Quyết chinh phục 'chị Hằng', Ấn Độ ráo riết chuẩn bị cho sự trở lại 'lợi hại' hơn

Ấn Độ tuyên bố sẽ tái khởi động sứ mệnh thám hiểm Mặt trăng trong thời gian tới. Vào năm ngoái, nước này đã thất bại trong một sứ mệnh tương tự.

Ấn Độ công bố kế hoạch thảm hiểm mặt trăng lần 3. (Nguồn: CNN)

Trong một cuộc họp báo mới đây, Chủ tịch Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ (ISRO) K. Sivan cho biết, chính phủ Ấn Độ đã phê chuẩn kế hoạch thám hiểm Mặt trăng lần thứ 3. Sứ mệnh lần này với tên gọi Chandrayaan-3 (có nghĩa là “cỗ xe Mặt trăng” trong tiếng Phạn) sẽ bao gồm tàu đổ bộ, thiết bị tự hành và một mô-đun đẩy mới.

Tái khởi động sứ mệnh thám hiểm

Theo người phát ngôn ISRO, chi phí của những thiết bị mới vào khoảng 35 triệu USD, chưa kể đến bệ phóng có giá 51 triệu USD.

Nếu thành công, Ấn Độ sẽ trở thành nước thứ tư trên thế giới có thể thực hiện nhiệm vụ “hạ cánh mềm” lên bề mặt Mặt trăng, sau Mỹ, Nga và Trung Quốc. Sứ mệnh thám hiểm Mặt trăng đầu tiên của Ấn Độ, Chandrayaan-1, được thực hiện vào năm 2008. Trong sứ mệnh này, Chandrayaan-1 vẫn hạ cánh xuống bề mặt Mặt trăng nhưng chưa thể thực hiện cú “hạ cánh mềm” như mong đợi.

Tuyên bố này vừa qua được đưa ra chỉ vài tháng sau khi sứ mệnh thám hiểm Mặt trăng Chandrayaan-2 thất bại. Chandrayaan-2 có nhiệm vụ thu thập các mẫu khoáng vật và hóa chất.

Vikram – tên con tàu đổ bộ của sứ mệnh Chandrayaan-2 – tiến vào quỹ đạo mặt trăng vào tháng 8/2019. Tuy vậy, đến tháng 9, khi đang tiến vào bề mặt Mặt trăng, nó mất liên lạc với cơ quan hàng không Ấn Độ.

NASA tuyên bố rằng, Vikram đã “hạ cánh cứng” xuống bề mặt Mặt trăng. Hiện tại, người ta vẫn chưa biết vị trí hiện tại của con tàu này ở đâu.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã gửi lời động viên tới nhóm nghiên cứu của ISRO trong một bài diễn văn được truyền hình trực tiếp.

“Chúng ta sẽ cảm thấy vô cùng hài lòng khi nhìn lại cuộc hành trình và những nỗ lực của chúng ta", Thủ tướng Modi nói. “Những điều mà chúng ta học được hôm nay sẽ giúp chúng ta trở nên mạnh mẽ và kiên cường hơn. Một bình minh xán lạn và một ngày mai tươi sáng hơn sẽ xuất hiện”.

Tham vọng chinh phục không gian

Những sứ mệnh đổ bộ lên Mặt trăng là một phần trong tham vọng chinh phục không gian của Ấn Độ. Đất nước này mong muốn trở thành một cường quốc không gian và dự định đưa người vào không gian năm 2022.

Cũng trong buổi họp báo vừa qua, ông K. Sivan cho biết ISRO "đang có những bước tiến bộ vượt bậc trong hành trình đưa người lên Mặt trăng. Hiện tại, tổ chức này đã chọn ra bốn phi hành gia để chuẩn bị cho nhiệm vụ đầy tham vọng này”.

Trong thập kỷ vừa qua, Ấn Độ đã thực hiện nhiều bước tiến trong tham vọng chinh phục không gian.

Vào năm 2014, Ấn Độ trở thành quốc gia châu Á đầu tiên đưa được tàu vũ trụ lên Sao Hỏa. Tiếp đó, năm 2017, Ấn Độ đã phóng đến 104 vệ tinh trong một sứ mệnh duy nhất – một con số kỷ lục. Năm ngoái, Thủ tướng Modi tuyên bố Ấn Độ đã bắn rơi một trong những vệ tinh của nước này, một thành tích mà trước Ấn Độ chỉ có ba quốc gia làm được.

Và đặc biệt là những nhiệm vụ này tiêu tốn một khoản ngân sách khá thấp. Sứ mệnh Khám phá Quỹ đạo Sao Hỏa vào năm 2014 của Ấn Độ chỉ tiêu tốn 74 triệu USD – ít hơn con số 100 triệu USD mà Hollywood dành để sản xuất bộ phim Cuộc chiến không trọng lực (Gravity).

“Việc Ấn Độ thực hiện những sứ mệnh khám phá không gian với một chi phí thấp có tầm quan trọng đặc biệt vì một số người đã chỉ trích việc Ấn Độ thực hiện những sứ mệnh không gian trong khi vẫn còn nhiều vấn đề cấp thiết hơn cần quan tâm,” phóng viên Jonathan O'Callaghan nói với CNN vào năm ngoái.

“Tôi nghĩ rằng Ấn Độ cần và nên thực hiện những sứ mệnh không gian chi phí thấp như vậy nhằm đưa khát vọng và truyền cảm hứng cho công chúng”.

Châu Khánh Tâm

(theo CNN)

Châu Khánh Tâm

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/quyet-chinh-phuc-chi-hang-an-do-rao-riet-chuan-bi-cho-su-tro-lai-loi-hai-hon-107276.html