Dẫu vậy, đảng Bảo thủ đặc biệt có xu hướng từ bỏ chính trị trước khi trao cho cử tri cơ hội này. Ba cựu thủ tướng gần đây nhất, Liz Truss, Boris Johnson và Theresa May, đều bị chính đảng của họ hạ gục, mặc dù ông Johnson nuôi hy vọng noi gương cựu Thủ tướng Winston Churchill nhằm trở lại số 10 Phố Downing sau thất bại chính trị ê chề.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã một lần nữa chứng minh quay trở lại là khả thi, nhưng có lẽ ông vĩnh viễn phải đối mặt với viễn cảnh chiếc ghế quyền lực mong manh.

Thủ tướng New Zealand Ardern tránh viễn cảnh không còn được chào đón hoặc bị các đồng nghiệp quay lưng. Trong bài phát biểu từ chức, bà nhấn mạnh: “Tôi là con người, chính trị gia là con người. Chúng tôi đã cống hiến tất cả những gì có thể. Đối với tôi, đã đến lúc rời đi”, theo Reuters.

Bà có thể đang hướng theo bước đi của Tổng thống Mỹ George Washington vào thời điểm đuối sức, người từng nói với người dân Mỹ trong Diễn văn Chia tay năm 1796 rằng ông hy vọng “trong hoàn cảnh hiện tại của đất nước, mong quý vị sẽ không từ chối quyết định nghỉ hưu của tôi”.

Giống như bà Ardern, vị tổng thống đầu tiên của Mỹ (giữ nhiệm kỳ từ năm 1789 đến năm 1797) hiểu trong nền dân chủ, điều khó khăn nhất không phải là giành được quyền lực, mà là biết khi nào nên nhượng bộ.

Phương Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/quyet-dinh-cua-ba-ardern-goi-nho-toi-tong-thong-my-dau-tien-post1395557.html