Quyết chặn thực phẩm bẩn

Nhằm ngăn chặn thực phẩm bẩn, Bộ Y tế đã ban hành Công văn về tăng cường công tác kiểm tra an toàn thực phẩm (ATTP), các Sở Y tế phải tiến hành xây dựng kế hoạch thanh tra ATTP dịp Tết Nguyên đán từ tháng 12/2017. Cùng với đó, tại Chỉ thị số 09, Bộ Y tế cũng yêu cầu tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất và mùa Lễ hội Xuân 2018.

Tăng cường công tác kiểm tra an toàn thực phẩm.

Tại Hội nghị về ATTP vừa diễn ra tại Hà Nội, ông Trần Văn Chung- Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, hiện nay, trên địa bàn thành phố có gần 66 nghìn cơ sở thực phẩm. Trong năm 2017, ngoài việc ban hành hơn 200 văn bản chỉ đạo về công tác quản lý an toàn thực phẩm, trên địa bàn TP Hà Nội đã có 817 đoàn thanh tra, kiểm tra được thành lập. Qua kiểm tra hơn 111 nghìn lượt cơ sở, cơ quan chức năng phát hiện hơn 23 nghìn lượt cơ sở có vi phạm, trong đó có 7.221 cơ sở bị phạt tiền với số tiền phạt hơn 38 tỷ đồng.

Tại đây, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu chỉ đạo, trong năm 2018 và những năm tiếp theo, các sở, ngành, nhất là quận, huyện, thị xã tiếp tục vào cuộc quyết liệt. Riêng trong dịp Tết Nguyên đán, ông Sửu yêu cầu các sở, ngành, đoàn thể, UBND các quận, huyện, thị xã kiểm soát chặt thực phẩm lưu thông trên thị trường, thực phẩm từ các tỉnh, thành phố trên cả nước đưa vào Hà Nội. Dịp Tết, thành phố cũng tăng cường thêm 2 xe kiểm nghiệm nhanh thực phẩm để lấy mẫu và kiểm nghiệm nhanh tại chỗ chất lượng thực phẩm.

Còn tại TP HCM, từ ngày 1/1/2018 đến hết ngày 27/3, Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh ATTP TP HCM yêu cầu các đơn vị liên quan thành lập các đoàn thanh tra liên ngành từ cấp TP đến cấp phường, xã tập trung vào nhóm sản phẩm thực phẩm có nguy cơ cao được tiêu dùng nhiều trong dịp Tết và lễ hội; kiểm soát đảm bảo ATTP trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu và sử dụng thực phẩm. Bên cạnh đó, tăng cường phòng chống ngộ độc thực phẩm, hạn chế tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất và Lễ hội Xuân 2018; Tập trung tuyên truyền nâng cao kiến thức, nhận thức thực hành về vệ sinh ATTP trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc, lễ hội; Tuyên truyền phòng ngừa ngộ độc rượu, các kiến thức trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng thực phẩm trong dịp Tết và mùa lễ hội; Tuyên truyền, giáo dục về sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, trồng trọt và nuôi trồng, thuốc an thần trong giết mổ gia súc…

Bà Phạm Khánh Phong Lan-Trưởng Ban quản lý ATTP TPHCM cho biết, Ban Quản lý ATTP đã thành lập 12 đoàn kiểm tra chuyên ngành với thành phần gồm các chuyên viên của Phòng Thanh tra Ban Quản lý ATTP; đại diện chính quyền địa phương; đại diện Ban quản lý khu chế xuất-khu công nghiệp TPHCM để tiến hành kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, nhập khẩu, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn TPHCM; tập trung kiểm tra, thực hiện lấy mẫu xét nghiệp khi có dấu hiệu vi phạm chất lượng và ATTP; thực hiện truy xuất nguồn gốc thực phẩm đối với những cơ sở sản xuất, chế biến, cung ứng các sản phẩm không đảm bảo chất lượng ATTP và xử lý nghiêm những cơ sở vi phạm.

Tại Chỉ thị số 09 tăng cường các biện pháp bảo đảm ATTP phòng chống ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất và mùa Lễ hội Xuân 2018, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh ATTP yêu cầu Ban Chỉ đạo liên ngành các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về vệ sinh ATTP: Xây dựng kế hoạch bảo đảm ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm trên địa bàn trong dịp Tết và mùa Lễ hội Xuân 2018. Đẩy mạnh hoạt động truyền thông đến các đối tượng sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng thực phẩm, tập trung tuyên truyền các quy định của pháp luật về điều kiện ATTP đối với cơ sở, trang thiết bị, vệ sinh cá nhân người sản xuất, chế biến thực phẩm; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về ATTP. Tập trung vào các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm như: Các chợ, trung tâm thương mại đầu mối; cơ sở sản xuất, kinh doanh thịt và các sản phẩm từ thịt, rau củ quả tươi sống, bánh, mứt, kẹo, rượu, bia, nước giải khát, phụ gia thực phẩm; các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố tập trung trên địa bàn. Kết hợp lấy mẫu thực phẩm, ưu tiên xét nghiệm sớm.

Cùng với đó, các cơ sở y tế chuẩn bị sẵn sàng các phương án, lực lượng thường trực, phương tiện, vật tư, hóa chất, đào tạo, tập huấn cho lực lượng chuyên môn để chủ động cấp cứu và điều trị, điều tra, xử lý, giảm thiểu ảnh hưởng khi có ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn. Tổ chức trực chuyên môn 24/24 giờ trong những ngày nghỉ trong dịp Tết và Lễ hội.

Đức Trân

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/an-toan-thuc-pham/quyet-chan-thuc-pham-ban-tintuc393904